Với sự phát triển mạnh mẽ của internet những năm gần đây, trẻ em tham gia vào các hoạt động trên mạng ngày càng thường xuyên hơn. Ngoài mục đích truy cập để giải trí, mạng internet còn được khai thác phục vụ học tập hiệu quả vì cung cấp “kho” kiến thức lớn, dễ tìm kiếm. Tuy nhiên, internet cũng chứa đựng những mặt hạn chế, nếu thiếu đi sự giám sát của người lớn, rất dễ khiến trẻ em bị “sa” vào những trang mạng chứa nội dung xấu. Điều đáng nói là rất nhiều gia đình chưa biết kỹ năng hoặc xem nhẹ việc bảo vệ trẻ trên môi trường mạng internet, do đó dễ dẫn đến việc các em có nguy cơ bị xâm hại từ môi trường này. Vì vậy, bảo vệ, hỗ trợ trẻ em trên không gian mạng là vấn đề cần được quan tâm.
Học sinh Trường Tiểu học xã Nam Toàn (Nam Trực) trong một tiết học Tin học. |
Em Bùi Minh Đức, học sinh một trường THCS trên địa bàn thành phố Nam Định cho biết: “Lớp em thành lập nhóm zalo, mọi thông tin về bài học, bài tập, các thầy cô giáo và chúng em đều dễ dàng chia sẻ với nhau. Ngoài ra, thông qua mạng xã hội, chúng em còn biết thêm nhiều kiến thức về các vấn đề thời sự, vấn đề liên quan đến cuộc sống, phục vụ tốt cho việc học tập. Trên internet có rất nhiều thông tin, do đó, chúng em phải biết chắt lọc để không làm ảnh hưởng đến bản thân. Được thầy cô giáo hướng dẫn, hầu hết chúng em chỉ sử dụng những trang web phục vụ cho việc học tập. Tuy nhiên vẫn có một số bạn đăng tải những nội dung xấu hoặc chat với nhau bằng những từ ngữ không lành mạnh”. Nhiều phụ huynh hiện nay hầu hết đều bận rộn với công việc nên việc quản lý, giám sát con khi xem các chương trình trên mạng bị hạn chế. Trong khi đó, qua các ứng dụng, mạng xã hội Facebook, Zalo, hay Tik-Tok xuất hiện các bài viết, clip, hình ảnh gắn mác dành cho trẻ em nhưng mang nội dung không có tính giáo dục, phản cảm khiến nhiều em nhỏ có hành động, lời nói không phù hợp độ tuổi. Vợ chồng chị Phạm Thị Hằng (thành phố Nam Định) có công việc bận rộn, thường đi làm từ sáng đến hơn 18 giờ mới về nhà. Sau khi đi học về, 2 con của chị “làm bạn” với chiếc tivi có kết nối mạng internet. Ở đó, các cháu có thể tự xem mọi thứ từ các bộ phim hoạt hình đến các chương trình giải trí của cả thiếu nhi lẫn người lớn. Thậm chí, giờ ăn cơm cũng thường hay cầm điện thoại vừa ăn vừa xem. Chị Hằng chia sẻ: “Do con ăn bữa cơm rất lâu nên tôi hay cho con xem điện thoại để con ăn nhanh hơn”. Đây không phải là vấn đề hiếm gặp khi hầu hết các bậc phụ huynh đều bận rộn, không có nhiều thời gian chơi với con. Tuy nhiên, các em còn quá nhỏ, xem các chương trình qua mạng internet chưa biết chọn lọc nên không phân biệt được những nội dung tốt, xấu. Có nhiều nguy cơ rủi ro tiềm ẩn đối với trẻ em khi sử dụng internet như: bị đánh cắp thông tin cá nhân và gia đình, đánh cắp dữ liệu dùng vào các hoạt động như mạo danh, bán hàng, lấy cắp tiền trong tài khoản… Hoặc bị ảnh hưởng bởi các thông tin xấu độc, phản cảm hoặc một số phim ảnh dành cho người lớn làm cho nhận thức lệch lạc, hành động bắt chước làm theo…
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, nhiều trường học đã tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho các em về tác hại của mạng xã hội. Chị Cao Thị Thảo, giáo viên Trường THCS Đại An (Vụ Bản) cho biết: “Ngoài gia đình, trường học là môi trường lý tưởng để giáo dục trẻ về cách tự đảm bảo sự an toàn trên mạng internet. Nhà trường đóng vai trò dẫn dắt học sinh và đồng hành cùng phụ huynh trong việc sử dụng hiệu quả internet”. Theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26-12-2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong chương trình giáo dục phổ thông, môn Tin học sẽ được đưa vào chương trình giảng dạy từ lớp 3 đến lớp 12. Đến năm 2021, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025”. Chương trình với mục tiêu kép là bảo vệ bí mật đời sống riêng tư và ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng để xâm hại trẻ em, đặc biệt chú trọng đến việc giúp trẻ tự nhận biết và có khả năng tự bảo vệ mình. Chương trình không chỉ tập trung vào vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng mà còn mong muốn thúc đẩy phát triển các sản phẩm, ứng dụng giúp các em truy cập, khai thác nguồn tài nguyên trực tuyến một cách hiệu quả và an toàn. Ngay sau khi chương trình được ban hành, Bộ TT và TT đã có quyết định cụ thể hóa các nhiệm vụ nhằm tăng cường thông tin, tuyên truyền đến toàn xã hội về hiện trạng, các nguy cơ đối với trẻ em và kiến thức, định hướng trẻ tương tác an toàn, lành mạnh trên môi trường mạng. Bên cạnh đó, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm trong quản lý Nhà nước đối với hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ, ứng dụng viễn thông, internet và thông tin trên mạng; tổ chức các buổi tập huấn nhằm giúp các em nâng cao cảnh giác khi sử dụng mạng xã hội; hướng dẫn trẻ cách tham gia môi trường mạng tốt nhất, giúp trẻ nhận biết được những rủi ro, cạm bẫy trên môi trường mạng; tăng cường giáo dục, hỗ trợ để các em có đủ thông tin, kỹ năng tự bảo vệ mình trong thế giới công nghệ số…
Trong thời đại công nghệ số việc cấm trẻ em tham gia không gian mạng không phải là giải pháp tối ưu mà làm hạn chế cơ hội tiếp cận thông tin, tri thức của trẻ. Thay vì cấm, phải hướng dẫn trẻ kiến thức, kỹ năng để trẻ khai thác thông tin mạng an toàn. Để đảm bảo cho trẻ an toàn khi tham gia mạng internet, gia đình và nhà trường cần có sự phối hợp nhịp nhàng. Về phía gia đình, cha mẹ không nên cấm đoán con trẻ sử dụng mạng, thay vào đó nên định hướng cho con những trang web, thông tin có ích. Cha mẹ cũng có thể chủ động cho con biết về những nguy cơ rủi ro khi tham gia mạng xã hội để bản thân trẻ hình thành sự chủ động trong việc sử dụng mạng Internet. Vì vậy, trẻ em rất cần được trang bị kiến thức và kỹ năng để đảm bảo an toàn trên mạng cho bản thân trong cả chặng hành trình tương lai của các em và của toàn xã hội./.
Bài và ảnh: Thanh Hoa
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin