Một cán bộ Hội Người mù giàu nghị lực

08:31, 14/02/2023

Người ta thường nói “Giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay”, tuy nhiên, đối với anh Trần Anh Văn, Chủ tịch Hội Người mù huyện Hải Hậu, không còn thị lực không đồng nghĩa với việc mọi cánh cửa của tương lai sẽ khép lại. Anh được mọi người dành tình cảm yêu mến và nể phục bởi có một tinh thần lạc quan, không đầu hàng trước số phận, nỗ lực trở thành chỗ dựa tinh thần vững chắc cho những người cùng cảnh ngộ hoà nhập với cộng đồng.

Người ta thường nói “Giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay”, tuy nhiên, đối với anh Trần Anh Văn, Chủ tịch Hội Người mù huyện Hải Hậu, không còn thị lực không đồng nghĩa với việc mọi cánh cửa của tương lai sẽ khép lại. Anh được mọi người dành tình cảm yêu mến và nể phục bởi có một tinh thần lạc quan, không đầu hàng trước số phận, nỗ lực trở thành chỗ dựa tinh thần vững chắc cho những người cùng cảnh ngộ hoà nhập với cộng đồng.
Anh Trần Anh Văn, Chủ tịch Hội Người mù huyện Hải Hậu hướng dẫn hội viên đóng gói tăm.

Anh Văn sinh ra trong một gia đình có bố từng tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam nên từ nhỏ anh đã bị bệnh thoái hóa võng mạc. Mắt anh mờ dần cho đến khi học lớp 8 thì anh hoàn toàn không còn nhìn thấy và phải nghỉ học. Năm anh 23 tuổi, được sự quan tâm, động viên của cán bộ Hội Người mù huyện Hải Hậu, anh đã tham gia vào Hội. Thấm nhuần lời Bác Hồ dạy “tàn nhưng không phế”, anh đã nỗ lực cố gắng, vượt qua khó khăn. Tại đây, anh được học chữ nổi và đào tạo nghề xoa bóp, bấm huyệt. Được sự hỗ trợ từ gia đình và Hội Người mù huyện, anh Văn đã tự mở cơ sở riêng và dạy nghề cho những hội viên có nhu cầu học nghề. Để nâng cao tay nghề của mình, anh Văn còn đi học thêm khóa học về tác động cột sống, các huyệt, dây thần kinh trên cơ thể, đồng thời đi nhiều nơi, học hỏi những người có nhiều kinh nghiệm trong nghề. Năm 2022, anh Văn đoạt giải nhất cuộc thi tay nghề tẩm quất, xoa bóp tỉnh. Ngoài thời gian làm việc anh Văn còn cùng các anh chị em trong đội văn nghệ của hội tham gia biểu diễn văn nghệ trong những buổi giao lưu ca nhạc hay các hội nghị của huyện. Vì có năng khiếu thẩm âm tốt, lại đam mê loa, đài, có khả năng lắp ráp được nhiều loại loa nên anh Văn còn mở một cửa hàng kinh doanh loa đài nhỏ. Nhờ kiên trì, chịu khó, hàng tháng anh có mức thu nhập ổn định, đủ để trang trải cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày và lo cho các con ăn học. Anh Văn cho biết: “Tôi rất yêu thích công việc ở hội, có điều kiện giúp đỡ nhiều trường hợp khó khăn. Từ khi tham gia vào Hội Người mù, tôi nhận ra đây là nơi mình có thể phát huy khả năng, không trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Cuộc sống ngày càng có ý nghĩa hơn”.

Với vai trò là người đứng đầu một tổ chức xã hội đặc thù, không chỉ cố gắng cho bản thân, mà anh còn luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của hội viên, động viên họ vượt lên số phận, giúp đỡ hội viên tiếp cận tri thức, học nghề để cải thiện cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Anh Văn cho biết: “Tôi luôn động viên hội viên, dù mình là người khiếm thị cũng không nên ỷ lại vào sự hỗ trợ từ người khác, không để bản thân bị lãng quên trong bóng tối”. Nhiều hội viên được tạo điều kiện đi học các lớp học chữ nổi cho người khiếm thị, lớp tin học cơ bản và lớp tẩm quất, bấm huyệt để hành nghề, có thu nhập ổn định. Hiện trên địa bàn huyện có 7 cơ sở xoa bóp bấm huyệt do hội viên đứng ra quản lý, tạo việc làm cho 30 hội viên khác có thu nhập ổn định với mức lương trung bình từ 2,5-3,5 triệu đồng/người/tháng. Nhiều hội viên có cuộc sống đầy đủ từ nghề xoa bóp, bấm huyệt như các ông: Nguyễn Văn Thiệu, chủ cơ sở xoa bóp, bấm huyệt ở thị trấn Thịnh Long; Nguyễn Văn Quyết chủ cơ sở xoa bóp, bấm huyệt ở xã Hải Long… Bên cạnh đó, Hội duy trì hoạt động sản xuất tăm tre với tổng số 32 hội viên, chủ yếu hội viên nữ có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi năm, hội sản xuất tăm 2 đợt, đợt 1 vào tháng 4, đợt 2 vào tháng 10 tạo việc làm cho mỗi hội viên, với thu nhập 100-120 nghìn đồng/ngày. Ông Nguyễn Văn Thiệu, hội viên Hội Người mù huyện, chủ cơ sở xoa bóp, bấm huyệt ở thị trấn Thịnh Long cho biết: “Anh Văn là một cán bộ có tinh thần trách nhiệm, luôn thực hiện tốt nhiệm vụ, năng động, sáng tạo trong công tác hội cũng như chăm lo đời sống, tạo việc làm cho hội viên. Nhờ có sự quan tâm, vận động của anh nên tôi mới tham gia vào Hội Người mù huyện. Từ đó tôi mới có thêm nguồn vốn vay để lao động sản xuất, có thu nhập ổn định trang trải cho cuộc sống gia đình”. Bên cạnh công tác hỗ trợ tạo việc làm, anh Văn cùng Hội Người mù huyện cũng phối hợp với các cơ quan, đơn vị của huyện giúp 100% hội viên được hưởng trợ cấp hàng tháng, được cấp thẻ bảo hiểm y tế khám, chữa bệnh miễn phí, được vay tiền ưu đãi từ kênh học sinh, sinh viên để hoàn thành khóa học từ các trường đại học, cao đẳng… Ngoài ra, anh Văn cùng cán bộ, hội viên Hội Người mù huyện luôn tích cực vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài huyện đóng góp, hỗ trợ, tặng quà cho các hội viên nhân các dịp lễ, Tết hay khi gặp thiên tai, hoạn nạn. 

Vượt lên những thiệt thòi của số phận, anh Trần Anh Văn khiến nhiều người quý mến, khâm phục bởi luôn nỗ lực không ngừng để vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ của Chủ tịch Hội Người mù huyện, vừa là trụ cột vững chắc của gia đình. Anh Trần Anh Văn là một tấm gương sáng, là người “truyền lửa” cho các hội viên học tập và noi theo; luôn lạc quan, nhiệt huyết, trách nhiệm, nỗ lực hết mình trong mọi hoạt động, đưa phong trào của hội ngày càng phát triển”./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com