Chuyển đổi số - xu hướng tất yếu để phát triển giáo dục hiện đại (kỳ 1)
(Tiếp theo và hết)
Kỳ 2: Tạo nền tảng vững chắc để tăng tốc chuyển đổi số
Trong “Chương trình Chuyển đổi số (CĐS) quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ, nội dung CĐS về giáo dục và đào tạo (GD và ĐT) nêu rõ: “Phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Phát triển công nghệ phục vụ giáo dục, hướng tới đào tạo cá thể hóa. 100% các cơ sở giáo dục (CSGD) triển khai công tác dạy và học từ xa, trong đó thử nghiệm chương trình đào tạo cho phép học sinh, sinh viên học trực tuyến tối thiểu 20% nội dung chương trình. Ứng dụng công nghệ số để giao bài tập về nhà và kiểm tra sự chuẩn bị của học sinh trước khi đến lớp học”. Tức là thực hiện CĐS toàn diện, đồng bộ trên hai nội dung chính: quản lý và trong dạy - học, kiểm tra, đánh giá.
Cô và trò Trường Tiểu học Trần Nhân Tông (thành phố Nam Định) trong một giờ học Tin học. |
Thực tế triển khai CĐS trong ngành Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) của tỉnh ta thời gian qua đã tạo ra những đổi thay tích cực. Cụ thể, ở nội dung đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá, toàn ngành đã nỗ lực trong việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào quản lý, giảng dạy, học tập, bồi dưỡng chuyên môn; triển khai dạy học, kiểm tra, đánh giá, tổ chức các hội thi theo hướng kết nối toàn cầu, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý ở các cơ quan quản lý giáo dục, các CSGD góp phần thúc đẩy chất lượng GD và ĐT. Sở GD và ĐT đã tăng cường tổ chức hội thảo, tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên các CSGD về ứng dụng CNTT, CĐS trong quản lý, dạy học và kiểm tra đánh giá. Đến nay, 100% nhà trường đã kết nối mạng internet, trên 97% học sinh từ tiểu học đến THPT có thiết bị phục vụ học tập có thể kết nối mạng internet là máy tính và điện thoại thông minh. Hầu hết các CSGD đã kết hợp linh hoạt cả 2 hình thức dạy học trực tiếp và trực tuyến; kiểm tra, đánh giá trực tuyến và trực tiếp. 100% các nhà trường và học sinh được cấp tài khoản học trực tuyến trên các phần mềm OLM, vioedu, onluyen.vn.
Nhờ đó, toàn ngành đã đạt nhiều kết quả tại các cuộc thi, hội thi có ứng dụng CNTT, CĐS: Hội thi Hùng biện tiếng Anh, Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh (kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến) đều có nhiều học sinh đạt giải ở cấp quốc gia. Cuộc thi Vô địch Tin học văn phòng thế giới - Viettel 2022, có 7 học sinh của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đạt giải (1 giải Nhất, 4 giải Nhì, 2 giải Ba). Cô giáo Nguyễn Thị Bích Đào, giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong được vinh danh và nhận giải thưởng “Giáo viên Tin học văn phòng xuất sắc nhất năm”; em Phạm Duy Nguyên, học sinh lớp 10 chuyên Toán 2, vô địch quốc gia nội dung Microsoft Power Point 2019 đại diện cho Việt Nam tranh tài tại Vòng chung kết Cuộc thi Tin học văn phòng thế giới năm 2022 tại Mỹ. Cuộc thi Thiết kế bài giảng điện tử cấp tỉnh nhằm xây dựng kho học liệu số ngành GD và ĐT có chất lượng phục vụ đổi mới nội dung, phương pháp dạy - học, kiểm tra, đánh giá, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Kết quả có 726 tác giả/nhóm tác giả đạt giải; 414 tác giả/nhóm tác giả có bài giảng được cấp giấy chứng nhận xếp loại đạt trở lên...
Ứng dụng CNTT và CĐS trong đổi mới phương thức quản trị CSGD và quản lý Nhà nước về giáo dục, đến nay, 100% CSGD đã triển khai sử dụng phần mềm quản lý trường học (Vnedu của VNPT và SMAS của Viettel) hỗ trợ công tác quản trị nhà trường tích hợp không gian làm việc số, tạo môi trường làm việc và tương tác trực tuyến cho cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo, nhân viên và hướng tới cả người học; phần mềm quản trị nhà trường đã đáp ứng về quy định kỹ thuật về dữ liệu của Bộ GD và ĐT và kết nối trao đổi liên thông dữ liệu với cơ sở dữ liệu (CSDL) ngành Giáo dục. 100% CSGD phổ thông đã triển khai các ứng dụng hồ sơ điện tử gồm: sổ điểm điện tử, học bạ điện tử. 100% CSGD trực thuộc Sở đã triển khai thanh toán các loại phí dịch vụ giáo dục qua ngân hàng, không dùng tiền mặt; 100% các CSGD triển khai ứng dụng kết nối, tương tác, trao đổi thông tin giữa phụ huynh với nhà trường trên nền tảng số, áp dụng các giải pháp miễn phí như tin nhắn OTT, email, ứng dụng trên thiết bị di động và website giáo dục. 100% CSGD đã triển khai hệ thống quản lý hành chính điện tử (e-office) liên thông trao đổi văn bản điện tử với tất cả các CSGD và cơ quan quản lý giáo dục. 100% CSGD triển khai xây dựng cổng thông tin điện tử, thư điện tử giáo dục theo quy định tại Thông tư số 37/2020/TT-BGDĐT. 100% cán bộ quản lý, giáo viên phổ thông được cấp tài khoản để thực hiện các module bồi dưỡng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên hệ thống LMS, đồng bộ với Hệ thống thông tin quản lý quá trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên TEMIS của Bộ GD và ĐT.
Thời gian tới, thực hiện Kế hoạch triển khai Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25-1-2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT và CĐS trong GD và ĐT giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” của UBND tỉnh, ngành GD và ĐT tỉnh tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm: Xây dựng và hoàn thiện hệ thống CSDL ngành GD và ĐT tỉnh kết nối với CSDL của tỉnh và CSDL ngành của Bộ GD và ĐT; Xây dựng Kho học liệu số dùng chung trong toàn ngành có chức năng cập nhật, lưu trữ, quản lý, khai thác các bài giảng điện tử, bài giảng dạy học trên truyền hình, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng và các học liệu khác; Xây dựng Hệ thống quản lý thi tuyển sinh THPT - Quản lý thi học sinh giỏi trực tuyến; thực hiện số hóa các văn bản, tài liệu của ngành, các đối tượng, các quy trình trong quản trị và quản lý CSGD như thông tin về tuyển sinh, thông tin về tốt nghiệp…
Trước mắt, năm học 2022-2023, ngành GD và ĐT tỉnh tập trung vào một số nhiệm vụ cụ thể: Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức; đào tạo, bồi dưỡng năng lực về CNTT, năng lực số cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên và người học; nâng cao chỉ số phát triển nguồn nhân lực về Chính phủ điện tử. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên tại các CSGD (nhất là người đứng đầu của đơn vị) về vai trò và lợi ích của việc CĐS trong ngành Giáo dục. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực CNTT, năng lực số cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên và người học bảo đảm quản lý, làm việc hiệu quả trên môi trường số; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ phụ trách ứng dụng CNTT và CĐS trong ngành Giáo dục.
Xây dựng hệ thống CSDL ngành GD và ĐT tỉnh, đảm bảo phục vụ tất cả cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục; đáp ứng được các yêu cầu chuẩn dữ liệu theo quy định của Bộ GD và ĐT và các dữ liệu đặc thù của giáo dục tỉnh Nam Định (bao gồm CSDL về người học, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và nhân viên, cơ sở vật chất, tài chính - đầu tư, nghiên cứu khoa học, chương trình đào tạo…); đảm bảo tính chính xác và có độ tin cậy cao phục vụ các hoạt động của ngành. Đầu tư trang thiết bị hạ tầng số, hệ thống phần mềm và các biện pháp đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. Đảm bảo hệ thống có khả năng phục vụ để triển khai các hội nghị, các lớp bồi dưỡng, tập huấn theo hình thức trực tuyến, dạy học kết nối... kết nối, liên thông từ Sở GD và ĐT, phòng GD và ĐT tới tất cả các CSGD trong tỉnh.
Tiếp tục rà soát, cắt giảm và đơn giản hóa các thủ tục hành chính, quy trình nghiệp vụ theo hướng giúp ứng dụng hiệu quả công nghệ số, mở rộng các dịch vụ hỗ trợ, phục vụ tốt nhất người học, người dân và các tổ chức. Mở rộng triển khai phần mềm quản lý văn bản điều hành để gửi, nhận văn bản, báo cáo điện tử (ký số), cổng thông tin điện tử nhằm hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc và cải cách hành chính tới 100% CSGD. Triển khai mở rộng ứng dụng phần mềm quản lý nhà trường nhằm tạo môi trường làm việc và tương tác trực tuyến cho cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo, nhân viên và người học phục vụ việc quản trị, quản lý điều hành tại các CSGD. Triển khai phát động cuộc thi thiết bị dạy học số tạo tiền đề hình thành kho học liệu số, học liệu mở chia sẻ dùng chung toàn ngành Giáo dục.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh; sự hỗ trợ, phối hợp của cấp uỷ, chính quyền các địa phương, các doanh nghiệp, đơn vị viễn thông trên địa bàn tỉnh tạo nền tảng quan trọng và vững chắc, ngành GD và ĐT tỉnh đang bắt đầu bước vào giai đoạn “tăng tốc” trong công tác CĐS; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu lộ trình CĐS của toàn ngành. Tiến tới hội nhập nhanh và sâu hơn với các nền giáo dục tiên tiến của khu vực và thế giới, góp phần giữ vững thành tích là một trong những đơn vị lá cờ đầu của ngành GD và ĐT cả nước, khẳng định vị thế truyền thống đất học./.
Bài và ảnh: Minh Thuận
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin