Bảo đảm an toàn cháy nổ trong hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh

08:32, 06/02/2023

Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ cháy, nổ tại các công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy hiểm về cháy, nổ, nhất là cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Trước tình hình đó, Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (PCCC-CNCH) tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường kiểm tra, hướng dẫn công tác an toàn PCCC, đồng thời triển khai nhiều giải pháp góp phần bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn.

Lực lượng Công an kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở karaoke Hoàng Nam trên địa bàn huyện Nam Trực.
Lực lượng Công an kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở karaoke Hoàng Nam trên địa bàn huyện Nam Trực.

Theo số liệu của Công an tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện có 12.374 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC; 1.916 cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ; trong đó 3.946 cơ sở do Công an quản lý. Trong năm 2022, Công an tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành do Công an tỉnh chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, các xã, phường, thị trấn tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong đầu tư xây dựng, khai thác, sử dụng công trình liên quan đến PCCC tại 18 cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ. Phối hợp thanh tra chuyên đề việc thực hiện các quy định liên quan đến PCCC đối với Sở Xây dựng, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, UBND 3 huyện Mỹ Lộc, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, UBND 9 xã và 9 cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ. Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các sở, ngành, chính quyền địa phương thực hiện cao điểm tuyên truyền, kiểm tra PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Kết quả, đã hướng dẫn 610.492/610.692 hộ gia đình và hộ gia đình có nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh bảo đảm lối thoát nạn thứ 2; hướng dẫn 378.986/610.692 hộ gia đình và hộ gia đình có nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh tự trang bị bình chữa cháy xách tay, dụng cụ phá dỡ thô sơ để xử lý tình huống cháy, nổ bất thường xảy ra.

Đặc biệt trong năm, Công an tỉnh đã thực hiện đợt cao điểm kiểm tra an toàn PCCC-CNCH đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke. Qua đó, sau khi điều tra, rà soát, trên địa bàn tỉnh có 268 cơ sở kinh doanh karaoke thuộc diện quản lý Nhà nước về PCCC, không có cơ sở kinh doanh dịch vụ quán bar, vũ trường. Lực lượng Cảnh sát PCCC-CNCH phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương tiến hành kiểm tra 100% cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke; phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 108 trường hợp với tổng số tiền hơn 234 triệu đồng. Các vi phạm chủ yếu gồm: Hồ sơ quản lý, theo dõi PCCC không đầy đủ tài liệu theo quy định; đường đi, lối thoát nạn chưa bảo đảm; thiếu trang bị, phương tiện PCCC-CNCH; bảo dưỡng trang thiết bị PCCC, niêm yết biển báo nguy hiểm, biển chỉ dẫn thoát nạn chưa đúng quy định; sử dụng phương án chữa cháy chưa được phê duyệt theo quy định của pháp luật; lắp đặt, sử dụng dây dẫn điện không bảo đảm an toàn PCCC; sử dụng vật liệu phòng hát không đáp ứng các quy định… Sau khi kiểm tra, lực lượng chức năng xác định các công trình, cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke trên địa bàn tỉnh đa số hoạt động từ trước năm 2015 và được chuyển đổi công năng từ loại hình nhà ở cải tạo sang kinh doanh dịch vụ karaoke. Một số cơ sở mới kinh doanh từ năm 2020 khi Thông tư 147 của Bộ Công an có hiệu lực nhưng việc chấp hành các kiến nghị, quy định về bảo đảm an toàn PCCC-CNCH của người đứng đầu cơ sở còn hạn chế nên không thực hiện theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn đề ra. Cùng với những thiếu sót, hạn chế của chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, qua kiểm tra lực lượng chức năng cũng xác định rõ trình độ năng lực, nghiệp vụ PCCC-CNCH của một số cán bộ, chiến sĩ Công an cấp huyện, cấp xã còn yếu, nhất là trong hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn PCCC; công tác quản lý Nhà nước của chính quyền nhiều xã, thị trấn còn bị buông lỏng, dẫn đến không quyết liệt trong xử lý vi phạm về PCCC. Sau khi kiểm tra, lực lượng Công an đã thu hồi 223/268 giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT; hiện còn 45 giấy chứng nhận do chủ cơ sở báo mất hoặc đi vắng, nghỉ hoạt động nên chưa thu hồi được. Như vậy đến nay 100% các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke trên địa bàn tỉnh đều chưa đi vào hoạt động do không đáp ứng yêu cầu về PCCC-CNCH đề ra.

Nhằm bảo đảm an toàn cho các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy hiểm về cháy, nổ, trong năm Công an tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 103, ngày 9-12-2022 quy định mức hỗ trợ thường xuyên hàng tháng cho đội trưởng, đội phó đội dân phòng trên địa bàn tỉnh. Phối hợp, hướng dẫn UBND các xã, phường, thị trấn triển khai xây dựng 174 mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”; trong đó có 66 địa phương đã tổ chức hội nghị ra mắt 68 mô hình và xây dựng 22 “Điểm chữa cháy công cộng”. Phối hợp, hướng dẫn UBND các xã, phường, thị trấn kiện toàn, củng cố, duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động của 2.160 đội dân phòng ở 100% thôn, xóm, tổ dân phố sau khi sắp xếp, sáp nhập, đổi tên; đồng thời hướng dẫn 3.946 cơ quan, doanh nghiệp củng cố, duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động của 3.946 đội PCCC…

Với các giải pháp đồng bộ của lực lượng Công an và các sở, ngành, địa phương nên công tác PCCC trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực; các vụ cháy, nổ trên địa bàn tỉnh đang từng bước được giảm thiểu tối đa. Trong năm 2022 trên địa bàn tỉnh xảy ra 5 vụ cháy ở thành phố Nam Định và các huyện Mỹ Lộc, Ý Yên; trong đó 2 vụ cháy nhà dân, 2 vụ cháy tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, 1 vụ cháy phương tiện giao thông; nguyên nhân gây cháy chủ yếu là do sự cố hệ thống điện. Vụ cháy điển hình xảy ra vào hồi 7 giờ 40 phút ngày 10-10-2022 tại Công ty TNHH Youngor Smart Shirts Việt Nam (doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm may mặc), địa chỉ ở Khu công nghiệp Mỹ Trung (Mỹ Lộc) làm hư hỏng khoảng 500 chiếc xe máy, rất may không có thiệt hại về người, hiện chưa có kết luận nguyên nhân gây ra cháy tại đây. Tất cả các vụ cháy xảy ra trên địa bàn, lực lượng Cảnh sát PCCC-CNCH đều kịp thời có mặt, sử dụng nhiều phương tiện, thiết bị, phối hợp sớm dập lửa an toàn. Cùng với chữa cháy, trong năm 2022, lực lượng Cảnh sát PCCC-CNCH đã huy động 25 lượt phương tiện chuyên dụng, 170 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia CNCH 6 vụ; qua đó đã hướng dẫn cho trên 50 người thoát nạn, số tài sản cứu được ước tính trên 2 tỷ đồng./.
 

Bài và ảnh: Xuân Thu
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com