Những năm qua, huyện Giao Thủy thường xuyên quan tâm nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao kiến thức pháp luật cho các tầng lớp nhân dân, góp phần phòng ngừa, hạn chế các hành vi tranh chấp, vi phạm pháp luật, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Nông thôn mới xã Giao Hải. |
Hàng năm, Phòng Tư pháp huyện tham mưu cho UBND huyện kiện toàn tổ hòa giải, xây dựng đội ngũ hòa giải viên, tuyên truyền viên pháp luật; định kỳ hàng quý tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ, nâng cao kiến thức pháp luật và kỹ năng hòa giải cho đội ngũ này. Đến nay, trên địa bàn huyện đã xây dựng, kiện toàn được 195 tổ hòa giải cơ sở với hơn 1.320 hòa giải viên. Thành viên tổ hòa giải đều là tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, xóm, trưởng ban công tác Mặt trận, trưởng các chi hội, đoàn thể là những người có uy tín trong cộng đồng. Ngoài ra ở nhiều thôn, xóm, để mở rộng mạng lưới và tăng cường năng lực cho tổ hòa giải đã mời cán bộ làm việc trong các cơ quan Nhà nước có kinh nghiệm trong công tác và cuộc sống làm cộng tác viên cho tổ. Trên thực tế, một trong những khó khăn của công tác hòa giải ở cơ sở hiện nay là các trường hợp mâu thuẫn, tranh chấp ngày càng đa dạng, phức tạp trong khi trình độ, kỹ năng của một số thành viên còn hạn chế. Để khắc phục khó khăn, UBND huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân; rà soát, đánh giá năng lực, công tác tổ chức, hoạt động của các tổ hòa giải; lập kế hoạch triển khai thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở; đẩy mạnh việc xây dựng xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật... trong đó tập trung tuyên truyền các nội dung về giải phóng mặt bằng, phòng chống tham nhũng, thừa kế, nghĩa vụ quân sự, đất đai... Phòng Tư pháp huyện phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin huyện xây dựng chuyên mục phổ biến, giáo dục pháp luật; soạn thảo, đăng tải 8 bộ tài liệu tuyên truyền pháp luật trên Cổng thông tin điện tử của huyện; phối hợp với MTTQ huyện tổ chức hội nghị tuyên truyền vận động người dân chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư năm 2022 tại 2 xã Giao Lạc, Giao Châu; phối hợp với Hội LHPN huyện tổ chức 2 hội nghị tuyên truyền pháp luật cho hội viên phụ nữ xã Giao Hà và Giao Long… Tại các xã, thị trấn thường xuyên cập nhật đầy đủ các số báo và tủ sách pháp luật, tiếp tục thực hiện luân chuyển sách, tài liệu pháp luật, cung cấp các loại tờ rơi, tờ gấp pháp luật tới điểm bưu điện và nhà văn hóa xã, thị trấn để người dân thuận lợi cho việc tra cứu, tìm hiểu pháp luật. UBND các xã, thị trấn, các cơ quan, ban, ngành, doanh nghiệp, trường học trên địa bàn cũng triển khai sôi nổi, hiệu quả các hoạt động đã phát động trong Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2022 và hưởng ứng cuộc thi “Sáng kiến mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả thông qua hoạt động văn hóa ở cơ sở” do Bộ Tư pháp tổ chức. Trong 6 tháng đầu năm, các tổ hòa giải trên địa bàn huyện đã tiếp nhận gần 30 vụ việc tại cơ sở, trong đó tiến hành hòa giải thành đạt 75% số vụ việc.
Từ việc kiện toàn cũng như nâng cao nghiệp vụ, các tổ hòa giải trong huyện hoạt động ngày càng hiệu quả. Nhiều vụ, việc mâu thuẫn, xích mích được giải quyết hài hòa, nhanh chóng. Vụ việc mâu thuẫn của ông BVT và ông CTC ở xã Giao Châu, do 2 gia đình có vị trí nhà đối diện nhau cùng ở cuối ngõ rộng khoảng 1,3m. Cuối năm 2021, ông T làm mái hiên đua ra ngõ gần 1m, mặc dù ông T có làm máng thoát nước nhưng khi trời mưa to máng không kịp chảy, nước dội thẳng vào cửa nhà ông C. Mâu thuẫn ngày càng nặng nề khi ông C đã chủ động sang nhà ông T đề nghị sửa máng thoát nước nhưng không nhận được sự đồng tình của ông T, ông C phải tìm đến tổ hòa giải để nhờ phân xử. Sau khi nắm tình hình, tổ hòa giải không chỉ phân tích vụ việc, lắng nghe 2 gia đình bày tỏ quan điểm mà còn đưa ra giải pháp cùng có lợi để 2 bên chọn lựa giải quyết bất đồng, cuối cùng cả 2 nhà chọn cách gia cố phần mái hiên nối liền sang nhà ông C, bằng cách này vừa tránh được mưa, nắng cho cả 2 gia đình mà nhà cũng như được nới rộng thêm... Qua các vụ việc mâu thuẫn, hòa giải viên tìm cách giải quyết sao cho hợp tình, hợp lý, gắn kết được tình cảm xóm làng. Thực tế, được tuyên truyền pháp luật, nhiều người dân trong huyện trở thành những “hòa giải viên” những vụ việc xích mích, mâu thuẫn nhỏ. Thời gian qua, trên một số tuyến đường dẫn vào chợ Giao Hải, nhiều người bán hàng rong bằng xe đạp, xe thồ muốn đón khách nên đứng tràn xuống lòng đường, nhất là vào giờ tan ca chiều của công nhân gây mất an toàn giao thông. Điều này cũng nảy sinh mâu thuẫn giữa người bán hàng rong đứng bán trước cửa hàng của người khác. Bác Lại Văn Hóa, người dân ở gần chợ Giao Hải cho biết: Nhiều vụ việc mâu thuẫn người dân xung quanh đã kịp thời can ngăn, nhanh chóng hóa giải, hướng dẫn người bán hàng rong vào trong chợ vừa đảm bảo an toàn giao thông, vừa có chỗ đứng bán hàng để tránh mâu thuẫn. Nhiều vụ việc mâu thuẫn do tranh chấp đất đai, bất đồng trong gia đình, hàng xóm…, mặc dù không phải là thành viên tổ hòa giải của thôn, xóm, song khi có điều kiện, chúng tôi đều chủ động gặp gỡ, phân tích lý lẽ, phải trái, động viên những cá nhân có mâu thuẫn chủ động hóa giải.
Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng công tác hòa giải, phát huy năng lực của đội ngũ hòa giải viên, thời gian tới, huyện Giao Thủy tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân. Đồng thời, hướng dẫn các ban, ngành, các tổ chức hội, đoàn thể trên địa bàn lồng ghép thực hiện tuyên truyền pháp luật về hòa giải ở cơ sở với các phong trào, các cuộc vận động tại cộng đồng dân cư, đặc biệt là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”./.
Bài và ảnh: Ngọc Linh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin