Phát triển giáo dục STEM trong trường tiểu học

08:38, 25/11/2022

Giáo dục STEM là mô hình giáo dục dựa trên cách tiếp cận liên môn, giúp học sinh áp dụng các kiến thức khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học vào giải quyết một số vấn đề thực tiễn trong bối cảnh cụ thể. Trên địa bàn tỉnh, nhiều trường học ở các cấp học đã ứng dụng STEM vào chương trình giảng dạy qua việc tổ chức các chuyên đề, ngày hội STEM với nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị. Riêng đối với khối tiểu học, STEM giúp học sinh được tiệm cận sớm với giáo dục thời đại mới và phát triển toàn diện về trí tuệ, thể chất. Theo đó, thay vì học theo phương pháp truyền thống, giáo dục STEM sẽ cho học sinh học các môn được tích hợp thành một bài học ứng dụng đa môn. Điểm đặc biệt, giáo cụ trong mỗi bài học thường là các chú robot giáo dục thông minh, khiến trẻ hào hứng và học tập hiệu quả hơn nhiều so với phương pháp truyền thống. Đơn cử như, học sinh được tiếp xúc với lĩnh vực khoa học qua môn Tự nhiên và Xã hội ở lớp 1, 2, 3 và môn Khoa học ở lớp 4, 5. Ở mô hình giảng dạy truyền thống, trẻ sẽ được học những khái niệm, định luật và lý thuyết cơ bản qua sách vở, rất nhàm chán và trừu tượng. Tuy nhiên, khi áp dụng các mô hình STEM, học sinh sẽ được học bằng các công cụ trực quan và được trang bị những kiến thức thực tế để có thể áp dụng ngay. Cách học này biến môn Khoa học trở nên hấp dẫn. Bên cạnh đó, STEM đề cao việc cung cấp những kỹ năng giải quyết tình huống cho người học bằng việc thông qua mỗi bài giảng, học sinh sẽ đưa ra một vấn đề thực tế cần giải quyết thông qua những kiến thức khoa học. Để giải quyết vấn đề đó, học sinh sẽ phải tìm tòi, nghiên cứu những kiến thức các môn học có liên quan qua sách giáo khoa, học liệu, thiết bị thí nghiệm, đồ công nghệ... Như vậy, ưu điểm của giáo dục STEM đối với quá trình dạy học và giáo dục học sinh là: Khơi gợi hứng thú trong học tập (học sinh rất hào hứng và tích cực tham gia các hoạt động của bài học STEM); Học sinh có cơ hội bộc lộ và phát triển những năng lực và phẩm chất của mình; Phát huy năng lực sáng tạo, tư duy logic và khả năng giải quyết vấn đề tốt hơn; Cung cấp kiến thức đa dạng, nâng cao kỹ năng mềm như: tư duy phản biện, làm việc nhóm, khả năng giao tiếp… 

Học sinh Trường Tiểu học Trần Nhân Tông (thành phố Nam Định) háo hức trải nghiệm phương pháp giáo dục STEM.
Học sinh Trường Tiểu học Trần Nhân Tông (thành phố Nam Định) háo hức trải nghiệm phương pháp giáo dục STEM.

Với những lợi ích đó, mới đây, thực hiện Kế hoạch số 526/KH-BGDĐT ngày 17-5-2022 của Bộ GD và ĐT về việc triển khai thực hiện giáo dục STEM cấp Tiểu học, Công văn số 2918/BGDĐT-GDTH ngày 8-7-2022 của Bộ GD và ĐT về việc triển khai thí điểm giáo dục STEM cấp Tiểu học, Sở GD và ĐT đã ban hành Kế hoạch số 1456/KH-SGDĐT ngày 16-9-2022 về việc triển khai thực hiện thí điểm giáo dục STEM theo chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 cấp Tiểu học với mục đích: Nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý (CBQL), giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh về vị trí, vai trò và ý nghĩa của giáo dục STEM trong thực hiện chương trình GDPT 2018 cấp Tiểu học; thống nhất nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục (HĐGD) STEM; bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý, năng lực tổ chức HĐGD STEM cho giáo viên trong các trường tiểu học. Thực hiện hiệu quả phương pháp STEM nhằm hỗ trợ, tăng cường hiệu quả giáo dục các môn toán, khoa học, kỹ thuật, công nghệ và nghệ thuật, thông qua đó trang bị, củng cố kiến thức, hình thành các kỹ năng tư duy cho học sinh theo các mục tiêu, yêu cầu cần đạt theo chương trình GDPT 2018... 

Để thực hiện thí điểm, Sở GD và ĐT đã chọn 10 trường tiểu học thuộc 5 Phòng GD và ĐT tham gia, bao gồm: Kim Đồng, Trần Nhân Tông (thành phố Nam Định); Nam Dương, Nam Tiến (Nam Trực); Yên Bình, Yên Tiến (Ý Yên); Trực Cường, Liêm Hải (Trực Ninh); Giao Lạc, Hồng Thuận (Giao Thủy) với 3 khối lớp 1, 2, 3 tham gia. Từ tháng 7-2022 đến nay, Sở đã cử CBQL, giáo viên 5 Phòng GD và ĐT và 10 trường triển khai thí điểm tham gia tập huấn cụm miền Bắc tại thành phố Lào Cai (Lào Cai); tuyên truyền, định hướng, nâng cao nhận thức cho CBQL, giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh về vị trí, vai trò, ý nghĩa của giáo dục STEM trong thực hiện chương trình GDPT 2018; tập huấn đại trà cho CBQL, giáo viên của các trường triển khai thí điểm; tập huấn trực tuyến mở rộng cho các trường tham gia thí điểm để xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện tại các đơn vị; lựa chọn chủ đề giáo dục STEM (1 chủ đề/1 khối lớp); xây dựng kế hoạch triển khai; triển khai dạy học và đánh giá theo phương thức giáo dục STEM, mô hình không gian sáng tạo hoặc CLB STEM; sinh hoạt chuyên môn trên cơ sở nghiên cứu bài học STEM... Các khối lớp thực hiện thí điểm giáo dục STEM bao gồm: lớp 1, lớp 2, lớp 3. Các trường thực hiện thí điểm tổ chức các HĐGD STEM theo hai hình thức: bài học STEM và hoạt động trải nghiệm STEM... 

Đầu tháng 11 vừa qua, 2 trường được chọn thí điểm của huyện Giao Thủy là Trường Tiểu học Giao Lạc và Trường Tiểu học Hồng Thuận đã tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về thực hiện giáo dục STEM ở trường tiểu học. Đặc biệt, tại hội thảo còn có gian trưng bày các sản phẩm STEM của học sinh các khối lớp qua 2 tháng triển khai thí điểm và các sản phẩm mẫu của giáo viên 2 nhà trường chuẩn bị cho việc dạy toàn bộ các chủ đề của hoạt động giáo dục STEM trong năm học... 2 trường tiểu học ở thành phố Nam Định được chọn triển khai thí điểm giáo dục STEM là Trường Tiểu học Trần Nhân Tông và Trường Tiểu học Kim Đồng đầu tháng 10 cũng đã tổ chức hội thảo sinh hoạt chuyên môn với nội dung “Thực hiện thí điểm giáo dục STEM”, bao gồm hoạt động dạy học minh họa theo nghiên cứu bài học của cô, trò về chủ đề: “Làm một số sản phẩm tham gia các sự kiện tại trường tiểu học với môn học chủ đạo là môn Tự nhiên và Xã hội”. Tại hội thảo các giáo viên tham gia giảng dạy và các nhà quản lý cũng trao đổi, chia sẻ và tranh luận sôi nổi về nội dung bài học STEM, trải nghiệm STEM và quy trình thực hiện bài học STEM sao cho hiệu quả, thiết thực...

Sau hơn 2 tháng triển khai thí điểm, đội ngũ CBQL, giáo viên các nhà trường đã nâng cao hiểu biết về giáo dục STEM, quy trình dạy học STEM và thực hiện được bài học theo định hướng giáo dục STEM. Đặc biệt, thông qua hoạt động STEM, học sinh được khuyến khích sáng tạo các môn nghệ thuật, kiến thức liên môn. Bên cạnh đó, các em được rèn luyện rất nhiều kỹ năng: sử dụng thành thạo các công cụ, đồ dùng sinh hoạt, dụng cụ lao động, rèn luyện sự khéo léo, tinh thần đồng đội, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng kiểm tra, đánh giá kết quả công việc, phát huy tính sáng tạo. Đó là những yêu cầu nhằm phát triển toàn diện về năng lực, phẩm chất người học.

Thầy Nguyễn Văn Thông, Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD và ĐT) chia sẻ: Việc áp dụng phương pháp giáo dục STEM đối với các trường tiểu học là cần thiết để trẻ có thể thoải mái phát triển và khám phá bản thân. Qua hơn 2 tháng triển khai thí điểm, Ban Giám hiệu các nhà trường cùng đội ngũ giáo viên, học sinh đã rất nỗ lực. Đây là một thành công lớn ban đầu của giáo dục STEM cấp tiểu học, cũng là nền tảng để tổ chức các cuộc thi về giáo dục STEM cấp tiểu học của tỉnh cũng như hoàn thành mục tiêu chương trình GDPT 2018./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com