Theo UBND tỉnh Phú Thọ, Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2023 sẽ diễn ra từ ngày 20 đến 29-4 (tức mùng 1 đến mùng 10 tháng ba âm lịch) tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì. Sự kiện được tổ chức ở quy mô cấp tỉnh, song sẽ có nhiều hoạt động được phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và tỉnh, thành phố trên cả nước, qua đó thể hiện sâu sắc ý nghĩa “hội tụ - về nguồn” của lễ hội.
Lễ rước kiệu về Đền Hùng (thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ). Ảnh: Khánh Linh |
Bên cạnh phần lễ với các nghi thức trang nghiêm, thành kính tại Lễ giỗ Quốc tổ Lạc Long Quân và dâng hương tưởng niệm Tổ mẫu Âu Cơ, Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm nay gắn với “Tuần lễ di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh”, do tỉnh Phú Thọ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức với sự tham gia của 15 tỉnh, thành phố đang nắm giữ các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, tiêu biểu như: Nhã nhạc Cung đình Huế; Dân ca quan họ Bắc Ninh; Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ; Hát ví - dặm Nghệ Tĩnh; Nghi lễ và trò chơi kéo co; Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ; Hát xoan Phú Thọ... Các hoạt động: Liên hoan trình diễn áo dài dân tộc Việt Nam; Liên hoan văn hóa ẩm thực vùng Đất Tổ; trưng bày tư liệu, hiện vật về lễ hội và tín ngưỡng thời đại Hùng Vương... hứa hẹn mang đến hành trình về nguồn hấp dẫn và ý nghĩa cho đồng bào cả nước.
Ra mắt bộ “Đại Việt sử ký toàn thư” dịch sang tiếng Nga
Tại Thủ đô Moskva của Nga, Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN (Viện Trung Quốc và châu Á đương đại, Viện Hàn lâm Khoa học Nga) vừa tổ chức buổi giới thiệu công trình khoa học tập thể bộ quốc sử “Đại Việt sử ký toàn thư” của Việt Nam được dịch sang tiếng Nga và xuất bản trong 8 tập.
Bốn trong tám tập của bộ sách vừa được giới thiệu. Ảnh: Thanh Thể |
Bộ quốc sử của Việt Nam “Đại Việt sử ký toàn thư” được dịch sang tiếng Nga là công trình khoa học của tập thể nhiều chuyên gia, học giả Nga, do Tiến sĩ khoa học Andrei Fedorin làm chủ nhiệm dự án. Ông Andrei Fedorin năm nay 71 tuổi và có nhiều năm công tác tại Việt Nam trong các cơ quan đại diện ngoại giao Liên Xô (trước đây), Nga (hiện nay). Trong thời gian làm việc tại Việt Nam, ông A.Fedorin tích cực nghiên cứu khoa học. Thông thạo tiếng Việt, tiếng Pháp và tiếng Hán, cùng năng lực nghiên cứu xuất sắc, ông dần trở thành một trong những chuyên gia hàng đầu về lịch sử cổ đại và trung đại Việt Nam. Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Tiến sĩ khoa học Kirill Babaev, quyền Giám đốc Viện Trung Quốc và châu Á đương đại đánh giá cao công trình khoa học tập thể vừa ra mắt do Tiến sĩ khoa học Andrei Fedorin làm chủ nhiệm dự án. Bộ quốc sử “Đại Việt sử ký toàn thư” của Việt Nam được dịch sang tiếng Nga đóng vai trò rất quan trọng không chỉ đối với công tác nghiên cứu về Việt Nam, mà còn thúc đẩy quan hệ Nga - Việt phát triển mạnh mẽ hơn thời gian tới./.
PV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin