Rền vang pháo đất tại Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc

07:55, 10/02/2023

Tại sân tam quan ngoại Chùa Côn Sơn (Di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc, thành phố Chí Linh), tỉnh Hải Dương vừa tổ chức liên hoan pháo đất lần thứ X năm 2023. Tham gia liên hoan có 210 pháo thủ đến từ 7 xã có truyền thống về pháo đất của Hải Dương.

Các đội làm pháo đất. 
Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN
Các đội làm pháo đất. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN

Có 2 truyền thuyết được lưu truyền rộng rãi về chơi pháo đất. Đó là nhân dân ném đất xuống khúc Sông Hóa tiếp giáp các tỉnh, thành phố Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình để cứu con Voi của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn trong trận đánh năm 1288. Truyền thuyết thứ 2 là trò chơi này có từ thời Hai Bà Trưng khi nữ tướng Lê Chân dùng pháo đất với mục đích nghi binh và áp đảo tinh thần để đánh giặc Đông Hán. Theo các pháo thủ, đất làm pháo phải là đất thịt, được lấy từ ở các cánh đồng và không được lẫn phù sa, tạp chất, lấy ở độ sâu khoảng 2 mét. Sau khi lấy đất về phải dùng liềm thái, vồ đập cho đất nhuyễn, mịn và không dính tay. Người chơi còn phải nấu hồ để hòa lẫn vào đất để tạo độ kết dính. Mỗi quả pháo thường có trọng lượng từ 60-80kg nên trước khi gieo cần vài người hỗ trợ nâng pháo lên cho pháo thủ. Để gieo pháo tốt, đòi hỏi mỗi pháo thủ phải rèn luyện về sức khỏe và kinh nghiệm.

Ra mắt ấn phẩm “9 Bảo vật quốc gia ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam”

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Nhà Xuất bản Mỹ thuật thực hiện và ra mắt bạn đọc cuốn sách “9 Bảo vật quốc gia ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam”. Cuốn sách dày 115 trang, in song ngữ Việt - Anh, giúp độc giả và người yêu mỹ thuật hiểu hơn về những Bảo vật quốc gia hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Trong đó có đầy đủ thông tin về hoàn cảnh sáng tác, tác giả, tác phẩm, giá trị nghệ thuật của 9 tác phẩm, gồm: Tượng Phật bà Quan Âm (Chùa Hội Hạ), tượng Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (Chùa Mật), tranh “Em Thúy” (Trần Văn Cẩn), tranh “Hai thiếu nữ và em bé” (Tô Ngọc Vân), tranh “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” (Nguyễn Sáng), bộ cánh cửa chạm rồng (Chùa Keo), tranh “Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc” (Dương Bích Liên), Bình phong (Nguyễn Gia Trí), tranh “Gióng” (Nguyễn Tư Nghiêm). Cuốn sách nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của bạn đọc về nền mỹ thuật Việt Nam nói chung và về bộ sưu tập hiện vật của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nói riêng.

Tết Nguyên tiêu ở Hội An là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Lễ hội Nguyên tiêu ở Hội An được hình thành từ lâu đời.
Ảnh: VGP/Lưu Hương

Lễ hội Nguyên tiêu ở Hội An được hình thành từ lâu đời.

Ảnh: VGP/Lưu Hương

UBND tỉnh Quảng Nam vừa tổ chức lễ đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Tết Nguyên tiêu Hội An. Những giá trị đặc trưng của Tết Nguyên tiêu ở Hội An là kết quả của quá trình giao thoa giữa các nền văn hóa Việt Nam, Nhật Bản, Trung Hoa tại thương cảng quốc tế Hội An, được các thế hệ người dân nơi đây trân trọng giữ gìn. Tết Nguyên tiêu không chỉ riêng cộng đồng người Việt mà cả cộng đồng người Hoa tổ chức với nhiều nghi thức tế lễ, tín ngưỡng, sinh hoạt vui chơi giải trí cộng đồng tạo thành một lễ hội truyền thống, tập quán xã hội đặc trưng của cư dân Hội An. Mỗi cộng đồng cư dân địa phương có tục lệ cúng tế Tết Nguyên tiêu theo cách riêng nhưng có điểm chung là bày tỏ tấm lòng tôn kính đối với các chư vị Phật, vị thần và bậc tiền nhân. Người dân cầu mong cuộc sống ấm no, hạnh phúc; đồng thời tổ chức lễ hội mừng Xuân để bước vào một năm mới với bao ước vọng tốt đẹp./.

PV

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com