Triển lãm "Văn hóa Hòa Bình trên đất Hòa Bình"

08:43, 25/11/2022

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình vừa tổ chức khai mạc triển lãm chuyên đề “Văn hóa Hòa Bình trên đất Hòa Bình” chào mừng kỷ niệm 90 năm thế giới công nhận nền Văn hóa Hòa Bình (1932-2022).

Triển lãm thu hút sự quan tâm của nhân dân tỉnh Hòa Bình.

Triển lãm thu hút sự quan tâm của nhân dân tỉnh Hòa Bình.

Tại Việt Nam có trên 130 địa điểm thuộc nền “Văn hóa Hòa Bình”, trong đó riêng tỉnh Hòa Bình có 82 địa điểm đã được phát hiện và nghiên cứu. Năm 1932, tại hội nghị Tiền sử Viễn Đông họp ở Hà Nội, “Văn hóa Hòa Bình” đã được các nhà khảo cổ thế giới công nhận. Hội nghị đã thông qua và thống nhất lấy thuật ngữ “Văn hóa Hòa Bình”. Trong tỉnh Hòa Bình, di tích Văn hóa Hòa Bình có mặt ở hầu hết các huyện và thành phố. Triển lãm trưng bày gần 1.000 hiện vật, 100 ảnh tài liệu về Văn hóa Hòa Bình được chia thành các không gian như: Nữ khảo cổ học người Pháp Madelein Colani - người phát hiện và đặt tên cho nền “Văn hóa Hòa Bình”; phân bố và đặc điểm cư dân nền “Văn hóa Hòa Bình” trên thế giới; các giai đoạn phát triển của nền “Văn hóa Hòa Bình”; Văn hóa thời đại đá trên đất Hòa Bình.

Đồng Tháp khánh thành đường sách

Đường sách thành phố Cao Lãnh vừa được tỉnh Đồng Tháp khánh thành trong khuôn viên công viên Văn Miếu, thành phố Cao Lãnh là đường sách đầu tiên của khu vực đồng bằng sông Cửu Long và là đường sách thứ 5 trên cả nước. Đây là công trình chào mừng thành phố Cao Lãnh ghi danh vào mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu của UNESCO, đồng thời chào mừng 40 năm tái lập thị xã Cao Lãnh. Đường sách được đặt tại khuôn viên công viên Văn Miếu, cạnh Di tích văn hóa Văn Thánh Miếu của tỉnh Đồng Tháp - nơi từng được chọn làm thư viện của tỉnh, khuyến khích mọi người dân địa phương tham gia học tập, nâng cao trí thức. Vì vậy, đây là nơi để học sinh, sinh viên, người dân thành phố và du khách có những trải nghiệm về các hoạt động liên quan đến sách, văn hóa đọc. Trong khuôn khổ hoạt động của Đường sách còn có nhiều hoạt động như: Giao lưu tác giả - tác phẩm; vẽ tranh theo sách; trưng bày, triễn lãm sách, tranh, ảnh; trao đổi sách Tủ sách tử tế... Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Tháp tổ chức các hoạt động giáo dục STEM, nhằm tạo điều kiện để các nhóm học sinh giới thiệu với thầy, cô và bạn bè các kết quả của quá trình vận dụng kiến thức một số môn học vào thực tiễn.

Cảm nhận mạch nguồn văn hóa cha ông từ nghệ thuật thư pháp

Trình diễn thư pháp tại Triển lãm thư pháp Một mối xa thư.

Trình diễn thư pháp tại Triển lãm thư pháp "Một mối xa thư".

Triển lãm thư pháp “Một mối xa thư” vừa diễn ra tại Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Sự kiện do Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Nhân Mỹ học đường phối hợp tổ chức. Triển lãm quy tụ hơn 100 tác phẩm thư pháp Hán, Nôm và Quốc ngữ của 100 nhà hoạt động thư pháp trên khắp mọi miền đất nước và quốc tế. Các tác phẩm ca ngợi truyền thống tôn sư trọng đạo, tuyển chọn hiền tài, gắn với Trung tâm giáo dục Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tả cảnh đẹp thanh bình của các di tích lịch sử, tư tưởng an bang định quốc của các danh Nho, danh thần lịch đại... Hình thức biểu hiện các tác phẩm thư pháp phong phú với các thể chữ Hán, Nôm, Quốc ngữ bằng bút lông, bút sắt, cho thấy rõ nét sự kế thừa nghiêm cẩn đi đôi với sự phát huy tân kỷ ở nghệ thuật hàn mặc truyền thống trong không gian văn hóa Việt Nam đương đại./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com