Trong 5 ngày (28-10 đến 1-11), lễ hội Tả Tài Phán diễn ra trong không khí linh thiêng và rực rỡ sắc màu tại thôn Đồng Tiến, xã Phước Tân, huyện Phú Riềng (Bình Phước).
Lễ hội được tổ chức với nhiều nghi thức truyền thống như: lễ dâng hương; lễ rước thần linh; lễ cầu thọ; lên núi đao, qua biển lửa; lễ cầu siêu… Đặc biệt, tại lễ hội không thể thiếu những câu đối, câu chúc may mắn được viết trên giấy đỏ dán khắp nơi. Với đồng bào dân tộc Hoa, lễ hội là cách để họ thể hiện tình cảm, tâm tư, nguyện vọng bước vào năm mới với niềm vui, phấn khởi mới… mong muốn đời sống ấm no hạnh phúc, làm ăn thuận lợi hơn. Lễ hội Tả Tài Phán cầu cho linh hồn người đã khuất được siêu thoát, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, vạn vật sinh sôi nảy nở, đời sống nhân dân ấm no hạnh phúc. Ngoài ra, kinh phí tổ chức lễ hội được xã hội hóa, nếu còn dư sẽ dùng sửa sang cầu, đường, hỗ trợ cho những gia đình gặp khó khăn...
Đặc sắc Áo dài và thời trang thổ cẩm Tây Nguyên
Tại thác Pa Sỹ, huyện Kon Plông, UBND huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum vừa chủ trì, phối hợp nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh tổ chức Chương trình biểu diễn áo dài và thời trang thổ cẩm Tây Nguyên.
Sặc sỡ sắc màu thời trang tại thác Pa Sỹ hùng vĩ. |
Đây là lần đầu tiên có chương trình thời trang thổ cẩm được biểu diễn với không gian chính là chung quanh lòng hồ thác Pa Sỹ và rừng thông thơ mộng. Lần đầu tiên áo dài trên nền vải thổ cẩm xuất hiện tại thác Pa Sỹ, là sự kết hợp độc đáo của những kiệt tác thiên nhiên và con người. Hơn 100 diễn viên không chuyên người dân tộc và 40 nghệ sĩ, diễn viên, người mẫu đã diễn đạt câu chuyện thổ cẩm dệt bằng sợi tơ của Bảo Lộc giữa rừng núi đại ngàn Tây Nguyên, nơi được mệnh danh là “nàng thơ” của Kon Tum. Những bộ sưu tập Áo dài và thời trang thổ cẩm được nghệ nhân Y Thoai dệt bằng sợi tơ Bảo Lộc được các nhà thiết kế Cao Minh Tiến, Trung Beret, Công Huân, Cao Duy, Nguyễn Thúy, Minh Hạnh... biến hóa huyền ảo trong 200 mẫu thiết kế sinh động và phù hợp khuynh hướng thời trang hiện nay./.
PV