Những cơn gió mùa đông bắc, khi chùng chình, khi ào ạt, mang theo chút lạnh mùa đông… Trời tối nhanh, kéo theo những dư âm tất bật vội vã cuối ngày. Ánh chạng vạng đan hòa đèn đường vàng đỏ, hắt lên nền nhựa cái bóng quen thuộc của chị hàng khoai nướng, ngô nướng bên lề. Cái bóng nhỏ nhoi trước vẻ ngạo nghễ, cao lớn của tòa nhà nhiều tầng, phía sau là chung cư cao cấp mới xây, rực rỡ sắc màu, hòa cùng âm thanh rộn rã của còi xe ô tô, âm nhạc phát ra từ cái loa trên cao, tiếng cười đùa gọi nhau hối hả. Khách đến rồi khách đi. Người qua đường lao vun vút. Chậu than hồng bắt đầu đỏ rực.
Ảnh minh họa. |
Dì tôi ra thành phố, qua chị hàng khoai, đôi chân bị níu giữ, trong hương thơm của vỏ khoai cháy nhẹ, khen khét, nồng ngọt bay theo chiều gió bấc. Cả nhà quây quần bên đĩa khoai nóng hổi, vụn cháy rơi nhẹ trên nền sứ trắng muốt. Mẹ xuýt xoa tấm tắc: “Thơm ngon thật!”. Dì lắc đầu: “Sánh sao bằng vị khoai quê mình. Khoai quê mình có vị mộc mạc phù sa, đậm đà gió sông và cả sự cần lao của người nông dân”. Mẹ quay sang cười, bảo dì: “Cuối tuần, chị cho các cháu về chơi, cả nhà ra đồng dỡ khoai!”.
Quê tôi ven sông, vốn nổi tiếng với khoai, sắn, cà rốt, đã cho tôi bao kỷ niệm ấu thơ, bùn đất và tiếng cười vô tư bên thửa ruộng mỡ màu, ngổn ngang hoa trái vừa thu hoạch. Đất tơi xốp, lộ củ khoai tròn trịa mũm mĩm, đống rơm khô hốt vội được vun dưới góc ruộng cho khuất gió, củ khoai vùi trong lửa. Một lúc, khói bốc lên cuồn cuộn, cuốn theo vị thơm ngọt, chỉ vậy thôi đã cồn lên cảm giác thèm được cắn một miếng bở tơi, nóng rẫy… Cảm giác đó ám ảnh suốt tuổi mới lớn. Lửa, vừa để sưởi ấm, vừa nướng khoai ăn cho đỡ đói, để có sức tiếp tục cuốc đất. Mùi đồng, mùi rơm quyện vào cái rét ngọt. Dư vị tháng mười hai như thấm sâu vào từng nhịp thở.
Ngày đó, bà ngoại chia mỗi người mỗi việc. Người cắt dây, người dùng cuốc vạc vợi đất hai bên mặt luống khoai, để trơ thân dây xước đỏ. Cuối cùng, phải cẩn thận bới khoai, vì nhỡ chỉ vội vàng là củ khoai sẽ bị thương, lộ ra thớ thịt trắng lấm lem. Tôi ngồi duỗi chân, ngắm không chán mắt những củ khoai óng ả, lồ lộ sau đống đất. Củ thì tim tím, có củ đỏ sậm, lúc thì nõn nà như cổ tay con gái, khi thì vâm váp chắc nịch như cán cuốc, chuôi liềm, có củ tròn trĩnh như cái lọ hoa, có củ dài đến hơn gang tay. Xung quanh, không khí thu hoạch hối hả, tiếng cuốc phầm phập, tiếng đất rơi xen lẫn gió bấc ù ù. Thi thoảng, lại có tiếng ồ lên vì gặp củ khoai lớn. Gần ba mươi năm đã trôi qua, bà ngoại đã đi xa mãi, mẹ cũng lên thành phố với con cháu. Hôm nay trở lại, sự hào hứng vẫn còn nguyên vẹn, niềm vui sướng mà ở phố chẳng dễ gì có được. Kỷ niệm ùa về như bức tranh mới sơn, không bao giờ mờ nhòe trong tâm khảm đứa trẻ nghèo.
Tôi hỏi dì, sao quê mình vẫn thu hoạch khoai bằng sức người? Dì bảo, người thành phố thích củ khoai có mã đẹp, giá tuy cao chút, họ vẫn mua. Dỡ khoai bằng tay sẽ cẩn thận và nâng niu, khoai không sứt sẹo. Mà người thành thị sành lắm, khoai ngon, khoai quê là họ biết. Chẳng giống một thời rất xa, cuộc sống còn khó khăn, củ khoai củ sắn là món chính. Nhà nào sang lắm mới có cơm trắng. Còn thường mỗi lát khoai chỉ cõng vài hạt cơm. Ngày ấy, tôi và mẹ với dì thường tranh thủ buổi chiều, bê cả thúng khoai ra cầu ao, cặm cụi rửa sạch, rồi thái mỏng, phơi khô để dành đến ngày giáp hạt mang ra đồ lại…
Kìa mắt mẹ và mắt dì nhòe nước. Là khói đồng hay là những kỷ niệm cuộn dâng trong xế chiều tháng mười hai?!
Bùi Thu Hằng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin