Xuân Trường gìn giữ, phát huy giá trị văn hoá truyền thống

07:51, 13/12/2024

Xuân Trường là vùng đất giàu bản sắc, giá trị văn hoá truyền thống với 113 di tích lịch sử - văn hoá, trong đó có 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 8 di tích cấp quốc gia và 35 di tích cấp tỉnh. Những năm qua, cùng với tập trung thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, huyện luôn quan tâm phát triển xã hội tương xứng, trong đó có công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hoá truyền thống, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng, đời sống tinh thần của nhân dân.

Bơi chải trong Lễ hội đền làng An Cư, xã Xuân Vinh.
Bơi chải trong Lễ hội đền làng An Cư, xã Xuân Vinh.

Lễ hội chùa Keo Hành Thiện, xã Xuân Hồng là một lễ hội có quy mô và sức hấp dẫn lớn, được tổ chức từ ngày 12 đến ngày 15/9 âm lịch hàng năm, thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương về tham quan, chiêm bái. Bên cạnh phần lễ với nhiều nghi lễ cổ có ý nghĩa giáo dục được duy trì; phần hội kết hợp tổ chức nhiều trò chơi, loại hình diễn xướng dân gian truyền thống với các trò chơi, môn thể thao hiện đại như: hát chèo, bơi chải, cò cốc, rước đèn kéo quân, cờ tướng... Công tác quản lý, tổ chức lễ hội được cấp uỷ, chính quyền địa phương thực hiện nghiêm túc, trang trọng; nếp sống văn minh được phát huy tạo thuận lợi cho du khách chiêm bái cảnh quan di tích, thực hành tín ngưỡng; ngăn chặn tình trạng thương mại hoá hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng và các hành vi vi phạm an ninh trật tự, mê tín dị đoan.

Ngoài lễ hội chùa Keo Hành Thiện, toàn huyện có 30 lễ hội truyền thống. Tiêu biểu như: lễ hội đền làng An Cư xã Xuân Vinh (6 đến 7/1 âm lịch); lễ hội đền chùa Ngọc Tỉnh, thị trấn Xuân Trường (11/2 âm lịch); lễ hội đền Xuân Hy, xã Xuân Giang (20/8 âm lịch); lễ hội đền Hạc Châu, xã Xuân Châu (11 đến 13/3 âm lịch)... Đồng chí Vũ Văn Vinh, Phó Phòng Văn hoá - Thông tin huyện cho biết: Trong các lễ hội, bên cạnh phần lễ được tổ chức trang nghiêm, thành kính, phát huy bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc, địa phương thì phần hội là sự kết hợp hài hoà giữa các hoạt động văn hoá, văn nghệ, các trò chơi dân gian với nhiều tập tục độc đáo gắn với những điển tích, truyền thống của từng địa phương. Tiêu biểu như: ở Lễ hội làng Nhân Thọ, xã Thọ Nghiệp, duy trì 5 giải truyền thống độc đáo: giải giã thóc, giải nước, giải lửa, giải cá, giải trứng (Các vận động viên thuộc đội chạy 5 giải truyền thống sẽ phải chạy quãng đường 3km với tốc độ nhanh nhất, vượt sông, sau đó lấy nước, lấy thóc, mò trứng, bắt cá. Đối với môn thi lấy lửa, sau khi các vận động viên chạy 3km sẽ phải lội qua sông và trèo lên cây chuối cao từ 3,5-4m. Các cây chuối đều được bóc lớp vỏ ngoài để lộ ra thân cây trơn bóng. Dưới gốc chuối được phủ lớp bùn xung quanh. Sau khi vận động viên trèo lên đến ngọn sẽ châm lửa từ đài lửa. Các nguyên liệu người thi tìm thấy được dùng để thổi cơm thi, chế biến các món cỗ thờ). Cuộc thi này nhằm tưởng nhớ công ơn Thánh Mẫu Thiên Thành Thái trưởng Công chúa thời Trần có công mang lương thảo cứu giúp dân làng Hoành Vực và 16 vùng quê Phủ Thiên Trường xưa vượt qua cơn hoạn nạn, mất mùa đói kém; đồng thời dạy bảo người dân “biết lấy việc nông trang làm gốc, lấy lễ nhượng làm đầu”. Hay như tục thổi cơm thi, làm cỗ chay dâng cúng thánh thần tổ tiên cũng là nét đẹp độc đáo của hội làng Ngọc Tiên, xã Xuân Hồng với ý nghĩa diễn lại cảnh sinh hoạt của nghĩa binh của Tướng quân Hoàng Văn Quảng triều nhà Lê (sau được suy tôn làm Thành hoàng làng) khi dấy binh trấn ấp, thiếu thốn mọi bề, vừa hành quân, vừa lo hậu cần nên phải “tích cốc phòng cơ” cho những khi thiếu đói... Các lễ hội đã thu hút sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân, quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Xuân Trường góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Cùng với công tác bảo tồn, phục dựng và tổ chức các lễ hội, huyện đẩy mạnh công tác trùng tu, tôn tạo các di tích từ nguồn kinh phí xã hội hoá và nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia chống xuống cấp di tích. Các di tích được tôn tạo đảm bảo chất lượng, giữ nguyên giá trị gốc theo đúng quy định về quản lý, bảo tồn di tích. Từ đầu năm 2023 đến nay, nhiều di tích được trùng tu, tôn tạo với kinh phí hàng tỷ đồng. Tiêu biểu như: Từ đường họ Vũ, làng An Cư, xã Xuân Vinh kinh phí 4,69 tỷ đồng; Chùa Hoành Quán, xã Xuân Giang kinh phí 9,5 tỷ đồng; Chùa Keo Hành Thiện, xã Xuân Hồng kinh phí 4,6 tỷ đồng… Hàng năm, UBND huyện chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin huyện phối hợp với các địa phương khảo sát, rà soát thực trạng các di tích đã bị xuống cấp, hư hỏng để đưa vào kế hoạch tu bổ, tôn tạo di tích.

Với sự phát triển của du lịch, công tác gìn giữ các giá trị văn hoá truyền thống, khai thác có hiệu quả các di tích lịch sử, văn hoá trên địa bàn được địa phương quan tâm triển khai. Huyện đã kịp thời chỉ đạo quy hoạch hạ tầng, phát triển giao thông để kết nối các di tích lịch sử, văn hoá trên địa bàn, trong đó tập trung vào các di tích có giá trị về kiến trúc nghệ thuật, lịch sử, văn hoá để thúc đẩy phát triển du lịch gắn với văn hoá tâm linh. Một số điểm đến đáng chú ý, thu hút nhân dân và du khách thập phương đến tham quan, học tập, du lịch như: Chùa Keo Hành Thiện; quần thể lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh; đền - chùa Kiên Lao; đền Xuân Bảng; chùa Trung; đền Xuân Hy; đền Ngọc Tiên... Đồng thời, khuyến khích các địa phương đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ nhằm đáp ứng các nhu cầu của du khách, cũng như quảng bá, giới thiệu rộng rãi các sản phẩm đặc trưng của huyện như: điêu khắc và chế biến gỗ xã Trà Lũ; dệt chiếu xã Xuân Ninh; gạo tám thơm xã Xuân Đài; nem nắm xã Xuân Phúc; bánh sâu xã Trà Lũ; rượu Kiên Lao xã Xuân Phúc...

Xác định trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, cộng đồng người dân là chủ thể chính, do đó huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tầm quan trọng của các giá trị văn hoá truyền thống; vai trò, ý nghĩa của việc lưu giữ, phát huy những nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc để người dân hiểu hơn về vai trò và trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc bảo tồn văn hoá truyền thống. Mỗi ngành, mỗi cấp có biện pháp, cách thức sáng tạo để thực hiện. Như chương trình “xây dựng trường học thân thiện gắn với bảo vệ di tích” của ngành giáo dục, các trường học trên địa bàn huyện phối hợp với Ban quản lý các di tích lịch sử, văn hoá địa phương tổ chức dạy học gắn với trải nghiệm sáng tạo, dạy học theo di sản gắn liền với các di tích lịch sử, văn hoá; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử, văn hoá; mời đại diện Ban quản lý di tích nói chuyện về truyền thống cách mạng của quê hương, khơi dậy niềm tự hào dân tộc cho học sinh. Định kỳ hàng tuần, hàng tháng, các trường học trên địa bàn xã, thị trấn tổ chức dọn vệ sinh, trồng hoa, cây xanh tại khu vực di tích. Qua đó thể hiện trách nhiệm của tuổi trẻ cùng chung tay bảo tồn, tôn tạo gắn với giữ gìn cảnh quan di tích của địa phương. Bên cạnh đó, để giữ gìn bản sắc văn hóa, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân, chính quyền động viên, khuyến khích, tạo điều kiện thành lập các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ của quần chúng. Đến nay, trên địa bàn huyện có hàng trăm câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, tiêu biểu như: câu lạc bộ hát chèo xã Xuân Ninh, Xuân Giang, Xuân Tân; câu lạc bộ đàn hát dân ca xã Xuân Tân… thường xuyên tổ chức các hoạt động biểu diễn, giao lưu và truyền dạy các bài hát dân ca cho thế hệ trẻ.

Thời gian tới, huyện Xuân Trường chỉ đạo các địa phương tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác tu bổ, tôn tạo di tích; đẩy mạnh tuyên truyền về giá trị của di tích và ý nghĩa, giá trị của lễ hội; bảo tồn, phát huy các giá trị di tích gắn phát triển du lịch, khai thác có hiệu quả các giá trị di tích để phát triển những sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh có tính hấp dẫn, thu hút khách du lịch; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa; phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm. Phát huy vai trò của các chủ thể văn hoá, góp phần nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Bài và ảnh: Diệu Linh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com