Thức dậy nghệ thuật thư pháp

07:30, 14/06/2024

Nam Định từ xưa vốn nổi danh đất khoa bảng, nơi có nhiều nhà nho, ông đồ học vấn uyên thâm. Trên nền tảng truyền thống đất học, nghệ thuật thư pháp trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Bằng tài năng và sự đam mê, những người yêu nghệ thuật thư pháp trong tỉnh luôn tìm tòi, sáng tạo trong việc sáng tác các tác phẩm, qua đó góp phần giáo dục con người hướng đến giá trị chân - thiện - mỹ.

Thầy đồ cho chữ tại Lễ hội Khai ấn Đền Trần năm 2024.
Thầy đồ cho chữ tại Lễ hội Khai ấn Đền Trần năm 2024.

 

Những “thầy đồ” tâm huyết

 

Nghệ thuật thư pháp đến với ông Trần Quốc Hạnh, năm nay đã 75 tuổi, ở đường Minh Khai (thành phố Nam Định) như một cái duyên. Là học sinh Trường cấp III Lê Hồng Phong (nay là Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, thành phố Nam Định), hàng ngày, sau khi kết thúc buổi học, ông ra hiệu sách Ngoại văn ở đường Hoàng Văn Thụ mua sách báo Trung Quốc về tự học. Với chút lưng vốn về chữ Trung Quốc giản thể, ông đến các cổng đình, chùa... để xem các bức đại tự, câu đố và nhập tâm lưu lại trong trí nhớ từng nét chữ Hán. Năm 1990, phong trào thư pháp phát triển mạnh, tạo điều kiện cho những người đam mê nghệ thuật như ông Hạnh tiếp cận gần hơn với những kỹ thuật bài bản. Điểm đặc trưng trong phong cách viết thư pháp của ông Hạnh là vận thể hành thảo trong các tác phẩm, các nét chữ thể hiện bút lực nhanh, có độ bay. Ông Hạnh cũng là một trong số ít người hiện nay có kiến thức khá sâu rộng về chữ Nôm thư pháp. Theo ông Hạnh, muốn hiểu, muốn đọc chữ Nôm thì phải biết chữ Hán, phải nắm vững phương pháp cấu tạo của chữ Nôm, diễn biến của chữ Nôm và hiểu được một số quy luật ngữ âm học lịch sử về tiếng Việt Nam và tiếng Hán Việt. Để có vốn chữ Nôm, ông đã tự học qua từ điển, qua các bài thơ của Tú Xương, Truyện Kiều...

Ông Đặng Kim Ba là một trong những người có “tên tuổi” ở Thành Nam về nghệ thuật thư pháp Hán Nôm. Dù đã gần 30 năm tìm hiểu, viết chữ Hán, thư pháp nhưng mỗi ngày ông đều dành vài giờ để luyện chữ. Khi viết phải đứng, cánh tay không được chạm bàn nên đòi hỏi phải có sự khổ luyện và liên tục. Nhiều tác phẩm thư pháp làm nên tên tuổi của ông như: “Chiếu Dời Đô” của Lý Công Uẩn, một số bài thơ của Bác Hồ và thơ của các vị vua nhà Trần. Trong đó, đặc sắc là tác phẩm thư pháp “Chiếu Dời Đô” dài 240 chữ được ông Ba viết theo lối Lệ thư. Viết Lệ thư, các nét bút đòi hỏi người viết phải thi triển các động tác liên tục, không dừng bút, không được sai một từ vì nếu sai phải viết lại cả bài thơ. Với mong muốn quảng bá nghệ thuật thư pháp, nhiều năm qua, ông Đặng Kim Ba được Bảo tàng tỉnh mời giới thiệu nét đẹp của nghệ thuật thư pháp cho các em học sinh dịp đầu xuân. Theo ông Ba, cho chữ cũng chính là để tự tu thân, bởi mỗi người xin chữ ngoài cầu may mắn còn muốn xin đức độ, tài năng của người cho chữ để răn mình.

Trong tâm thức mỗi người, khi nhắc đến người viết thư pháp thường liên tưởng đến hình ảnh ông đồ, nhưng bà Hoàng Thanh là một trong số ít những phụ nữ ở tuổi 60 có niềm đam mê đặc biệt với thư pháp. Từng là giảng viên Khoa Mỹ thuật, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Nam Định nên khi làm quen với nghệ thuật thư pháp bà Thanh không quá bỡ ngỡ. Theo bà Thanh, tranh vẽ kết hợp với thư pháp mang lại cho người xem một cảm giác hài hòa, tinh tế, bức tranh tựa như một bài thơ, còn bài thơ lại gợi lên nhiều khung cảnh. Người cầm bút viết thư pháp cũng giống như họa sĩ thường gửi gắm tâm hồn mình vào núi cao sông dài, hoa thơm cỏ lạ, chim bay thú chạy… Linh khí của đất trời sông núi, hồn sống của muôn loài sẽ dung dưỡng cho thể xác và tâm hồn, nhờ đó giúp cho cơ thể luôn khỏe mạnh. Với nét bút bay bướm, giàu hình tượng, có tính thẩm mỹ, nghệ thuật cao, các tác phẩm thư pháp của bà được giới thư pháp đánh giá cao về thần và khí khi thể hiện.

 

Gìn giữ và phát huy hiệu quả

 

Để góp phần đưa nghệ thuật thư pháp phát huy giá trị văn hóa truyền thống, Câu lạc bộ Hán Nôm Quần Anh ở huyện Hải Hậu được thành lập từ năm 2009, hoạt động theo mô hình giáo dục dạy chữ Hán Nôm. Qua gần 15 năm hoạt động, đến nay, lớp học chữ Hán Nôm đã quy tụ được hàng trăm học viên yêu văn hoá cổ truyền của ông cha là người cao tuổi, cán bộ hưu trí, đương chức, giáo viên, công nhân, nông dân, tăng, ni, phật tử… Với ý niệm coi chữ “thánh hiền” là học lễ, học nghĩa, học cách tu tâm, dưỡng tính, mỗi học viên lần lượt ứng dụng vốn Hán Nôm được truyền thụ vào công việc, đời sống hàng ngày của mình. Nhiều học viên là những thầy, cô giáo dạy văn hóa, dạy nghề; quá trình đọc sách và dạy học gặp rất nhiều từ, ngữ nghĩa cổ. Nhờ theo học chữ Hán Nôm đã hiểu biết sâu hơn về lịch sử, văn học nước nhà và nâng tầm trong việc soạn giáo án, cũng như giảng dạy trên lớp. Việc học chữ Hán Nôm giúp những người thợ trẻ ở làng nghề mộc mỹ nghệ hay phục dựng, kinh doanh đồ giả cổ làm nghề tinh hơn nhờ hiểu các ký tự Hán Nôm trên các hiện vật; thuyết giải và tạo hình theo tích cổ cho các công trình kiến trúc, xây dựng theo lối xưa. Đây là bí quyết để làng nghề mộc mỹ nghệ phục dựng, kinh doanh nhà cổ và cả buôn bán, trao đổi đồ cổ ở Hải Anh nói riêng và của cả tỉnh nói chung được khách hàng “kỹ tính”, “sành chơi” trên toàn quốc tìm đến để giao thương.

Ở thành phố Nam Định, Câu lạc bộ Trí Đức thư pháp Nam Định được thành lập năm 2005. Qua gần 20 năm hoạt động, đến nay câu lạc bộ thu hút được hàng chục thành viên tham gia ở các lứa tuổi, ngành nghề; từ những người cao tuổi, lão thành cách mạng, bác sĩ, hoạ sĩ, giáo viên, bộ đội, công chức đến các sinh viên. Hàng năm, câu lạc bộ tích cực tham gia tổ chức các hội thi, giao lưu thư pháp dành cho những người đam mê thư pháp trong và ngoài tỉnh vào các dịp lễ, tết; đặc biệt là khôi phục hoạt động cho chữ tại: lễ hội Chùa Bái Đính (Ninh Bình), hội chợ hoa Xuân, lễ hội Đền Trần, lễ hội Phủ Dầy (Nam Định) và nhiều trường học trên địa bàn tỉnh. Các thành viên trong câu lạc bộ khi tham gia hoạt động cho chữ đều được Ban Chủ nhiệm lựa chọn đảm bảo các điều kiện kiến thức về chữ Hán Nôm và cách viết thư pháp chuẩn mực. Trong bối cảnh người viết thư pháp trên địa bàn tỉnh ngày càng cao tuổi, để nghệ thuật thư pháp tiếp tục duy trì, phát triển cần thu hút các thầy đồ trẻ tự tin, phát huy tài năng. Nhiều năm qua, sự xuất hiện của các nhà thư pháp với tuổi đời từ 40-45 kế cận các thầy đồ cao niên là tín hiệu đáng mừng. Anh Triệu Thanh Sơn (41 tuổi), thành phố Nam Định tìm đến thư pháp qua sự chỉ bảo của ông nội, tự học trong sách vở và từ các thành viên trong Câu lạc bộ Trí Đức thư pháp Nam Định để nâng cao trình độ. Với hơn 10 năm gắn bó với nghệ thuật thư pháp, đến nay vốn kiến thức nhớ, thuộc trên 200 chữ Hán, vào mỗi độ Xuân về anh Sơn thường viết câu đối, chữ… làm quà tặng người thân, bạn bè. Cùng đồng trang lứa với anh Sơn, anh Nguyễn Quang Nhương (41 tuổi) là giáo viên tại huyện Mỹ Lộc có nhiều năm gắn bó với thú chơi tao nhã của cha ông. Anh cho biết: “Gắn bó với nghệ thuật thư pháp cũng là cách để tôi hiểu hơn nét đẹp truyền thống của cha ông và một phần để tự rèn luyện bản thân trong việc trồng người”.

Thư pháp không đơn thuần là thú chơi mà còn ẩn chứa trong đó bề sâu văn hóa, bởi vậy đòi hỏi tri thức, đạo đức của cả người cho chữ và người xin chữ. Nghệ thuật thư pháp ở tỉnh ta ngày càng phát triển không chỉ dừng lại ở tính phong trào mà còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa Việt.

Bài và ảnh: Viết Dư

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com