Phát huy vai trò của cộng đồng trong bảo vệ, lưu truyền giá trị di sản văn hóa “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”

07:55, 05/04/2024

Nam Định nằm ở trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng, nơi hội tụ, lưu giữ và lan tỏa nhiều giá trị văn hóa tín ngưỡng, tâm linh truyền thống của dân tộc, trong đó có tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ. Thánh Mẫu Liễu Hạnh được tôn vinh là vị thần chủ của tín ngưỡng thờ Mẫu, đại diện cho sự từ bi và khoan dung; là một trong “tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Quê hương Nam Định được coi là trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu với hệ thống di tích thờ, phối thờ Thánh Mẫu dày đặc ở cả 10 huyện, thành phố. Theo dòng chảy thời gian, tín ngưỡng thờ Mẫu đang ngày càng lan tỏa rộng khắp ở các địa phương trong cả nước và nhiều nước trên thế giới.

Lễ rước Mẫu thỉnh kinh từ Phủ Tiên Hương đến Chùa Tiên Hương trong Lễ hội Phủ Dầy, xã Kim Thái (Vụ Bản).
Lễ rước Mẫu thỉnh kinh từ Phủ Tiên Hương đến Chùa Tiên Hương trong Lễ hội Phủ Dầy, xã Kim Thái (Vụ Bản).

Sau thời gian được các nhà khoa học, nghiên cứu văn hóa trong nước và quốc tế nghiên cứu, xây dựng hồ sơ, đến năm 2016 “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được Tổ chức Văn hóa, Giáo dục và Khoa học của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là niềm tự hào lớn của dân tộc Việt Nam nói chung và cộng đồng những người thực hành di sản này nói riêng; đồng thời cũng là trách nhiệm của cộng đồng để cùng nhau gìn giữ, bảo vệ, kế thừa và phát huy vẹn nguyên giá trị di sản của tiền nhân trao lại.

Theo Công ước năm 2003 của UNESCO, trong thực hành di sản văn hóa phi vật thể, cộng đồng có vai trò đặc biệt quan trọng bởi đây là chủ thể sáng tạo, thực hành, truyền dạy di sản; thụ hưởng các giá trị văn hóa do chính cộng đồng sáng tạo ra và là nguồn lực có vai trò quan trọng trong quản lý, bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Đối với di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”, kể từ khi được UNESCO ghi danh, vai trò của cộng đồng đối với di sản ngày càng được khẳng định. Năm 2020, Hội Bảo vệ và Phát huy giá trị di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” tỉnh Nam Định được thành lập. Đây là tổ chức cộng đồng đầu tiên được cấp có thẩm quyền cho phép thành lập với tôn chỉ mục đích là bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thành lập được Hội bảo vệ và phát huy giá trị di sản "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt" huyện Hải Hậu và 2 chi hội tại các huyện: Giao Thủy, Xuân Trường. Các Hội, chi Hội đã có những cách làm sáng tạo trong việc quảng bá, giới thiệu và thực hành di sản như phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức thành công nhiều hội nghị, tọa đàm về tín ngưỡng thờ Mẫu tại các địa điểm thực hành di sản. Hội bảo vệ và phát huy giá trị di sản "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt" huyện Hải Hậu đến nay có 176 thành viên gồm các nhà nghiên cứu, thanh đồng, thủ nhang, cung văn…; trong đó có nhiều thành viên Ban quản lý các di tích trên địa bàn huyện. Hội đã thành lập và ra mắt CLB Hát Văn huyện Hải Hậu với 38 hội viên, duy trì sinh hoạt hàng tuần, thường xuyên tổ chức 2 lớp dạy hát Văn và sử dụng nhạc cụ dân tộc. Các đợt sinh hoạt CLB là dịp để cộng đồng di sản gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm; giúp đỡ và hỗ trợ nhau để gìn giữ, bảo tồn phong tục truyền thống, những bài hát Văn, làn điệu cổ…

Sau 7 năm di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO ghi danh, hoạt động tổ chức thực hành di sản tại các di tích thờ Mẫu do cộng đồng thực hiện được duy trì tích cực; đặc biệt vào dịp “tiệc Mẫu” (từ mồng 3 đến mồng 8-3 âm lịch) hàng năm gắn với Lễ hội Phủ Dầy, xã Kim Thái (Vụ Bản). Trong lễ hội, nhiều hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, trò chơi dân gian đặc sắc tổ chức tại Phủ Tiên Hương, Phủ Vân Cát như: liên hoan nghệ thuật chầu Văn, hát Chèo, rước Mẫu thỉnh kinh, rước đuốc, cờ người, đấu vật, hội kéo chữ (Hoa trượng hội), thả rồng bay… Cùng với nét đẹp văn hóa dân gian trong Lễ hội Phủ Dầy thì nghi lễ Chầu văn là hoạt động văn hóa tâm linh chính của tín ngưỡng thờ Mẫu. Tại các di tích, trong không gian thiêng, di sản được cộng đồng thực hành, trao truyền, thể hiện qua nghi lễ Chầu văn với những cử chỉ, động tác, điệu bộ, câu hát văn cổ, nhạc cụ, trang phục truyền thống… Các thanh đồng, thủ nhang, cung văn có kinh nghiệm lâu năm truyền đạt thực hành di sản một cách khoa học, bài bản, tuân thủ quy định của Nhà nước. Đồng thời, cộng đồng tiếp tục bổ sung, sáng tạo các giá trị văn hóa mới phù hợp với sự phát triển của di sản, giúp người dân hiểu rõ hơn về giá trị, ý nghĩa to lớn của di sản trong đời sống xã hội. Ngoài việc thực hành, truyền dạy di sản, cộng đồng còn tích cực tham gia ủng hộ, hỗ trợ công tác trùng tu, tôn tạo các di tích liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu. Trong những năm qua, với sự ủng hộ của các thanh đồng, thủ nhang cùng đóng góp, công đức của người dân và du khách thập phương, nhiều di tích thờ Mẫu tại các địa phương được trùng tu, tôn tạo khang trang với kinh phí hàng tỷ đồng.

Bên cạnh các hoạt động thực hành, truyền dạy một cách bài bản, cộng đồng còn tích cực phối hợp với các cơ quan Nhà nước tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm nhằm quảng bá giá trị cốt lõi của di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu”. Tiêu biểu là các hoạt động giao lưu, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu nhân dịp 5 năm đón bằng UNESCO và Chương trình hành động quốc gia bảo vệ phát huy giá trị di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” giai đoạn 2017-2022 với sự tham gia của hơn 100 đại biểu là các nhà khoa học, nhà quản lý, các nghệ nhân ưu tú, thanh đồng, thủ nhang, cung văn và đại diện chủ thể di sản trên cả nước. Tại các huyện: Hải Hậu, Giao Thủy, Xuân Trường…, cộng đồng phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các hội nghị tập huấn công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể. Các hoạt động này đã giúp cho chính quyền, xã hội nhận thức đúng về bản chất và giá trị văn hóa, tín ngưỡng của di sản. Ngoài ra, cộng đồng còn tích cực tham gia hoạt động trưng bày, triển lãm, giới thiệu di sản tại Nam Định và nhiều địa phương trên cả nước. Từ năm 2015 đến năm 2018, cộng đồng đã hiến tặng hàng trăm tài liệu, hiện vật để tổ chức các đợt triển lãm tại các sự kiện văn hóa, thể thao trong và ngoài tỉnh như: Triển lãm “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt - Bản sắc và giá trị” tại Bảo tàng tỉnh; Triển lãm “Không gian thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam, Festival Tràng An kết nối di sản tại Ninh Bình, SEA Games 31 tại Nam Định… Năm 2023, tỉnh đã tổ chức thành công hội nghị, hội thảo nhân kỷ niệm 20 năm Công ước Bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể của UNESCO (2003-2023); đánh giá hiệu quả thực hiện Công ước đối với thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.

Bên cạnh đó, các nghệ nhân thực hành di sản tín ngưỡng thờ Mẫu được ghi nhận, đánh giá như những “báu vật sống”, bởi đó chính là người thực hành, gìn giữ và truyền dạy di sản cho các thế hệ mai sau. Đến nay tỉnh có 13 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng các danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú”; trong đó lĩnh vực thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu có 1 Nghệ nhân Nhân dân và 5 Nghệ nhân Ưu tú. Đây là niềm vinh dự, tự hào của các nghệ nhân, đồng thời cũng là trách nhiệm để các nghệ nhân và cộng đồng cùng nhau bảo vệ, gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, tín ngưỡng thờ Mẫu đang đối mặt với nhiều thách thức trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa. Để làm tốt việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu, cần tăng cường trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước và sự phối hợp để nâng cao vai trò của cộng đồng trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” ở Nam Định. Thời gian tới, ngành VH, TT và DL tỉnh tiếp tục nâng cao năng lực thực hành, quản lý di sản cho cộng đồng. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của các hội, chi hội bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa di sản, các CLB hát văn, hát chầu văn trong việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm về giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu trong đời sống xã hội. Đẩy mạnh xã hội hóa huy động nguồn lực cho công tác trùng tu, tôn tạo di tích thờ Mẫu; truyền dạy sử dụng đạo cụ âm nhạc phục vụ nhiệm vụ bảo tồn nghệ thuật hát Văn. Thực hiện các chính sách ưu tiên, đãi ngộ đối với các nghệ nhân, những người trực tiếp tham gia thực hành di sản, cán bộ làm công tác bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị di sản. Phát huy giá trị văn hóa di sản qua việc thực hành nghi thức, nghi lễ truyền thống, lễ hội dân gian; qua đó, khẳng định sức sống mãnh liệt của di sản trong cộng đồng và đời sống xã hội./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com