Hội làng

16:13, 08/03/2024

Tùng, tùng, tùng… năm nào vào những ngày xuân ấm, làng tôi cũng vang dồn tiếng trống hối thúc già trẻ, gái trai trong làng đi dự hội. Thế rồi người người xúng xính áo quần, nô nức dự hội làng. Náo nức nhất có lẽ là lũ trẻ con với đám nam thanh, nữ tú chờ mong từng ngày đến hội. Có hội là có vui, sau hội làng thể nào lũ trẻ chúng tôi cũng được ăn quà cưới của những đôi trai gái gặp nhau trong hội.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chọn một ngày xuân thắm trong tháng Giêng, khi công việc đồng áng đã xong, làng mở hội. Làng tôi từ xa xưa các cụ đã có đam mê hát chèo, chầu văn và bơi chải. Theo ông tôi kể, bởi vì làng nằm ven sông, vào mùa tháng Tám nước lên làng hay bị ngập. Thế nên, từ đứa trẻ mới nứt mắt đã phải học cách bơi lội. Cũng trong những lần “chạy nước”, ông tôi bảo, để dễ phát hiện ra vị trí của nhau, người làng hay hò hát rất to, phần cho đỡ sợ, phần để báo tin cho nhau. Đời đời kiếp kiếp dân làng sinh tồn như thế thành quen. Riết rồi thành tục lệ, thành hội, thành lễ của làng. 

Lễ hội làng năm nay to lắm, cách lễ khoảng một tháng, ông tôi ngồi mải miết ở nhà văn hoá thôn lo chuẩn bị các khâu trang trí, khánh tiết. Mẹ tôi thì tối tối “chôn chân” ở nhà văn hoá luyện tập các tiết mục văn nghệ. Bố tôi cũng không rỗi ngày nào, sáng sáng tranh thủ cùng những người đàn ông lực lưỡng trong làng lo luyện tập bơi thuyền. Bố tôi bảo, năm nay xóm quyết tâm “phục thù” sau mấy năm “trắng tay” ra về.  Trong nhà hình như chỉ có chị tôi là rỗi, cứ thoắt ẩn thoắt hiện, không rõ đi đâu vào những lúc ông bà, bố mẹ vắng nhà.

Ngày chính hội, làng trên xóm dưới nhà cửa vắng hoe, người người đổ ra bãi đất trống dùng làm sân đá bóng đầu làng. Cờ phướn ngợp trời, tiếng hò reo cổ vũ dồn dập mọi hướng. Đêm đến, làng xóm sáng trưng, thôn xóm du dương trong những làn điệu ngọt ngào, êm ả của những chiếu chèo, chầu văn. Thoáng thấy bóng chị tôi đứng tần ngần trước một chiếu có anh hàng xóm đang đóng vai hề trong một trích đoạn nổi tiếng. Rồi chị vỗ tay, cười ngây ngô khi anh biểu diễn xong. Rồi thoắt cái lại không thấy chị và anh hàng xóm đâu nữa. Tối ấy về, tôi “mách” mẹ sự kiện đầu đêm. Mẹ tủm tỉm cười bảo, chị con lớn rồi, chị phải có không gian riêng tư chứ.    

Hết hội làng, nhà tôi ngày nào cũng đón vài ba lượt khách tới thăm, hỏi han, chúc mừng việc hỉ. Tôi vừa dỗi vừa ngúng nguẩy bảo mẹ, con nói rồi, chị đi chơi với “anh kia” mà lị. Bà tôi xoa dịu, chị đi lấy chồng, con chả nhất nhà còn gì. Tôi không biết có nhất nhà hay không nhưng cứ cảm thấy nửa buồn nửa vui. Mẹ thấy tôi thơ thẩn liền kéo vào lòng ngâm nga cho tôi nghe những câu thơ trong bài “Mưa Xuân” của thi sĩ Nguyễn Bính. Rồi mẹ tôi nghèn nghẹn ở đoạn: 

"Chờ mãi anh sang, anh chẳng sang.
Thế mà hôm nọ hát bên làng.
Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn
Để cả mùa xuân cũng lỡ làng"…

Rồi mẹ tôi bảo, sau hội làng, chị con đã hạnh phúc hơn cô gái trong bài thơ. Thế nên cả nhà ai cũng ủng hộ chị đấy. Tâm tư của một thằng con trai đang lớn như tôi dềnh lên rồi hạ xuống rất nhanh. Sáng mai, trong muôn tiếng hoan hỉ, nhà tôi chính thức tiễn chị đi lấy chồng./. 

Hoa Xuân 
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com