Thú chơi cây bonsai ngày Tết đã trở thành nét văn hóa lâu đời của người dân Việt Nam. Qua thú chơi, người chơi không chỉ gần gũi với thiên nhiên, thỏa mãn nhu cầu thưởng thức cái đẹp mà còn gửi gắm mong muốn về một năm mới sẽ mang đến nhiều may mắn, tài lộc, bình an, hạnh phúc cho gia đình.
Người dân thành phố Nam Định chọn mua quất cảnh. |
Thú chơi tao nhã
Trong khu vườn chỉ rộng gần 100m2, ông Đỗ Văn Dầu (thành phố Nam Định) sưu tầm và tự trồng được rất nhiều bonsai từ các loại sanh, si, đa, lộc vừng, tre, trúc và các cây đặc trưng trong ngày Tết như đào, quất, mai. Ngoài ra, ông Dầu còn trồng các cây bonsai ăn quả như ổi, khế, chanh… với đủ tư thế kiểu, dáng như: ngũ phúc, phụ tử, mẫu tử, huynh đệ, long thăng, long giáng… Ông Đỗ Văn Dầu chia sẻ: “Để tạo cây bonsai hoàn chỉnh đòi hỏi nhiều thời gian và công chăm sóc. Dù tiêu chí để đánh giá vẻ đẹp của cây bonsai gồm nhiều yếu tố, song các chi tiết chính được xét đến là gốc, thân, thế, dáng và chậu. Tuy nhiên, để có được cây nghệ thuật, dáng đẹp, chi, nhánh cân đối, tư thế đạt độ hoàn hảo phải có sự chăm sóc, đôi bàn tay khéo léo, trí tưởng tượng phong phú và quan trọng nhất là cái tâm của người chơi. Trong khu vườn của ông Dầu có đến hơn chục cây bonsai cổ thụ, có giá hàng chục triệu đồng; những cây bonsai ăn quả như: khế, ổi, lựu… cũng có giá vài triệu đồng/cây. “Nói là cây ăn quả chứ mỗi khi cây ra quả đều không nỡ hái, mà đến trẻ con cũng rất nâng niu, chúng chỉ dám đứng gần để quan sát, cảm nhận mùi thơm, hương vị” ông Dầu cười xòa kể. Đối với dòng bonsai cổ, ông Dầu thường chăm sóc tỉ mỉ để chơi ngày Tết, mỗi khi có bạn đến, ngồi nhâm nhi cốc nước trà xanh, tán chuyện cây, chuyện hoa, truyền đạt kinh nghiệm.
Còn với chị Trần Thị Lan Hương (thành phố Nam Định) cũng từng kinh doanh hoa, cây cảnh và có niềm đam mê trồng, chăm sóc phong lan gần 2 chục năm nay. Chị Hương chia sẻ: Mỗi cây phong lan hay bonsai đều mang ý nghĩa riêng. Nếu như hoa lan có ý nghĩa về mặt phong thủy, thu hút những nguồn năng lượng tích cực, xua đuổi tà khí, mang lại may mắn, bình an, hỗ trợ gia chủ đạt được điều thuận lợi trong công việc và cuộc sống, nhất là vào dịp Tết được trưng bày ở nơi đẹp nhất trong nhà ngụ ý chào đón một năm mới phát tài phát lộc; thì cây lộc vừng lại có ý nghĩa mang lộc đến với gia đình vì hoa của cây lộc vừng màu đỏ tượng trưng cho hỷ sự; cây nguyệt quế có hoa thơm, vẻ đẹp mộc mạc biểu tượng của sự chiến thắng, tài lộc; cây cần thăng ghép của hai từ “cần cù” và “thăng tiến”, thể hiện sự nỗ lực không ngừng vượt qua mọi khó khăn trở ngại để vươn tới thành công trong cuộc sống và công việc... Vì vậy, trong khu vườn nhỏ của chị có hơn 100 chậu lan chủ yếu là đai châu, quế, chồn và hơn 30 cây bonsai gồm sanh, lộc vừng, cần thăng, kim ngân…
Món quà ý nghĩa ngày xuân
Mặc dù không phải là người buôn bán chuyên nghiệp, nhưng do “có tiếng” về sở hữu nhiều cây bonsai đẹp nên vào dịp gần Tết nhiều người chơi cây đến tham quan khu vườn của ông Đỗ Văn Dầu với mong muốn mua cây. Có những cây khách đã trả đến hơn 20 triệu đồng; các loại cây ký chậu, ký đá, ký gỗ... từ 2-3 triệu đồng, nhiều loại cây cầu kỳ hơn có giá đến hàng chục triệu đồng. Tuy nhiên, khoảng 3 năm gần đây, ông Dầu không bán cây nữa. “Việc này tôi trăn trở mãi, bán cây được về kinh tế, nhưng chẳng khác nào bán đi cái tâm, cái cốt của mình!”, ông Dầu cho biết. Mấy năm nay, vào dịp Tết, ông đổi cây cho bạn cùng chơi bonsai để mỗi người đều được thưởng thức vẻ đẹp của cây và hơn hết là được cảm nhận sự tài hoa, khéo léo của bạn chơi, để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm cho nhau.
Cũng nhiều năm nay, chị Trần Thị Lan Hương không kinh doanh hoa, cây cảnh mà sau ngày tiễn “Ông Táo về trời”, chị Hương dành lại mấy chậu bonsai và lan để chơi trong nhà, còn chọn những cây phong lan, bonsai đẹp tặng cho bạn bè chơi trong dịp Tết như một món quà ý nghĩa cho bạn bè cùng chơi để cầu mong một năm mới may mắn và tài lộc đến với mọi người. Nhưng điều đặc biệt là sau những ngày chơi Tết, bạn bè của chị Hương lại đem cây đến vườn, trong đó có cả những cây được mua thêm, nên bao năm nay vườn cây nhà chị Hương ngày càng được mở rộng cùng với nhiều loại cây và hoa mới, lạ được đem đến cho chị Hương chăm chút để được tiếp tục chơi trong mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Chị Phạm Thị Hoa, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Kinh doanh hoa cây cảnh Nam Phong, thôn Phù Long 1 cho biết: Cây cảnh không chỉ mang giá trị nghệ thuật, mà còn mang ý nghĩa đặc biệt trong ngày Tết với mong muốn đem lại nhiều may mắn, tài lộc, sức khỏe… nên được nhiều người làm quà tặng cho bạn bè, người thân. Hiện nay, hợp tác xã đã mở rộng hơn 2ha tại khu đất bãi giáp sông Đào, trồng hơn 30 nghìn gốc lan các loại, hơn 70 nghìn cây hoa ly, 100 nghìn khóm hoa cát tường, phục vụ thị trường Tết Giáp Thìn 2024”. Những năm qua, hợp tác xã đã áp dụng khoa học kỹ thuật sử dụng nhà lưới hiện đại rộng 1.000m2 trồng hoa lan hồ điệp công nghệ cao. Thời gian trước Tết Nguyên đán khoảng 2 tháng khách hàng từ các nơi đã về đặt hàng, nên hầu như nhà vườn không còn hoa để bày bán trong các hội chợ Tết. Bên cạnh đó, các loại hoa như ly, dơn, cát tường đều cho thu nhập cao. Vụ hoa Tết 2024, hợp tác xã có doanh thu khoảng 1 tỷ đồng.
Nghệ thuật bonsai là sự kết hợp giữa thiên nhiên cùng bàn tay khéo léo của con người để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật sống động, có hồn góp phần làm đẹp cho đời. Và cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, những người chơi cây cảnh bonsai trong tỉnh lại miệt mài chăm chút cho các “tác phẩm nghệ thuật” của mình, để góp thêm hương sắc cho mùa Xuân./.
Bài: Ngọc Linh
Ảnh: Thanh Hoa
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin