Qua rằm tháng Chạp, trong mưa bụi rây rây, khắp phố phường đã nghe nồng thơm vị Tết thoảng bay trong gió, khiến những người con xa quê chộn rộn cảm giác nhớ nhà và mong muốn nhanh chóng được trở về sum vầy bên gia đình.
Ảnh minh họa. |
Trong ký ức của tôi, mùi hương của Tết bắt đầu bằng vị cay nồng của cải bẹ và hành củ khi bà sửa soạn muối một vại dưa với bao sự kỳ công, tỉ mỉ. Từ trước Tết cả tháng, những cây cải bẹ vàng mơ được cắt từ vườn về, treo lên dây nơi thoáng gió cho se bớt nước. Hành củ cũng được bà ngâm với nước tro bếp để giảm bớt mùi hăng. Món dưa giòn tan, vàng rộm với vị chua dịu đặc trưng chống ngán cho những món ăn quá dư thừa dầu mỡ trong những ngày Tết của bà luôn được cả nhà tôi thích thú. Càng gần đến Tết, vị Tết càng nồng đượm. Mùi thơm ngọt ngào hấp dẫn của mứt quất, mứt gừng được sên trong chảo gang bay ngào ngạt khắp gian bếp ấm sực hơi lửa. Nhớ những ngày còn bé, lần nào mẹ sên mứt, chị em tôi cũng xúm xít bên cạnh xem mẹ làm và sung sướng khi được nếm thử miếng mứt gừng vàng óng, dẻo mềm có phủ một lớp bột đường li ti, trắng muốt. Giữa tháng Chạp mưa phùn lạnh buốt, nhấm nháp miếng mứt gừng với chén trà nổng hổi, cảm giác thật ấm áp. Tôi nhớ hương thơm của giò lan đai trâu ông treo trên cành cây trứng gà ở góc sân, nâng niu chăm sóc cả năm.
Gần Tết, khi những chuỗi hoa dài bắt đầu lấm tấm bung nở mấy bông tím phớt nổi bật trên nền lá xanh biếc, ông mang vào nhà, để trang trọng trên chiếc đôn sứ cao màu trắng ngà. Hương thơm dịu dàng của hoa lan quyện trong hương trầm phảng phất khiến không gian thấm đẫm vị Tết. Tôi nhớ cả mùi lá dong tươi, lá chuối goòng thơm mát bố cắt về, chuẩn bị gói bánh chưng, bánh gấc. Những lá dong, lá chuối được rửa sạch, xếp vào nia để giữa sân. Bố cẩn thận lau khô từng phiến lá, cắt vuông vắn, xếp thành từng tập. Chiều ba mươi Tết, khi nồi bánh được bắc lên bếp sôi lục bục, tỏa mùi thơm của lá, gạo nếp hương, vị bùi ngậy của đỗ, hành, thịt lợn, bố mới yên tâm thảnh thơi ngồi pha một ấm trà ướp hoa ngâu, mời mấy bác hàng xóm sang thưởng thức. Trong biết bao hương vị Tết đã đi vào nỗi nhớ, đặc biệt nhất đối với tôi có lẽ là hương thơm của nồi nước lá mùi già. Năm nào mẹ tôi cũng dành ra một vạt rau mùi, chờ đến lúc những thân cây mảnh mai lúc lỉu những chùm quả xanh mới nhổ về, đun một nồi nước thật to vào ngày cuối cùng của năm cũ. Sau khi dọn dẹp nhà cửa xong xuôi, cả nhà tôi tắm gội tẩy trần bằng nước lá mùi già để “tống cựu nghinh tân”. Hương thơm dân dã, mộc mạc ấy luôn mang đến cho tôi cảm giác thật nhẹ nhàng, thư thái.
Một mùa xuân mới lại sắp về. Qua bao tháng năm, những hương vị Tết nồng thơm vẫn đằm sâu, thân thuộc. Để tôi như trẻ nhỏ, mỗi năm lại háo hức mong chờ Tết đến./.
Lam Hồng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin