Công ước Bảo vệ di sản văn hóa (DSVH) phi vật thể được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) thông qua năm 2003 (sau đây gọi tắt là Công ước). Là một trong 30 quốc gia đầu tiên gia nhập Công ước, Việt Nam đánh dấu sự hội nhập và xác định vai trò quốc tế trên lĩnh vực bảo vệ DSVH phi vật thể với UNESCO và các nước trên thế giới; thể hiện tinh thần hòa nhập trong bảo vệ, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa cho hiện tại và tương lai. Dưới sự lãnh đạo của Đảng cùng nỗ lực của Chính phủ, chính quyền các cấp và toàn xã hội, các DSVH phi vật thể của Việt Nam ngày càng được nhận diện giá trị, góp phần quan trọng trong việc duy trì, kế thừa bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển văn hóa, con người trước yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tại di tích Phủ Dầy (Vụ Bản) trong Chương trình kỷ niệm 20 năm Công ước của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể tổ chức tại Nam Định. |
Theo báo cáo của Cục Di sản văn hóa (Bộ VH, TT và DL) tại Hội nghị - Hội thảo - Thực hành di sản kỷ niệm 20 năm Công ước Bảo vệ DSVH phi vật thể của UNESCO (2003-2023) tổ chức tại Nam Định cuối tháng 11 vừa qua, cả nước có gần 7 vạn DSVH phi vật thể được kiểm kê, trong đó có 498 di sản được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL) đưa vào Danh mục DSVH phi vật thể quốc gia; 1.881 cá nhân được Chủ tịch nước phong tặng các danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân (NNND) và Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT). Kể từ khi tham gia Công ước năm 2005 đến nay, Việt Nam có 15 DSVH phi vật thể được UNESCO ghi vào Danh sách DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại và Danh sách DSVH phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Hoạt động kiểm kê, lập hồ sơ khoa học DSVH phi vật thể đã và đang giúp cho các nhà quản lý, nghiên cứu nhận diện rõ hơn về di sản và giá trị di sản; từ đó xây dựng các kế hoạch, chiến lược bảo vệ, phát huy giá trị di sản trong đời sống văn hóa, xã hội; giữ gìn bản sắc văn hóa của người Việt, góp phần vào sự đa dạng văn hóa của nhân loại. DSVH phi vật thể đã đóng góp giá trị tích cực tới sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cộng đồng và trở thành những điểm đến thu hút du khách trong nước và quốc tế, tạo nên bản sắc, thương hiệu, dấu ấn riêng của các địa phương có di sản.
Nằm ở vị trí trung tâm khu vực Nam đồng bằng sông Hồng, trong tiến trình lịch sử, vùng đất Nam Định chứa đựng nhiều giá trị văn hóa của dân tộc; trong đó có tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Nam Định cũng được coi là trung tâm “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” - một trong 15 DSVH phi vật thể của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh cùng 11 DSVH phi vật thể quốc gia (lễ hội, nghề truyền thống, nghệ thuật dân gian). Trên địa bàn tỉnh có hàng trăm địa điểm thờ cúng Thánh Mẫu; trong đó có các di tích tiêu biểu như: Quần thể di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy (Vụ Bản), Phủ Quảng Cung (Ý Yên) là những nơi tương truyền Thánh Mẫu Liễu Hạnh giáng sinh lần thứ nhất và thứ hai. Ngoài ra, các di tích thờ Mẫu còn dày đặc ở các huyện, thành phố trong tỉnh như: Giao Thủy (17 di tích), Hải Hậu (41 di tích), Mỹ Lộc (85 di tích), Nghĩa Hưng (98 di tích), Xuân Trường (77 di tích), Nam Trực (82 di tích), Trực Ninh (69 di tích), thành phố Nam Định (74 di tích). Toàn tỉnh có gần 200 bản hội, hàng trăm thanh đồng, cung văn, hầu dâng cùng nhiều con nhang, đệ tử… đang là những chủ thể nắm giữ di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”.
Theo đánh giá của UNESCO thì di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” bao gồm nhiều thành tố khác nhau như: thờ cúng, hầu đồng, hát chầu văn, lễ hội truyền thống tôn thờ các vị thánh chủ trong điện thần đạo Mẫu... Chính vì vậy, để quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của tín ngưỡng, tại Lễ đón Bằng ghi danh di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” năm 2017, Bộ trưởng Bộ VH, TT và DL đã công bố Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị DSVH phi vật thể “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”; trong đó nhấn mạnh việc tiếp tục nhận diện giá trị của di sản và các tập quán, nghi lễ gắn với di sản; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội, tạo điều kiện cho việc thực hành, sáng tạo và truyền dạy di sản trong cộng đồng.
Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tại di tích Phủ Dầy (Vụ Bản) trong Chương trình kỷ niệm 20 năm Công ước của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể tổ chức tại Nam Định. |
Thời gian qua, các DSVH phi vật thể nói chung, DSVH “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” nói riêng đã được nhận diện đầy đủ, vẹn nguyên giá trị. Từ khi DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được ghi danh, thực hiện chỉ đạo của Bộ VH, TT và DL, tỉnh đã xây dựng Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trên địa bàn tỉnh đến năm 2030”; thực thi hiệu quả Luật Di sản văn hóa, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các nhiệm vụ cụ thể trong Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị DSVH phi vật thể “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” do Chính phủ cam kết với UNESCO sau khi di sản được ghi danh. Đồng thời đẩy mạnh thực hiện các biện pháp quản lý Nhà nước nhằm gìn giữ, bảo vệ và phát huy những giá trị tốt đẹp của di sản; ngăn ngừa, loại bỏ các hủ tục cũng như xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng di sản để trục lợi, làm sai lệch di sản và có tác động tiêu cực tới đời sống cộng đồng.
Thực tế hiện nay, ở nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có tỉnh Nam Định, bên cạnh những mặt tích cực, tình trạng thương mại hóa các nghi lễ, lễ hội vẫn xuất hiện ở một số nơi; hiện tượng đốt vàng mã quá mức vẫn diễn ra ở các đền, phủ. Việc tuyên truyền, quảng bá về di sản đạt hiệu quả chưa cao. Lực lượng cán bộ quản lý và chuyên môn tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản tại các địa phương còn ít, chưa đồng đều; các chủ thể nắm giữ văn hóa, được coi là “báu vật sống” thì phần lớn đã cao tuổi nên việc tư liệu hóa, truyền dạy gặp nhiều khó khăn. Việc vinh danh các nghệ nhân có nhiều đóng góp trong lĩnh vực còn hạn chế, chưa kịp thời. Nhiều người lợi dụng di sản để trục lợi, thực hành mê tín dị đoan, phô trương, lãng phí... Đặc biệt, sau khi di sản được UNESCO ghi danh, nhiều tổ chức, cá nhân đã tổ chức hoạt động “liên hoan hầu đồng” không đúng chức trách, nhiệm vụ và thẩm quyền, vì vậy đã làm sai lệch bản sắc và giá trị của di sản.
Để tiếp tục triển khai hiệu quả, nghiêm túc Công ước của UNESCO về bảo vệ DSVH phi vật thể nói chung, Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị DSVH phi vật thể “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” nói riêng, đại diện Sở VH, TT và DL đã đề xuất một số giải pháp: Từng bước nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về di sản; chỉ đạo, định hướng, hỗ trợ cộng đồng thực hiện chính sách, chiến lược, dự án bảo vệ, phát huy DSVH phi vật thể đã được ghi danh. Đẩy mạnh tuyên truyền để người dân, các chủ thể của di sản nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”. Tập huấn nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý, phối hợp với cộng đồng chủ thể của di sản. Hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật về DSVH phi vật thể, trong đó có văn bản riêng đặc thù đối với di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”. Tổ chức tôn vinh, khen thưởng đối với các cá nhân có nhiều thành tích trong bảo vệ và phát huy giá trị DSVH phi vật thể. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh, xử nghiêm những trường hợp vi phạm trong thực hành tín ngưỡng. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nhằm phát huy nguồn lực, vai trò của cộng đồng trong thực hành di sản./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin