Khu vườn của bà ngoại tôi năm nay đã bước sang tuổi năm mươi. Vườn được “thai nghén” rồi đắp bồi từ những ngày ông bà tôi chèo thuyền di cư khắp các vùng đất ngập nước về làng. Cả nhà hì hục vượt đất, xẻ máng dẫn nước về vườn. Ông tôi còn kỳ công ngược sông lên những vùng đất lạ tìm những giống cây mới về cho bà trồng. Nhà có ba cô con gái, bà ưu ái dành hẳn một vuông nhỏ trong vườn để trồng các loại hoa. Nước mát cộng với tay người chăm bẵm, chẳng mấy chốc khu vườn của ông bà tôi đã xanh cây đỏ quả. Mùa nào thức ấy, cây và hoa trong vườn luôn rực rỡ, xum xuê. Khu vườn còn là nơi nghỉ ngơi của cả nhà sau những ngày lao động vất vả, chỗ “trú ngụ” của đám trẻ chúng tôi mỗi lần bị bố mẹ đánh đòn.
Tranh minh họa/ Internet |
Một ngày nọ, lửa từ khu rừng bên cạnh cháy lan xuống nhà ông bà. Suốt đêm, cả nhà thức “canh me” lửa. Biết sức người có hạn, ông bà, bố mẹ dòng dây từ mé sông lên tưới ướt đẫm cây cối, vườn tược, nhà cửa. Khói trùm xóm nhỏ, ông tôi cương quyết “thủ thế” giữa vườn, quyết “bám trụ”. Cũng may lửa được dập tắt sau một ngày đêm, chỉ vài ngọn trên những cây cao nhất bị hơi nóng táp héo cong, bỏng rát. Ông xót lắm, tối nhá nhem mặt người vẫn cầm vòi cố gắng xịt nước “xoa dịu” cho cây.
Hai bác gái tôi lấy chồng ở xa, ông “nịnh” bố mẹ tôi về ở cùng chăm bẵm nhà cửa, ao vườn. Anh em tôi theo nhau cất tiếng khóc đầu tiên giữa những rì rào cây lá. Người bạn đầu tiên của chúng tôi chính là đám cây tốt um, hiền hoà trong vườn. Chúng tôi được ông bà rồi bố mẹ truyền một cách tự nhiên tình yêu đối với cây cối, hoa cỏ trong vườn. Đi đâu về, việc đầu tiên của cả mấy anh em là chọn những gốc cây sung, cây ổi, cây mít để leo trèo và “chống đói”. Đến tuổi hò hẹn, vườn cây rợp bóng trở thành nơi chốn lãng mạn, riêng tư cho chị em tôi. Ngày chị cả tôi lấy chồng, ông tôi thiết kế khu vườn thành một rạp cưới độc đáo, xanh mướt có một không hai của cả vùng. Dưới mỗi tán cây, người người đi lại nói cười hỉ hả.
5 năm trước, ông bà, bố mẹ, chị gái đứng trước cổng nhà bịn rịn tiễn tôi đi làm xa. Gió ào ạt thổi từ mặt sông lên vườn, những ngọn cây nghiêng ngả chào đãi tôi. Bận rộn, mệt mỏi cộng thêm với đường sá xa xôi tôi cũng ít khi về nhà. Có lần tranh thủ giữa chuyến công tác, tôi chỉ kịp tạt qua nhà, chưa kịp nhìn rõ mặt từng người thân. Tôi quên bẵng đi vườn tược, cây hoa, quên lãng cả nơi chốn trú ngụ của mình suốt những năm tháng yên ả.
Chiều nay, bố gọi điện giọng nghẹn ngào, ông ốm lắm, không biết có qua nổi mấy ngày nữa không, con thu xếp về được luôn thì tốt. Quá nửa đêm tôi về, ông dường như chỉ còn mỗi da bọc xương, run ẩy, nặng nhọc trở mình. Sáng sớm, tranh thủ lúc ông chợp mắt, tôi ra ngoài hít thở không khí. Trước mắt tôi, những cây hoa hồng, hoa thược dược gầy guộc, trụi lá. Đám cây ăn quả trong nhà tìm đỏ mắt mới thấy một vài quả quắt queo. Đến cả cây lim cuối vườn quanh năm xanh tốt cũng khô cằn, trơ cuộng. Bố tôi thở dài, không hiểu sao từ khi ông ốm, cây cối trong vườn nhà cũng lụi đi con ạ. Người ta nói, “cỏ cây cũng có linh hồn, tình cảm”, đến bây giờ thì bố tin... Tôi nghe mà đau thấm ruột gan, đến cây cỏ còn được như thế… Rồi tôi tự nhủ lòng, nhà luôn là nơi yên ấm nhất để trở về./.
Nguyễn Hoa Xuân
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin