Nhà nghiên cứu phê bình tâm huyết Bùi Văn Tam

07:46, 10/11/2023

​Tác giả Bùi Văn Tam năm nay đã ngoài 90 tuổi, thuộc thế hệ những hội viên kết nạp đợt đầu (năm 1977) của Bộ môn Nghiên cứu Phê bình (Hội VHNT tỉnh). Với tâm huyết nghề, đến nay, ông đã có hơn 40 đầu sách và nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử - văn hóa được các nhà xuất bản (NXB) uy tín trong nước ấn hành. Trong đó, các công trình về mảnh đất Thiên Bản lục kỳ xưa của ông được các nhà nghiên cứu văn hóa trong và ngoài nước đánh giá cao.

Tác giả Bùi Văn Tam nghiên cứu tư liệu viết sách.
Tác giả Bùi Văn Tam nghiên cứu tư liệu viết sách.

​Nhà giáo đam mê nghiên cứu lịch sử

Về thôn Cao Phương, xã Liên Bảo (Vụ Bản), người dân từ già đến trẻ gọi trìu mến nhà nghiên cứu phê bình Bùi Văn Tam là “Thầy Tam”. Trong ngôi nhà nhỏ, những đầu sách được xếp gọn gàng trong tủ, trên kệ; bàn làm việc luôn sáng đèn. Dù mới trở về nhà sau thời gian dưỡng bệnh tại Hà Nội, ông vẫn cặm cụi lật giở tư liệu, tra từ điển Hán Nôm để tiếp tục hoàn thành các công trình nghiên cứu lịch sử - văn hóa theo đúng kế hoạch đã định. Tuổi dù cao nhưng từng mốc thời gian, từng tên địa danh đã qua vẫn được ông kể lại rành mạch. Tâm sự về duyên nghiệp đến với đam mê nghiên cứu lịch sử, ông cho biết: Sinh ra trong gia đình có thân phụ là thầy thuốc Đông y, từ nhỏ, ông đã thấy cha đọc các sách Hán, Nôm để nghiên cứu các bài thuốc chữa bệnh cứu người. Hình ảnh đó hằn sâu trong ký ức cậu bé Tam thuở đó và hình thành thói quen yêu sách hơn bất cứ món quà nào. Năm 1956, ông thi đỗ Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội chuyên ngành Lịch sử. Tốt nghiệp năm 1960, ông về Trường cấp 3 Đức Thọ (Hà Tĩnh) công tác, sau đó chuyển về dạy ở Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Tĩnh). Năm 1965, ông chuyển về dạy tại Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Vụ Bản). Là giáo viên dạy lịch sử, ông đã hình thành phương pháp sưu tầm nghiên cứu, biên soạn các tư liệu lịch sử địa phương để phục vụ giảng dạy. Cùng với phương pháp trên, mỗi giờ học, thầy giáo Tam đều dành thời gian để học sinh thảo luận, đặt câu hỏi về các vấn đề lịch sử; những cảm nhận về các nhân vật lịch sử gắn với địa phương, qua đó bồi đắp tình yêu quê hương cho học trò. Các yếu tố cộng hưởng đã thôi thúc Bùi Văn Tam tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm tư liệu văn hóa dân gian, đền từ, miếu mạo, các thư tịch cổ. Ông chọn hướng nghiên cứu khoa học gắn với thực tiễn địa phương, hướng tới viết địa chí văn hóa các xã, địa chí văn hóa huyện Vụ Bản và các công trình nghiên cứu lịch sử chuyên sâu. Năm 1968, sau khi hoàn thành sơ thảo cuốn sách lịch sử huyện Vụ Bản, ông được gặp Giáo sư sử học Trần Huy Liệu tại quê hương để xin góp ý. Những đóng góp ý kiến của Giáo sư sử học Trần Huy Liệu đã trở thành cẩm nang, phương pháp khoa học để ông tiếp tục hoàn thiện các công trình sau này.

Dấu ấn công trình nghiên cứu

Trong hàng chục năm nghiên cứu lịch sử, nhà nghiên cứu Bùi Văn Tam có nhiều tác phẩm chất lượng đã xuất bản như: “Trạng nguyên Lương Thế Vinh”, “Thiên Bản lục kỳ huyền thoại đất Sơn Nam” (NXB Văn hoá dân tộc 2000), “Họ Lương trong cộng đồng dân tộc” (xuất bản năm 2001), “Phủ Dầy và tín ngưỡng Mẫu Liễu Hạnh” (NXB Văn hoá dân tộc 2001), “Địa chí văn hoá huyện Vụ Bản” (xuất bản năm 2016), “Vụ Bản thời Hùng Vương” (NXB Hồng Đức năm 2019), “Phủ Dầy và các nữ thần Vụ Bản trong tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh” (NXB Hồng Đức năm 2020), “Núi Ngăm và Khu du lịch sinh thái” (NXB Hồng Đức năm 2021)… Trong đó, công trình “Địa chí văn hóa huyện Vụ Bản” gồm 772 trang khổ lớn với 21 chương mục, bao quát rộng, từ địa lý, lịch sử, kinh tế, tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục tập quán lễ hội, giáo dục đào tạo, VHNT, nhân vật lịch sử văn hóa, các tác giả tác phẩm Hán Nôm tiêu biểu, những nhà khoa cử... Công trình đã được tỉnh “đặt hàng” và đã được nghiệm thu. Công trình nghiên cứu về “Trạng nguyên Lương Thế Vinh” của ông được 4 NXB in và phát hành với số lượng lớn (Hội VHNT tỉnh xuất bản năm 1990; NXB Văn hóa Dân tộc xuất bản năm 1996; NXB Đồng Nai tái bản năm 1997; NXB Thanh Hóa tái bản năm 2000). Tác phẩm “Giai thoại Trạng Lường” của ông được NXB Văn hóa Dân tộc xuất bản năm 1999 (tái bản 2001). Sưu tầm nghiên cứu về danh nhân nổi tiếng Trạng nguyên Lương Thế Vinh, tác giả Bùi Văn Tam đã dày công tổng hợp, phân tích tư liệu. Từ năm 1973, ông đã lặn lội đi khắp các tỉnh có dấu tích lưu lạc của dòng họ Lương (Nghệ An, Thái  Bình, Hà Nội, Thái Nguyên...) để tìm kiếm những manh mối liên quan đến cuộc đời của vị Quan trạng họ Lương. Lặn lội ở khắp các địa phương, ông sưu tầm được tư liệu quý trong đó có ghi lại

tiểu sử của Trạng Lường và bài luận văn nổi tiếng “Đối đình sách văn” cùng hai bài phú và hai bài thơ của vị Trạng Nguyên... qua các tư liệu, tổng hợp, phân tích của nhà nghiên cứu Bùi Văn Tam đã góp phần khẳng định luận điểm Trạng nguyên Lương Thế Vinh là vị quan tài ba lỗi lạc, bản lĩnh cao khiết và những cống hiến cho dân cho nước. Cuốn sách “Phủ Dầy và các nữ thần Vụ Bản trong tín ngưỡng Thánh Mẫu Liễu Hạnh” được soạn mở rộng, chuyên sâu trên cơ sở cuốn “Phủ Dầy và tín ngưỡng Mẫu Liễu Hạnh” xuất bản năm 2001. Nội dung cuốn sách gồm 6 chương: Kẻ Dầy một vùng non nước hữu tình, miền đất thiêng của Vụ Bản, nơi phát tích Mẫu Liễu Hạnh; Thánh Mẫu Liễu Hạnh và các nữ thần Vụ Bản được tôn thờ; Thánh Mẫu Liễu Hạnh - Một vị thần chủ trong đạo Mẫu Việt Nam; Những di tích tiêu biểu trong quần thể di tích lịch sử văn hóa Phủ Dầy; Những nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng lễ hội Phủ Dầy; Các tư liệu về Phủ Dầy. Cuốn sách là tài liệu quý cho độc giả và các nhà nghiên cứu tìm hiểu về di tích lịch sử văn hóa Phủ Dầy, về tín ngưỡng Mẫu Liễu Hạnh và các nữ thần Vụ Bản liên quan…

Từ nhà giáo đến người hoạt động cách mạng rồi nhà nghiên cứu phê bình, ông đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhì; 2 Huy chương “Vì sự nghiệp văn hoá dân gian”, “Vì sự nghiệp VHNT Việt Nam”; nhiều Bằng khen, Giấy khen từ Trung ương đến địa phương cùng các giải thưởng về VHNT... Là hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội VHNT tỉnh, ông là một trong những hội viên tích cực xuất bản các công trình nghiên cứu lịch sử. Bên cạnh đó, ông được các địa phương ở huyện Vụ Bản tín nhiệm đặt hàng viết lịch sử Đảng bộ; địa chí văn hóa cho nhiều xã, thị trấn.

Ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng tác giả Bùi Văn Tam vẫn tích cực viết sách. Ông hồ hởi khoe với chúng tôi một loạt các cuốn sách sẽ được xuất bản trong năm 2024 như hồi ký “Hành trình từ nắng sớm trên núi cao” tập 2, 3; “Các nữ thần Nam Định” với 400 trang; “Họ Bùi huyện Vụ Bản” với 200 trang… Sức viết của nhà nghiên cứu phê bình Bùi Văn Tam khiến nhiều người cảm phục; là tấm gương lao động không ngừng nghỉ, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ gìn giữ giá trị lịch sử - văn hóa truyền thống của các bậc tiền nhân./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com