Chiều! Tôi lững thững đi bộ ra bờ đê sông Đào, ngồi dưới tán cây phượng vĩ, trước điếm cạnh đê, nhìn đồng lúa mênh mông sắp đến mùa gặt vàng rực màu lúa chín uốn câu. Bức tranh đồng quê thanh bình, no ấm hiện ra trước mắt, ký ức tuổi thơ quay quắt trôi về trong mùi hương của lúa. Lúa ơi... Lúa! Tôi gọi lúa trong dáng chiều đang tràn ngập xuống cánh đồng làng, như đang hòa nhập vào cánh đồng ký ức của tôi, để trở thành một khúc hát ân tình. Lúa đã nuôi lớn ba anh em chúng tôi nên vóc hình. Lúa đã đưa những đứa con trai, con gái làng tôi vào giảng đường đại học để bằng chị bằng em, để người ta không gọi chúng tôi là những công dân của vùng trũng trí thức.
Ảnh minh họa/ Internet |
Chuyện mùa, chuyện lúa ngày xưa đã trở thành nỗi buồn cày cấy, len thăm thẳm vào cả giấc mơ của những người nông dân chân bùn, tay lấm. Ngày ấy để làm ra hạt lúa người nông dân phải bỏ ra bao công sức, mồ hôi và cả những lo toan thắt ruột. Ngày đó làm gì có khoa học công nghệ tiên tiến như bây giờ, mọi thứ mọi việc trên cánh đồng đều làm bằng thủ công. Hồi ấy bố tôi lấy cái ống thụt (đồ chơi của bọn con trai làm bằng ống nứa bên có đầu mật dùi những lỗ nhỏ, rồi dùng rẻ quấn vào một que tre cứng, sao cho nắm rẻ vừa khít lòng ống nứa để khi hút, nước giữa trong ống thụt. Khi chơi thụt ra thụt vào nước bắn vào người nhau) của anh tôi rồi hút nước vôi trộn với bồ hóng phun vào những khóm lúa bị lụi. Sau đó bố tôi lại nghĩ ra cách đi xin những lá thuốc lào bỏ đi, phơi khô để dành, khi có sâu bệnh ngâm với rượu mươi ngày, pha loãng rồi phun cho lúa. Phải chăng từ cái đồ chơi của bọn con trai ngày ấy đã trở thành chiếc bình phun thuốc sâu bây giờ? Và hầu như mọi người nông dân làng tôi hồi đó ai cũng làm như thế để bảo vệ lúa.
Nhà tôi chỉ có mình bố biết làm ruộng, mẹ thì chạy chợ buôn mớ rau kiếm thêm đồng ra đồng vào, nên ông ra đồng từ sáng tinh mơ đi chân đất để lội qua cánh đồng đến lọ mọ mặt người mới về. Một hôm bố giẫm phải mảnh sành ngoài ruộng bị vi khuẩn uốn ván xâm nhập vào máu, khi phát hiện ra thì đã quá muộn... Bố tôi ra đi vĩnh viễn nằm trên cánh đồng lúa của mình. Nhiều khi nhớ bố tôi bật khóc!
Nhiều đêm ngồi ở ban công, nhìn xuống đường phố lấp lánh ánh đèn, nhìn dòng người ngược xuôi, rồi mênh mang nghĩ... Chắc rằng dù sống ở thành phố nhưng ai cũng có một lần đi qua cánh đồng lúa bạt ngàn... và có lẽ cũng có những người đã dừng chân lại nghe lúa rì rào hát. Bưng một bát cơm dẻo thơm, hẳn ai cũng khen nức lời, và thấm thía sự dãi dầu một sương hai nắng của những người nông dân trên khắp mọi miền Tổ quốc! Những chàng trai, cô gái sinh viên lớn lên từ đồng ruộng, giờ xúng xính áo quần nơi phố thị, chắc cũng không quên câu ca dao: “Lúa chiêm lấp lò đầu bờ. Hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên”, được các thầy cô dạy từ thuở ngỡ ngàng cắp sách tới trường, để mà thương, mà nhớ quê nhà - nơi có cha mẹ chắt chiu từng chục ngàn đồng bạc bằng tiền bán lúa để gửi lên cho con mình ăn học.
Cây lúa đã tạo nên sự đông vui tấp nập của làng quê, nhà cửa, công ăn, việc làm ổn định, tạo ra mái ấm gia đình. Nhiều người trước đây ra phố thị kiếm việc làm nay trở về quê làm giàu bằng cây lúa. Nhiều cô gái không còn mơ chi điều viển vông xa vời nữa. Với tôi, lúa là quê hương! Tôi thường thấy lúa trong cả những giấc mơ! Lúa ơi... thương quá lúa ơi!
Kim Cúc
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin