Giữ hồn di sản vùng đất cổ Nam Giang

07:56, 17/11/2023

Thị trấn Nam Giang (Nam Trực) là vùng đất cổ có hệ thống di sản dày đặc, phong phú với những lễ hội, loại hình văn hóa, nghệ thuật dân gian, nghề thủ công truyền thống, phong tục tập quán đời sống… Truyền thống văn hóa lâu đời mang đậm chất quê, hồn Việt trở thành hồn cốt của đất và người nơi đây.

Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia Đền Am, thị trấn Nam Giang.
Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia Đền Am, thị trấn Nam Giang.

Thị trấn Nam Giang có 8 di tích lịch sử - văn hóa đã được Nhà nước xếp hạng; trong đó có 4 di tích cấp quốc gia, 4 di tích cấp tỉnh thờ tự nhiều nhân vật lịch sử, truyền thuyết có công với dân, với nước gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của quê hương, đất nước. Tiêu biểu như: Chùa Đại Bi thờ Phật và Thiền sư - đức Thánh Từ Đạo Hạnh; Đền Am thờ Thiền sư - Thánh Bùi Huệ Tộ; Đền Giáp Ba thờ Triệu Việt Vương; Đền Giáp Tư thờ Ngọc Hoa Công chúa; Đình Vân Chàng thờ Lục vị Thánh tổ nghề rèn, Đình - Chùa Đồng Côi thờ Chân Minh Đại Vương thời Vua Hùng thứ 18.

Nổi bật nhất là Chùa Đại Bi - ngôi cổ tự đặc biệt, được các nhà sử học gọi là chùa “tiền Phật, hậu Thánh”. Theo truyền thuyết dân gian, khu đất chùa tọa lạc mang dáng đầu rồng. Hai bên cửa chùa có 2 giếng nước tròn, người dân nơi đây vẫn quen gọi là 2 mắt rồng. Dù trải qua nhiều thế kỷ nhưng tầm ảnh hưởng của Thiền sư - Thánh Từ Đạo Hạnh trong đời sống văn hóa tinh thần cộng đồng vẫn vẹn nguyên giá trị, biểu hiện rõ nét trong lễ hội truyền thống và các tục lệ của người dân địa phương. Ở Chùa Đại Bi, tam quan và nghi môn được xây dựng trên cùng trục ngang, không đối xứng. Tam quan không xây ở chính giữa mà xây chếch, thẳng với cung thờ Thiền sư - Thánh Từ Đạo Hạnh - trục thần đạo của chùa, thể hiện vai trò tối linh của Thánh. Vào dịp lễ hội Chùa Đại Bi, người dân các thôn Vân Chàng, Giáp Tư, Giáp Ba và các vùng lân cận khi lên chùa thường gọi là lễ Thánh. Lễ vật dâng Thánh là lễ mặn. Tín ngưỡng thờ Thánh Từ Đạo Hạnh trên vùng đất Nam Trực nở rộ vào thế kỷ XVII và tồn tại đến tận ngày nay, thể hiện sức sống trường tồn của tín ngưỡng dân tộc Việt. Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật, Chùa Đại Bi được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích cấp quốc gia từ năm 1964. Lễ hội Chùa Đại Bi là một trong 8 lễ hội lớn của tỉnh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hội Chùa Đại Bi mở từ ngày 20 đến 24 tháng Giêng hàng năm. Trong số các loại hình diễn xướng, bộ môn nghệ thuật, trò chơi dân gian độc đáo tại các lễ hội ở thị trấn Nam Giang thì nghệ thuật múa rối cạn (Ổi Lỗi) tại lễ hội Chùa Đại Bi có niên đại trên 900 năm, do Thiền sư, Thánh Từ Đạo Hạnh về địa phương tu hành truyền dạy cho người dân nơi đây. “Đất nghề” Nam Giang là vùng đất duy nhất trên cả nước được lưu giữ hầu như nguyên vẹn nghệ thuật múa rối cạn với 12 đầu rối bằng gỗ có tuổi đời trên 200 năm. Về lời ca và giai điệu, nghệ thuật múa rối Ổi Lỗi Chùa Đại Bi đã bảo lưu được 26 bài, 32 làn điệu với nội dung ca ngợi công lao của Đức Thánh Từ Đạo Hạnh và cầu cho đất nước thái bình thịnh trị, cuộc sống nhân dân ấm no, hạnh phúc. Tại lễ hội Chùa Đại Bi hàng năm, các nghệ nhân múa rối trình diễn các trích đoạn giáo trò, hát dâng tràng, dâng và múa tiên, hát giáo về luân lý... thu hút đông đảo du khách, tín đồ phật tử ở khắp nơi hội tụ để thưởng thức loại hình nghệ thuật tiêu biểu mang đậm sắc thái đồng quê.

Nghề rèn ở Nam Giang có từ thế kỷ thứ XIII, gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trải qua hàng trăm năm tồn tại và phát triển, nghề rèn thôn Vân Chàng không chỉ là phương kế sinh nhai mà còn tích lũy nên những giá trị văn hóa đặc trưng được các thế hệ người dân kế thừa và phát huy. Nghề rèn thôn Vân Chàng do 6 vị tổ sư duệ hiệu Tiên sư tôn thần: Phạm Nguyệt, Tử Cung, Tử Hầu, Nguyễn Nga, Nguyễn Thận, Đỗ Bào từ nơi khác đến truyền nghề rèn cho người dân địa phương. Theo sử sách, thợ rèn Vân Chàng thời nào cũng giỏi và tài hoa. Khi “quốc gia hữu sự”, họ đem tay nghề của mình giúp nước, cứu dân. Thợ rèn Vân Chàng đã rèn hàng vạn gươm giáo, mã tấu, kiếm, dao phục vụ quân đội. Thời bình, làng rèn Vân Chàng chỉ sản xuất một số dụng cụ sản xuất và đồ gia dụng thô sơ thủ công như: dao, kéo, bản lề, đinh, ốc vít, kiềng, cuốc, xẻng, răng cào... phục vụ sản xuất nông nghiệp. Từ năm 1960, nghề rèn Vân Chàng từng bước phát triển năng lực, sản xuất chế tạo nhiều mặt hàng sản phẩm mới khó hơn như chi tiết phụ tùng xe đạp, một số vật liệu sắt thép dùng trong xây dựng. Sản xuất của làng nghề đã một phần được cơ giới hóa, chất lượng kỹ nghệ tinh xảo, mẫu mã đẹp, đạt độ bền cao trong sử dụng, nhất là các loại phụ tùng xe đạp, các loại sắt thép dùng trong xây dựng. Có vị trí địa lý thuận lợi, từ khi đổi mới, thị trấn Nam Giang từ lâu đã trở thành trung tâm buôn bán sầm uất các mặt hàng đặc thù của địa phương. Hiện nay, thôn Vân Chàng có hơn 90% số hộ dân gìn giữ, kế thừa và phát triển nghề rèn, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động. Để ghi nhớ công lao, tri ân công đức của 6 vị tổ nghề, người dân thôn Vân Chàng đã lập đình thờ tự. Hiện Đình Vân Chàng còn lưu giữ được một số cổ vật hàng trăm năm tuổi do các thợ rèn xưa chế tạo từ những năm 1418-1430. Nét đẹp văn hóa làng nghề ở thị trấn Nam Giang đã kết tinh, lan tỏa trong sinh hoạt tín ngưỡng cộng đồng. Hàng năm, tại Đình Vân Chàng, người dân mở hội vào ngày 15-11 (âm lịch). Phần lễ có các nghi thức dâng hương, dâng lễ vật hương, đăng, trà, thực, đều là các sản vật nông nghiệp địa phương. Sau nghi thức dâng hương, tế lễ là nghi thức rước kiệu từ đình đến Đền Tây Vân Chàng và Đền Đông Vân Chàng rồi quay trở về đình.

Vật chầu Thánh trong lễ hội Chùa Đại Bi, thị trấn Nam Giang (Nam Trực).
Vật chầu Thánh trong lễ hội Chùa Đại Bi, thị trấn Nam Giang (Nam Trực).

Hàng năm, cứ vào ngày 14-8 (âm lịch) tại Đền Giáp Ba, dân làng mở hội lớn. Trong lễ hội, phần lễ và phần hội được tổ chức trang trọng. Thôn có 18 giáp thì cả 18 giáp đều góp lễ vật và rước kiệu cỗ lên đền. Kiệu cỗ gồm: cỗ ngọc (cỗ mặn) đặt ở bên trên và cỗ xén (hoa quả, bánh trái) xếp ở bên dưới. Trong phần hội có mở cuộc thi làm bánh dầy để dâng lễ, giáp nào làm bánh trắng, mịn, dẻo, ngon nhất thì đoạt giải, ngoài ra dân làng còn tổ chức đấu vật, đánh cờ người và kéo chữ. Lễ hội Đền Am diễn ra vào các ngày mùng 9 và mùng 10 tháng Giêng nhằm tưởng nhớ Thiền sư, Thánh Bùi Huệ Tộ. Trong các ngày diễn ra lễ hội, ngoài các nghi thức tế lễ còn có nhiều sinh hoạt văn hóa, trò chơi dân gian đặc sắc như: đánh cờ, tổ tôm điếm, đánh đu...

Nhận thức được tầm quan trọng của di sản văn hóa, Đảng uỷ, UBND thị trấn Nam Giang đã tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích. Ban quản lý các di tích thường xuyên phối hợp với các trường học trên địa bàn tổ chức cho học sinh tham gia dọn vệ sinh môi trường; qua đó, giáo dục đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và bồi dưỡng lòng tự hào về quê hương, truyền thống yêu nước của dân tộc. Công tác bảo tồn, tôn tạo di tích được đẩy mạnh, bảo lưu nguyên vẹn giá trị kiến trúc gốc di tích; công tác tổ chức, quản lý lễ hội được thực hiện đúng mục đích, ý nghĩa theo nếp sống văn hóa mới.

Lễ hội truyền thống tại các di tích ở thị trấn Nam Giang tuy có quy mô, phạm vi khác nhau, song đều đã phản ánh sâu sắc bản sắc văn hóa truyền thống của làng quê Việt. Kinh tế phát triển, làng lẫn trong phố, phố xen giữa làng nhưng nền nếp truyền thống xưa với những phong tục thuần hậu, nét sinh hoạt văn hóa lành mạnh vẫn được  thị trấn Nam Giang gìn giữ bảo tồn, góp phần xây dựng, lan tỏa giá trị di sản văn hóa ông cha trong cuộc sống hôm nay./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com