Vụ Bản gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống trong các gia đình, dòng họ

07:48, 25/08/2023

Xác định tầm quan trọng của văn hóa truyền thống trong quá trình hội nhập và phát triển đất nước, những năm qua, huyện Vụ Bản luôn quan tâm gìn giữ, kế thừa và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong các gia đình, dòng họ, làng xã; nâng cao đời sống tinh thần cho cộng đồng dân cư, củng cố “sức mạnh mềm” để chống lại những biến tướng tiêu cực trong đời sống xã hội.

Hát chèo trên sông - sinh hoạt văn hóa đặc sắc trong lễ hội truyền thống làng Quả Linh, xã Thành Lợi.
Hát chèo trên sông - sinh hoạt văn hóa đặc sắc trong lễ hội truyền thống làng Quả Linh, xã Thành Lợi.

Ở vùng đất Thiên Bản xưa - Vụ Bản nay, những gia đình có học, nhất là gia đình khoa bảng ở các làng cổ: Bách Cốc, Phong Vinh, Nguyệt Mại, Cao Phương, An Thái, Cựu Hào, Vĩnh Lại… vẫn lưu truyền các bản di huấn, gia huấn ca để giáo dục con cháu phải biết cần kiệm, kiên nhẫn, lễ độ, công tâm và coi đó là phép “tề gia” muôn thuở, tạo thành phong tục tập quán. Trong tộc phả của các gia tộc, dòng họ, phần mở đầu thường có nói đến đạo đức gia đình, dòng họ. Tiêu biểu như bài tựa của gia phả họ Trần Văn (làng Cao Phương, xã Liên Bảo); họ Vũ (làng An Cự, xã Đại An) có nhiều lời răn dạy con cháu thiết thực: phải đọc gia phả để biết lai lịch tổ tiên; phải cúng lễ tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã khuất không phải chỉ để cầu mong sự phù hộ, che chở trong cuộc sống mà còn để nhớ ơn công đức của những người đi trước; luôn vun trồng, bồi đắp đạo đức, hạnh phúc cho gia đình, dòng họ để làm rạng danh tiên tổ; không làm những việc xấu làm tổn hại đến thanh danh tiên tổ và thiệt đến bản thân mỗi người… Nhiều gia đình truyền dạy con cháu làm nghề có ích, mang tính cha truyền con nối như họ Nguyễn (làng Cựu Hào, xã Vĩnh Hào), các gia đình đều cho con cái học hành đến nơi đến chốn, luôn khuyên răn, hướng con cái theo 2 nghề, đặc biệt là nghề dạy học và nghề làm thuốc chữa bệnh cứu người.

Việc giáo dục trong các gia đình, dòng họ ở Vụ Bản đã tạo nên truyền thống tốt đẹp cho các thế hệ sau này. Ngày nay, cùng với tập trung phát triển kinh tế, các cấp ủy, chính quyền huyện Vụ Bản luôn quan tâm chỉ đạo, đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn hóa theo hướng tiến bộ, lành mạnh và văn minh; trong đó chú trọng gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá gia đình truyền thống. Tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hoá” toàn huyện hàng năm luôn đạt trên 85%. Nhiều xã có tỷ lệ gia đình văn hoá cao, tiêu biểu như: Kim Thái, Liên Bảo, Tam Thanh, Thành Lợi, Liên Minh, Minh Thuận, Minh Tân, Hiển Khánh, Hợp Hưng… Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” huyện luôn chỉ đạo các ngành, địa phương tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, tầm quan trọng của phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”. Các địa phương trong huyện đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững… Trước hết, tập trung xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình; tăng cường công tác chăm sóc và giáo dục trẻ em; thực hiện bình đẳng giới, nâng cao vai trò của người phụ nữ… nhằm bảo vệ sự ổn định và phát triển gia đình. Các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội được các gia đình thực hiện nghiêm túc, trong đó các gia đình có đảng viên luôn gương mẫu đi đầu.

Là vùng đất có truyền thống hiếu học, thời nào ở Vụ Bản cũng có người đỗ đạt cao. Thời Trần, làng Cao Phương, xã Liên Bảo có 2 người xuất thân khoa cử là ông Đinh Văn Lan giữ chức Hành khiển Thượng thư, ông Đồ Văn Biểu giữ chức Đô ngự Sử đài. Làng An Cự, xã Đại An có cha con ông Vũ Vĩnh Trinh, Vũ Duy Thiện đều đỗ Tiến sĩ. Làng Vân Cát, xã Kim Thái có ông Trần Bích Hoành đỗ Thám hoa. Làng Cao Phương, xã Liên Bảo có danh nhân văn hóa tiêu biểu trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam - Trạng nguyên Lương Thế Vinh và cháu ngoại là Dương Xân đỗ Tiến sĩ. Là một trong 5 vị Trạng nguyên của quê hương Nam Định, Trạng nguyên Lương Thế Vinh, còn gọi là Trạng Lường, là nhà chính trị, ngoại giao xuất sắc từng làm quan tại Viện Hàn lâm triều Vua Lê Thánh Tông. Không chỉ đóng góp nhiều công trạng cho đất nước, Trạng nguyên Lương Thế Vinh còn được nhiều người biết đến bởi sự tài hoa, uyên bác trong nhiều lĩnh vực: âm nhạc, giáo dục, toán học, văn học, Phật học… Ngoài ra, còn có 2 danh nhân có biệt tài là Luân Quận công Vũ Chấn, kiến trúc sư tài ba ở thế kỷ XVII và ông Nguyễn Thuyên, đậu Cử nhân thời Vua Minh Mạng, là một nhà giáo dục tài giỏi đã đào tạo được 3 Thám hoa, 17 Tiến sĩ, 9 Phó bảng và 23 Cử nhân. Thời hiện đại, Vụ Bản cũng là quê hương của nhiều nhà lãnh đạo cách mạng ưu tú, nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ nổi tiếng như: chiến sĩ cộng sản Nguyễn Đức Thuận, nhà văn Vũ Tú Nam, nhà thơ Vũ Cao, nhà thơ Nguyễn Bính, Nhạc sĩ Văn Ký, Nhạc sĩ Văn Cao - tác giả Quốc ca Việt Nam,…

Lịch sử, truyền thống của các gia đình, dòng họ đã trở thành những di sản văn hoá quý báu của các làng xã ở Vụ Bản, thể hiện qua những công trình kiến trúc đền thờ, từ đường dòng họ, nhà lưu niệm, tưởng niệm các danh nhân văn hóa quê hương. Cùng với việc bảo tồn, tôn tạo các công trình kiến trúc di tích, hàng năm, nhiều dòng họ trên địa bàn huyện Vụ Bản đã nhận thức đúng về vấn đề xây dựng văn hóa dòng họ, thông qua việc lập ban khuyến học, lập tủ sách dòng họ, tạo điều kiện cho con cháu được học hành, mở mang tri thức. Được sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền, những truyền thống tốt đẹp của các gia tộc, dòng họ tiếp tục được bảo tồn và phát huy, một số dòng họ đã quan tâm tới việc duy trì nền nếp văn hóa của dòng họ thông qua xây dựng và thực hiện quy ước dòng họ như: việc thờ cúng tổ tiên và các nghi lễ truyền thống; viết gia phả (bổ sung, khôi phục viết lại...), xây cất nơi thờ tự và mồ mả;... gìn giữ, gắn kết mối quan hệ giữa các thành viên nội tộc, với xã hội; nâng cao vai trò của dòng họ đối với sự phát triển của địa phương, đất nước... Các hoạt động họp họ, giỗ tổ được duy trì tổ chức với nhiều nội dung như: tuyên đọc gia phả, tế lễ tổ tiên, bàn định những công việc của gia tộc, trách nhiệm của các thành viên với gia tộc, với làng xóm vào việc xây dựng các công trình công cộng, vào việc tổ chức lễ hội của làng, xã. Bên cạnh việc hỗ trợ kinh phí để khuyến học, khuyến tài, nhiều địa phương còn tổ chức các cuộc thi thơ, văn, thi đọc mục lục, thúc ước trong các ngày lễ hội làng. Một trong những hội thi “chữ” quy mô lớn nhất trong vùng là ở hội làng Quả Linh, xã Thành Lợi tổ chức vào tháng 3 âm lịch các năm: Dần, Thân, Tỵ, Hợi. Cuộc thi thả thơ trong hội làng Quả Linh tao nhã dành riêng cho các bậc nho sinh, các bậc danh sĩ muốn thử tài học vấn cao thấp, đồng thời cũng là một hình thức khuyến học, khuyến tài.

Từ xưa đến nay, các lễ hội làng ở Vụ Bản đã tác động sâu sắc tới quá trình hình thành nhân cách và ăn sâu vào tiềm thức cuộc sống của mỗi người dân. Lễ hội không chỉ là dịp để các thế hệ người dân ôn lại truyền thống dựng làng, giữ nước, bảo lưu những thuần phong mĩ tục của làng, tạo nên bản sắc truyền thống để người dân xa quê trở về tham dự lễ hội cảm nhận, thụ hưởng được cái hay, cái vui, cái đẹp ẩn chứa trong lễ hội, sự tôn nghiêm, trật tự, nền nếp trong từng nghi thức rước, tế. Các lễ hội làng Quả Linh, làng Thi Liệu, làng Dương Lai, Phủ Dầy… đều có đội múa lân, sư, rồng tham gia biểu diễn mang ý nghĩa dẹp đường để giữ trật tự cho đám rước. Làng Hồ Sơn có lệ “bầu quan một ngày” hay làng Phú Lão có lệ bầu “lềnh” một ngày để chỉ huy lễ hội. Lễ hiến xảo trong các lễ hội thờ tổ nghề là hoạt động nâng cao kỹ thuật nghề nghiệp; tiêu biểu như: nghề rèn Bảo Ngũ, làm cót Vĩnh Lại, sơn mài Hổ Sơn... Hội thi hát Văn, hát Chầu văn trong lễ hội Phủ Dầy có hàng chục cung văn tham gia, tạo nên tính bền vững cho nghệ thuật hát văn, hát chầu văn, được tiếp nối từ đời này qua đời khác với các “dòng họ hát văn” ở xã Kim Thái; tiêu biểu như phả hệ các cung văn: Trần Văn Quý, Trần Văn Hỳ, Trần Văn Khắc, Trần Văn Sinh, Trần Văn Tiến, Trần Thị Thái… Tại các lễ hội truyền thống, cùng với những nghi lễ linh thiêng có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian đặc sắc thu hút đông đảo người dân tham gia, góp phần nâng cao đức, trí, thể, mỹ và ý thức, trách nhiệm bảo vệ giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Trải qua thời gian, những truyền thống tốt đẹp trong các gia đình, dòng họ, làng xã ở Vụ Bản vẫn luôn được các thế hệ người dân gìn giữ, kế thừa và phát huy, góp phần tăng cường tinh thần đoàn kết, gắn kết cộng đồng./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com