Phát huy hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở

07:40, 04/08/2023

Nhận thức vai trò, tầm quan trọng của thiết chế văn hóa như: trung tâm/nhà văn hóa (NVH); thư viện; bảo tàng; nhà/phòng truyền thống, lưu niệm, tưởng niệm; bưu điện văn hóa… trong việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân, những năm qua, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường các nguồn lực đầu tư xây dựng và phát huy hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa. Qua đó, tạo điều kiện để phong trào văn hóa, văn nghệ (VHVN), thể dục thể thao (TDTT) ngày càng phát triển, góp phần gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể trong đời sống xã hội.

Tiết mục múa dân gian của đội văn nghệ thôn Cửa Đòng, xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc).
Tiết mục múa dân gian của đội văn nghệ thôn Cửa Đòng, xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc).

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), các huyện, thành phố đã ưu tiên dành quỹ đất, đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa đồng bộ từ cấp xã, phường, thị trấn đến cấp thôn, xóm, tổ dân phố (TDP), tạo không gian vui chơi giải trí tại các khu dân cư phù hợp với quy hoạch và điều kiện từng địa phương. Ngoài các thiết chế văn hóa cấp tỉnh, hiện toàn tỉnh còn có 1 bảo tàng tư nhân, 48 nhà/phòng truyền thống, khu lưu niệm, tưởng niệm; 10 thư viện huyện, thành phố, 4 thư viện tư nhân, hơn 1.300 thư viện, tủ sách cơ sở (trong đó có 226 tủ sách pháp luật, 1 thư viện cấp xã, 198 điểm bưu điện văn hóa xã, hơn 900 tủ sách NVH thôn, xóm, TDP), trên 12.600 tủ sách lớp học. Các ngành Công an, Quân đội, Dệt may đều có nhà truyền thống; 10 Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện, thành phố; cả 226 xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa, NVH, hội trường đa năng; 2.160 thôn, xóm, TDP có NVH, địa điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Hệ thống thiết chế văn hoá các cấp đã phát huy vai trò công năng làm nơi sinh hoạt, hội họp, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến người dân; đồng thời tổ chức các hoạt động VHVN, TDTT của cộng đồng. Thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh hiện có 1.720 câu lạc bộ TDTT cơ sở và cơ sở kinh doanh dịch vụ TDTT; gần 900 tốp, đội văn nghệ quần chúng, hơn 60 câu lạc bộ văn hóa, nghệ thuật, thu hút hơn 3.000 lượt hội viên tham gia; bình quân tổ chức hơn 700 buổi sinh hoạt/năm.

Đồng chí Nguyễn Thị Tâm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL) cho biết: “Thiết chế văn hóa là chỉnh thể văn hóa hội tụ đầy đủ các yếu tố: cơ sở vật chất, trang thiết bị; bộ máy tổ chức, nhân sự; quy chế hoạt động; nguồn kinh phí. Ngành VH, TT và DL tỉnh xác định: Để hệ thống thiết chế văn hóa ngày càng phát huy hiệu quả hoạt động, cùng với việc đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất khang trang, bổ sung các trang thiết bị hiện đại thì cần phải đảm bảo nguồn nhân lực, tài lực để tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của các thiết chế văn hóa. Việc xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở được chỉ đạo thực hiện đồng bộ cùng với việc đẩy mạnh huy động xã hội hoá các hoạt động VHVN, TDTT”. Sở VH, TT và DL đã tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố tập trung khai thác hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa; hướng dẫn các đơn vị, địa phương tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất văn hóa, thể thao; đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng phong  trào VHVN, TDTT gắn với thực tiễn đời sống xã hội và nhu cầu hưởng thụ của người dân theo hướng xây dựng, nhân rộng các mô hình câu lạc bộ văn hóa, nghệ thuật, thể thao tiêu biểu phù hợp với điều kiện sinh hoạt, phong tục tập quán, các nhóm đối tượng, lứa tuổi.

Tại các địa phương, việc xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao các cấp được triển khai thực hiện phù hợp với quy hoạch xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025. Cùng với nguồn xã hội hóa đóng góp từ sức dân, các cấp chính quyền đã quan tâm xây dựng cơ chế, hỗ trợ kinh phí để chỉnh trang, cải tạo, nâng cấp thiết chế văn hóa, thể thao thôn, xóm, TDP; rà soát, bổ sung, lắp đặt các dụng cụ tập luyện TDTT ngoài trời. Tiêu biểu như: huyện Hải Hậu lắp đặt được 431 bộ dụng cụ tập luyện TDTT ngoài trời tại 390/390 xóm, TDP; huyện Giao Thủy lắp đặt được 147 bộ dụng cụ tập luyện TDTT ngoài trời tại 140/195 xóm, TDP; thành phố Nam Định đã lắp đặt hệ thống thiết bị tập luyện TDTT ngoài trời tại 7 địa điểm trong các công viên, vườn hoa như: công viên Vị Xuyên, công viên Prato, vườn hoa Điện Biên, công viên Khu đô thị Dệt may Nam Định, hồ Truyền Thống...

Là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, cách mạng và văn hóa nên Nam Định là một trong các địa phương đi đầu cả nước trong quan tâm xây dựng hệ thống bảo tàng và thu hút người dân sưu tầm, hiến tặng tài liệu, hiện vật quý… Ngành VH, TT và DL tỉnh luôn quan tâm xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, viên chức làm công tác bảo tàng nhằm nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, chính trị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Ngoài các lớp tập huấn, hội thảo về chuyên môn nghiệp vụ do Sở VH, TT và DL, Cục Di sản văn hóa và các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ VH, TT và DL tổ chức; công tác bồi dưỡng, đào tạo tại chỗ cho cán bộ làm công tác bảo tàng ở các địa phương cũng được chú trọng, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên bảo tàng, nhà/phòng lưu niệm, phòng truyền thống, tưởng niệm. Đối với thiết chế văn hóa thư viện, hệ thống thư viện các cấp đã làm tốt công tác phục vụ bạn đọc tại chỗ, bổ sung đa dạng nguồn tài liệu, ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu độc giả, nhất là học sinh, sinh viên. Mỗi năm, Thư viện tỉnh tổ chức hàng chục chuyến xe ô tô thư viện lưu động đa phương tiện phục vụ bạn đọc tại các cơ quan, đơn vị, trường học, địa phương trong tỉnh. Mạng lưới thư viện, phòng đọc, tủ sách cơ sở, bưu điện văn hóa xã cũng được quan tâm đầu tư theo Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Hàng năm, thư viện cấp huyện, thành phố phục vụ trung bình 50 nghìn lượt bạn đọc, luân chuyển 150 nghìn lượt sách báo.

Để hệ thống thiết chế văn hóa ngày càng phát huy hiệu quả hoạt động, thời gian tới, ngành VH, TT và DL tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của việc phát triển thiết chế văn hóa trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Các cấp, các ngành tăng cường chỉ đạo nâng cao chất lượng các hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa gắn với triển khai hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025. Quan tâm xây dựng, thực hiện cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội trong xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đồng bộ, hiện đại; đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động VHVN, TDTT. Hướng dẫn đổi mới nội dung, phương thức tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao phù hợp điều kiện thực tế địa phương; bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ văn hóa, thể thao, cộng tác viên cơ sở. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc xây dựng, khai thác, sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao, đặc biệt ở cấp cơ sở; tạo điều kiện để người dân tham gia sáng tạo, hưởng thụ văn hóa, bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp, góp phần xây dựng môi trường văn hóa an toàn, lành mạnh./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com