Tôi sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Tân Thịnh, một vùng chiêm trũng đồng trắng, nước trong thuộc huyện Nam Trực. Không có nghề phụ nên để làm ra hạt lúa, củ khoai, người dân quê tôi quanh năm lam lũ, chịu khó gắn bó với ruộng đồng. Giống như bao người dân trong làng, không kể ngày nắng, ngày mưa, bố mẹ tôi cặm cụi lật từng tảng đất, nhổ từng bụi gai, từng cây cỏ dại để chắt chiu, cấy cày, gieo hạt... Trời không phụ lòng người, đồng đất quê tôi tuy nhiều bất lợi nhưng nhờ bàn tay con người biết xoay vần với mưu sinh nên cây trái bốn mùa vẫn quanh năm xanh tốt, cho hoa thơm, quả ngọt... Nhưng, có lẽ hợp với đồng đất quê tôi nhất vẫn là trồng lúa nên giống lúa nào cũng trĩu hạt, nặng bông. Lúa tám, lúa dự, nếp cái hoa vàng... thổi lên, nghe thơm như hương hoa mộc thoảng qua, vị cơm đậm đà, sắc trắng tựa bông, luôn được khách hàng gần xa tìm đến. Gia đình tôi chỉ dùng thóc tẻ để ăn, hoặc bán lấy tiền trang trải việc ăn học. Còn thóc tám, thóc dự... phơi khô xong, mẹ tôi đổ vào cái chum sành to hay cót thóc ủ kỹ để giữ hương thơm. Chỉ có ngày tết, mẹ mới đem phơi lại và xay, giã...
Tần tảo từ sáng sớm đến tối mịt, mẹ không lúc nào ngơi nghỉ. Đêm về, khi cả nhà đã ngủ say, khi chỉ còn con cò, con vạc lặn lội kiếm ăn ngoài đồng, mẹ lại cặm cụi một mình xay liền mấy cối thóc, rồi sàng, rồi sẩy, rồi nia, mẹt... Gạo tám, gạo dự... thường làm rất lâu vì hạt nhỏ, dài, lại dành làm cơm dâng cúng tổ tiên trong ngày tết nên phải nhặt nhạnh cẩn thận, tỉ mỉ.
Ở quê tôi ngày trước hầu như nhà nào cũng có cối xay thóc, còn cối giã gạo chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhà tôi may mắn có một chiếc cối giã gạo ông bà nội để lại. Chiếc cối được đặt mé ngoài gian vách. Nó dài khoảng hơn hai mét, thân thẳng làm bằng cây sắn thuyền (loại cây dùng vỏ giã nhuyễn để trát vào thuyền nan cho nước khỏi rò rỉ). Phần gốc cây già, nặng được đặt ở đầu cối. Phía dưới dùng chân đạp nhẹ hơn. Bố dùng dao vạch ngang lên cần cối để khỏi bị trơn khi giã. Khoảng gần giữa thân cối có một cái cổ ngỗng. Hai tai cối được gọt đẽo vuông vắn đè lên một khối đá hình trụ. Lâu ngày, tai cối mòn, mẹ lại phải lấy giẻ độn vào tai cối cho thân cối khỏi bị lệch. Cái cối nhà tôi không biết tự bao giờ mà nó tròn trịa đến thế. Ông nội nhờ người thợ khéo tay đục đẽo bao năm rồi mà vân đá xanh vẫn còn nguyên vẹn. Lòng cối mịn, thành cối hơi nghiêng vào trong để khi giã gạo không bị bắn ra ngoài. Mỗi khi nhịp chày nện xuống “thình thịch”, những hạt cám li ti bám trên thành cối. Gạo trong cối xoay tròn, chuyển động và bóc dần vảy trấu, vảy cám...
Cứ đến 25 tết trở đi, cái cối giã gạo nhà tôi lại trở nên bận rộn. Nó làm việc không biết mệt mỏi, cả ban ngày lẫn ban tối, có khi còn đến nửa đêm gà gáy bởi ban ngày, mọi người bận đi làm đồng, chỉ sáng sớm và ban trưa mới tranh thủ giã gạo. Gạo tám, gạo dự... giã rất lâu, thời gian gấp đôi cối gạo thường. Mỏ cối đã được gắn thêm một miếng kim loại bằng sắt nhằm tạo ma sát. Có lần, tôi và bố giã gạo, tôi cứ đánh đu lên hai cái dây chằng ở cuối cối mà đếm. Một, hai... rồi ba mươi, ba nhăm... Mỏi chân quá, tôi xin bố ra ngoài “giải lao”. Nhịp chày vẫn đều đều, thình thịch. Lưng áo bố đẫm mồ hôi. Ngoài kia, tiết trời vẫn lành lạnh...
Vui nhất là lúc có vài ba người hàng xóm đội gạo sang nhà tôi giã nhờ, hẹn giã trước, giã sau. Có người còn vào đỡ bố tôi “một chân”. Nhịp chày như nhanh hơn, mạnh hơn. Tiếng cười nói rôm rả, chuyện mùa màng, gặt hái, chuyện tất niên, sắm sửa... quanh chiếc cối giã gạo. Khi bố dừng chân, tôi “oà” lên một tiếng và nhanh nhảu lấy cái chống cối và hót gạo ra thúng. Cầm trên tay, hạt gạo trắng ngần, thơm mùi cám mới, tôi xuýt xoa tưởng tượng ra bữa cơm gạo tám thơm nức mũi. Mở nồi cơm ra, một mùi thơm ngào ngạt từ đầu len cuối xóm báo hiệu sự no ấm, đủ đầy lan toả trong không khí rộn ràng đón tết.
Chúng tôi lớn lên và trưởng thành đều nhờ vào những hạt gạo trắng, dẻo thơm của đồng đất quê nhà. Hạt gạo làm ra bởi bàn tay lam lũ, khó nhọc của bao người dân quê tôi. Họ chắt chiu từng hạt giống quý từ đời nọ sang đời kia như đất trời chắt lọc những gì tinh tuý nhất cho con người. Rồi ra hạt thóc làng tôi, giống thóc quý được nhân ra trên bao cánh đồng quê khác.
Thời gian qua đi, hình ảnh chiếc cối xay, cối giã đã bị lãng quên cùng giần, sàng, nia, mẹt... Chiếc cối giã gạo đã bị bỏ quên ngoài cầu ao cùng với một miếng đá vỡ toác. Nào ai còn nghe tiếng “thình thịch” cả đêm. Cái đèn chai cứ lắc lư bên hiên nhà toả ra ánh sáng nhỏ nhoi đủ soi rõ khuôn mặt người bên cối giã gạo. Bức tranh đó chỉ còn trong hoài niệm./.
Lưu Thị Hoà
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin