Tháng 7 những bụi muồng muồng nở trắng, thơm nức, nhắc tôi nhớ lời hứa về thăm mẹ. Trong điện thoại tôi nói với mẹ, thu xếp được công việc, việc nhà là con về với mẹ mấy ngày. Ấy thế mà, tôi cứ lần lữa hết đợt hoa muồng này đến đợt hoa khác nở. Cho đến ngày, cũng trong điện thoại, tôi nghe giọng mẹ yếu ớt, khác hẳn ngày thường. Tôi chỉ kịp gọi đặt xe và… lên đường.
Cây cối xanh mướt, đồi núi trập trùng như đang tãi ra trước mắt tôi. Từ rừng già còn “thổi” lại một thứ mùi rất đặc trưng, nặng nặng của lá mục ẩm lâu ngày nhưng cũng rất tinh sạch. Ngồi trong xe, mở nhẹ chút cửa kính, gió ào ào hất ngược mảng tóc trước mặt, tôi mở căng lồng ngực hít hà thật lâu cái không khí loãng và sạch, man mát nhung nhớ bấy lâu. Trong xe, sau hành trình dài di chuyển đã có người tỉnh ngủ nói chuyện xôn xao. Người hỏi han nhau, bác về huyện, xã nào, chỗ nào trong thành phố, về bao lâu thì đi? Về chơi hay là có việc? Khi đi phải mua mấy thứ “đặc sản” quê ăn cho bõ thèm… Những câu chuyện vặt vãnh kéo dài liên miên bằng đúng thổ ngữ quê hương càng khiến lòng tôi xốn xang, có chút xấu hổ. Cũng chỉ mất khoảng một ngày đi xe mà có bận phải đến gần 1 năm tôi mới về thăm nhà, thăm mẹ. Nhớ quê, nhớ mẹ nhưng tôi chỉ than vãn với bản thân, chẳng mấy khi dám dứt ra để về nhà.
Qua con dốc dài hai bên hoa sim tím, hoa cúc dại mọc dầy là đến nhà tôi. Con dốc này, tôi đã từng thuộc khắp các bờ cây bụi cỏ. Cũng chính trên con dốc này, trong lần tập xe đầu tiên, tôi đã bị ngã vẫn còn vết sẹo dài chạy ngang mắt cá chân. Sau bận ấy, mẹ sợ hãi cấm tôi đụng đến xe trong 1 tuần. Mới được 3 ngày, anh em tôi lén mẹ mang xe ra tập, cha bắt được cười hiền, giữ sau xe đẩy tôi lên xuống dốc. Cha thả tay, tôi phăng phăng đạp, vừa đạp vừa cười sằng sặc, trên đầu hương hoa, cây rừng quấn quýt.
Ngõ nhà mẹ đây rồi, vẫn là 2 cánh cửa tre quen thuộc, gió mưa “mài” bóng từng thanh nan. Cả làng hình như cũng chỉ còn một vài nhà giữ cánh cửa cổng kiểu này. Cứ vài năm, khi cửa có dấu hiệu mối mọt, cha lại tháo xuống, vớt những cây tre già ngâm lâu năm dưới ao, đóng cánh cổng mới. Thấy cha lách cách, tôi nhiều lần gợi ý, hay cha thay cánh cổng tre bằng cửa sắt nhưng ông không đồng ý. Cha bảo, chẳng phải các con cũng quen mắt với cánh cửa tre này bao năm ư? Tôi ngậm ngùi thừa nhận trong lòng, đúng là mỗi lần về trước ngõ, nhìn thấy cổng nhà, tự nhiên mệt mỏi mấy cũng tiêu tan. Chỉ cần tôi mở cửa, mọi bão dông sẽ dừng lại ngoài cánh cổng. Trong nhà, dưới ánh điện vàng đục, ấm áp, những bóng người già, trẻ, trai, gái bận rộn đi lại. Từ sáng cả nhà đã liên tục gọi hỏi tôi đã lên xe về chưa? Đi đến đâu rồi? Hình như mẹ tôi đang lễ mễ bê gì đó đặt ra giữa chiếu? Sao trong điện thoại, giọng mẹ nghe vẫn còn mệt mà giờ đã phăng phăng đi lại? Thoáng thấy tôi, những người trong nhà vội vã ào ra sân. Rồi những vòng tay, tiếng cười quấn quýt, tôi lâng lâng trong cảm giác yêu thương, hạnh phúc. Mẹ rổn rang, con gái về, tự nhiên tôi khoẻ cả người, phấn khởi… quên cả ốm. Nghe mẹ, lòng tôi vừa rưng rưng vừa chua xót. Đường về quê mẹ thương nhớ nhiều như thế mà sao có những lúc tôi cứ lấy cớ lần lữa mãi./.
Nguyễn Hoa Xuân
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin