Lưu giữ, phát huy giá trị văn hóa làng nghề truyền thống
.

Lưu giữ, phát huy giá trị văn hóa làng nghề truyền thống

22:13, 04/07/2023

 

Nằm ở trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng, Nam Định vốn được mệnh danh là “đất trăm nghề”, trong đó có hàng chục ngành nghề thủ công truyền thống có lịch sử hàng trăm năm, mang đậm “hơi thở” quê hương gắn với đời sống cộng đồng dân cư. Trải qua nhiều thăng trầm, biến chuyển, nhưng nét đẹp không gian văn hóa trong các làng nghề truyền thống vẫn được các thế hệ người dân gìn giữ, phát huy trong đời sống hôm nay.

Nghệ nhân giới thiệu sản phẩm làng nghề chế tác rối nước thôn Rạch, xã Hồng Quang (Nam Trực)
Nghệ nhân giới thiệu sản phẩm làng nghề chế tác rối nước thôn Rạch, xã Hồng Quang (Nam Trực).

Hiện toàn tỉnh có hơn 140 làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN), trong đó có 80 làng nghề được UBND tỉnh công nhận, tập trung nhiều ở các huyện: Hải Hậu, Ý Yên, Nam Trực, Trực Ninh… Các làng nghề truyền thống hội tụ đầy đủ các giá trị văn hóa vật thể (sản phẩm làng nghề, công trình kiến trúc di tích thờ tổ nghề) và phi vật thể (kỹ năng, kỹ xảo nghề, lễ hội làng nghề, sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng dân gian, không gian văn hóa làng).

Người dân thôn Phượng, xã Nam Dương (Nam Trực) phơi miến, bánh đa.
Người dân thôn Phượng, xã Nam Dương (Nam Trực) phơi miến, bánh đa.

Hải Hậu có hơn 40 làng nghề mộc mỹ nghệ, cây cảnh, làm muối, làm kèn đồng tập trung ở cả 34 xã, thị trấn… Nghề mộc ở Hải Hậu nức tiếng xa gần, được hình thành từ thời kỳ mở đất. Từ xa xưa, người thợ mộc Quần Anh đã chế tạo ra những khung cửi dệt vải, xà quay tơ, bàn ươm tơ cho người thợ kéo sợi để dệt ra những tấm lụa đẹp. Cùng với những sáng tạo ra công cụ sản xuất cho ngành dệt, các nghệ nhân còn tạo tác những công trình kiến trúc độc đáo, bề thế; nổi bật là quần thể kiến trúc di tích lịch sử - văn hóa Cầu Ngói - Chùa Lương với ngôi chùa trăm gian cổ kính, nhiều hạng mục bằng gỗ chạm trổ tinh xảo và cây cầu gỗ cong có mái lợp ngói bắc qua sông Hoành. Các sản phẩm đồ gỗ thủ công mỹ nghệ chế tác ở Hải Hậu được người tiêu dùng khắp nơi biết tiếng và ưa chuộng từ các sản phẩm thông dụng: giường, tủ, bàn, ghế đến các sản phẩm mỹ thuật có giá trị: tranh, tượng, tủ chè, sập, gụ, tràng kỉ, đồ thờ cúng… đều được đánh giá mang tính thẩm mỹ cao. Các sản phẩm thủ công trong các làng nghề truyền thống ở Hải Hậu thường xuyên được quảng bá, giới thiệu tại các chợ quê như: chợ Đông Biên, xã Hải Bắc; chợ Quán, xã Hải Hà; chợ Cồn, thị trấn Cồn; chợ Thượng Trại, xã Hải Phú; chợ Đền, xã Hải Anh; chợ Cầu Đôi, xã Hải Hưng…

Một cơ sở sản xuất cốc thủy tinh tại làng nghề thổi thủy tinh thôn Xối Trì, xã Nam Thanh (Nam Trực)
Một cơ sở sản xuất cốc thủy tinh tại làng nghề thổi thủy tinh thôn Xối Trì, xã Nam Thanh (Nam Trực).

Huyện Ý Yên cũng có nhiều làng nghề truyền thống tuổi đời hàng trăm năm; tiêu biểu như: sơn mài Cát Đằng, xã Yên Tiến; chạm khắc gỗ La Xuyên, Ninh Xá, xã Yên Ninh; đúc đồng Tống Xá, thị trấn Lâm… Các sản phẩm làng nghề có sự kết tinh, giao thoa khéo léo giữa phong cách nghệ thuật truyền thống và xu hướng thẩm mỹ hiện đại; mang dấu ấn, bản sắc văn hóa riêng biệt của từng địa phương và trở thành một phần của hệ thống di sản văn hoá phi vật thể được lưu truyền, kế thừa qua nhiều thế hệ nghệ nhân. Những năm qua, người dân làng Cát Đằng, xã Yên Tiến tự hào khi nghề sơn mài của làng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tồn tại và phát triển qua 7 thế kỷ, các hộ dân, cơ sở sản xuất tại làng nghề sơn mài Cát Đằng ngày nay vẫn gìn giữ, kế thừa được tinh hoa văn hóa nghề truyền thống qua từng sản phẩm, đó là sự tinh xảo, nhẹ nhàng, thanh thoát, mang đậm phong cách Á đông. Sản phẩm làng nghề sơn mài Cát Đằng ngày nay khá đa dạng, phong phú, từ những bức tranh nghệ thuật đến các sản phẩm sử dụng, trang trí như: bình, lọ, đĩa, vòng tay, hộp… được chế tác qua nhiều phương pháp: sơn mài sơn lộng, sơn mài vẽ mỏng, sơn mài khoét trũng, sơn mài đắp nổi, sơn mài cẩn vỏ trứng, sơn mài cẩn xà cừ, cẩn ốc… kết hợp trên nhiều chất liệu xương khác nhau như: gỗ, gốm, tre, nứa chắp… Nét đẹp văn hóa làng nghề sơn mài Cát Đằng còn biểu hiện ở sự gắn bó giữa các lễ hội tôn sùng tổ nghề và các lễ tiết trong năm. Một năm làng có 4 lễ hội: ngày 15 tháng Giêng (Tết Nguyên tiêu), mùng 1-3 âm lịch, ngày 16-8 âm lịch và ngày 16-10 âm lịch (ngày kị tổ nghề). Trong lễ hội có các nghi thức: rước kiệu, tế tổ và các nghi lễ như: rước lửa, rước nước, rước thỉnh kinh, thả đèn trời, múa lân - sư - rồng.

Sản phẩm cây cảnh nghệ thuật của làng nghề hoa, cây cảnh Vị Khê, xã Điền Xá (Nam Trực)
Sản phẩm cây cảnh nghệ thuật của làng nghề hoa, cây cảnh Vị Khê, xã Điền Xá (Nam Trực).

Ở huyện Nam Trực cũng nổi tiếng có một số ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và làng nghề truyền thống. Trong đó, trước tiên phải nhắc đến làng nghề rèn Vân Chàng, thị trấn Nam Giang có từ cách đây hơn 700 năm do 6 vị tổ sư tương truyền ở Núi Tiên, thuộc Quần thể văn hóa Tiên Sơn (nay là phường Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) đến truyền nghề rèn cho 15 cụ tổ các dòng họ: Đoàn, Trần, Vũ, Đỗ, Ngô... của làng. Ngoài nghề rèn, huyện Nam Trực còn gìn giữ được khoảng 20 nghề thủ công truyền thống; trong đó có 12 làng nghề được UBND tỉnh công nhận. Tiêu biểu như: thôn Báo Đáp, thôn Rạch, xã Hồng Quang được nhiều người biết đến với nghề làm đèn ông sao, hoa giấy, chế tác và biểu diễn rối nước; xóm Rục Kiều, thôn Cổ Gia, xã Nam Hùng có nghề làm nón lá; thôn Liên Tỉnh, xã Nam Hồng có nghề dệt vải; thôn Đồng Quỹ, xã Nam Tiến có nghề đúc đồng; thôn Thượng Nông, xã Bình Minh có nghề làm kẹo lạc; thôn Vị Khê, xã Điền Xá nổi tiếng với nghề trồng hoa, cây cảnh; làng Phượng, xã Nam Dương có nghề làm miến, bánh đa… Nhiều năm qua, văn hoá làng nghề ở Nam Trực không chỉ thể hiện qua lối sống, đạo đức nghề, quy định khắt khe trong việc truyền nghề, đào tạo nghề mà còn gắn với văn hóa giao lưu, buôn bán các sản phẩm làng nghề. Nhằm phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống trong các làng nghề, nhiều năm qua, huyện Nam Trực đã tập trung huy động mọi nguồn lực để khai thác, bảo tồn giá trị các di sản để hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng vùng miền. Các làng nghề truyền thống đã đề cao vai trò của cộng đồng dân cư, xác định người dân là đối tượng cần được đào tạo, là nguồn nhân lực cho phát triển bền vững thông qua việc hướng dẫn, tuyên truyền giá trị của di sản, đào tạo người có tay nghề, có kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn… Từ đó, xây dựng quy tắc làm nghề, hương ước xóm làng. Các di tích thờ tổ nghề đã được quy hoạch thành trọng điểm du lịch trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của huyện. Ngoài việc tuyên truyền quảng bá cho các sản phẩm du lịch văn hóa, huyện còn làm tốt công tác kiểm kê các di sản văn hóa, lập hồ sơ đề nghị các cấp xếp hạng, ghi danh di tích, di sản để đưa vào quản lý phù hợp; định hướng khai thác để phát triển trở thành các khu, điểm du lịch của các địa phương có làng nghề.

Nghề làm đèn ông sao thôn Báo Đáp, xã Hồng Quang (Nam Trực).
Nghề làm đèn ông sao thôn Báo Đáp, xã Hồng Quang (Nam Trực).

  Ở huyện Trực Ninh, trong quá trình xây dựng văn hoá nông thôn mới, huyện xác định: Để lưu giữ “hồn quê” trong quá trình đô thị hoá nông thôn, các địa phương phải bảo tồn được các thiết chế văn hoá cổ, phát huy những giá trị truyền thống mang bản sắc văn hoá địa phương như: cổng làng, chợ quê; tinh hoa làng nghề truyền thống; giá trị lịch sử, nghệ thuật kiến trúc di tích; hội làng; các loại hình nghệ thuật dân gian... Cùng với sản xuất nông nghiệp, một số làng nghề truyền thống vẫn được các thế hệ người dân kế thừa và phát triển; tiêu biểu như: nghề ươm tơ, dệt vải làng Dịch Diệp, xã Trực Chính và các làng: Cự Trữ, Cổ Chất, Nhị Nương, xã Phương Định; nghề mây tre đan, gỗ mỹ nghệ, xã Trung Đông… Các làng nghề không chỉ tạo việc làm cho người lao động mà còn góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Huyện Xuân Trường hiện có 7 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận, gồm các làng nghề: thêu Phú Nhai, điêu khắc và chế biến gỗ Trà Đông, xã Xuân Phương; dệt chiếu, trồng cây cảnh Xuân Dục, xã Xuân Ninh; cơ khí, chế biến lương thực thực phẩm, chế biến lâm sản, xã Xuân Tiến. Các địa phương có làng nghề đều đưa nội dung về bảo vệ văn hóa làng nghề vào hương ước, quy ước và thường xuyên được bổ sung, sửa đổi phù hợp với từng giai đoạn, có sự đồng thuận, cam kết thực hiện từ nhân dân. Huyện Nghĩa Hưng hiện còn lưu giữ được các làng nghề thủ công, tập trung ở 4 nhóm nghề: đan lát thủ công các sản phẩm từ mây, tre; sản xuất các sản phẩm từ cói; làm đồ chơi dân gian; chế biến thực phẩm. Tiêu biểu là các làng nghề làm nón lá Đào Khê Thượng, Đào Khê Hạ, xã Nghĩa Châu, làng nghề đan cói xuất khẩu Đồng Nam, xã Nghĩa Lợi. Khi ghé thăm các làng nghề thủ công nơi đây, những hình ảnh từng nhóm người quây quần trong nhà, ngoài sân, ngoài ngõ cùng nhau làm nghề với tiếng cười nói rôm rả; người dân cư xử với nhau vui vẻ, hòa thuận cho thấy những giá trị chiều sâu của văn hóa làng nghề là sự đoàn kết, gắn bó cộng đồng. Chính nghề thủ công đã kéo dân làng xích lại gần nhau hơn, tình làng, nghĩa xóm ngày càng bền chặt, hình thành những giá trị, chuẩn mực nếp sống văn hoá trong cộng đồng, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong thời kỳ phát triển và hội nhập thế giới.

Nghề đan lát ở xã Trung Đông (Trực Ninh)DT2
Nghề làm nón xã Nghĩa Châu (Nghĩa Hưng) DT1
1. Nghề đan lát ở xã Trung Đông (Trực Ninh).
2. Nghề làm nón xã Nghĩa Châu (Nghĩa Hưng).

Ngày nay, giá trị văn hóa làng nghề ở tỉnh ta vẫn luôn giữ vị trí quan trọng trong tâm thức và cuộc sống của người dân, được các thế hệ người dân gìn giữ, trao truyền qua từng thế hệ. Giá trị văn hóa ấy sẽ còn mãi với thời gian cùng sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội hôm nay./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng

 

 

 

 

 

 

 

 

 



Xem thêm bình luận