Cùng với cây phong ba, bàng vuông là loại cây trụ vững được trước nắng gió và bão tố trên quần đảo Trường Sa. Nó còn có những tên gọi khác là “Bàng bí”, “Chiếc bàng” hay “cây thuốc cá”, thuộc loài thực vật rừng ngập mặn ven biển nhiệt đới và rất hiếm có ở Việt Nam. Không rõ bàng vuông được trồng trên các đảo nổi ở Trường Sa từ khi nào, những cây bàng vuông bén rễ, cắm sâu vào đá san hô, hiên ngang trổ cành, đơm hoa, kết trái đã trở thành biểu tượng cho sức sống mãnh liệt của người lính Hải quân nơi đây. Nó cứ lặng thầm, hiền dịu, chắt chiu tinh tuý của đá san hô; vươn mình giữa cái mặn mòi của biển, của những cơn gió đại dương tới cấp 14-16 và cái nắng hầm hập suốt từ 5 giờ đến tận 18 giờ, toả bóng mát, xua đi cái khốc liệt giữa trùng khơi.
Bàng vuông là loại thân gỗ, có chiều cao từ 7 đến 25m. Những chiếc lá cây hình trứng ngỗng ngược dài khoảng 20 đến 40cm, bề ngang khá to có khi tới cả gang tay; như muốn hứng trọn cả không khí vừa trong lành vừa đậm hương vị của đại dương mênh mông… Nhưng thi vị và gợi cảm nhất là hoa bàng vuông. Cánh lính Trường Sa vẫn ví von đây là nữ hoàng của các loài hoa trên đảo. Hoa bàng vuông màu trắng, mọc thành chùm, mỗi hoa có đường kính khoảng 5cm, chiều cao bông hoa cỡ hơn nửa gang tay. Ban ngày, nó chỉ là những nụ trắng muốt, trên đỉnh nụ có màu phơn phớt hồng, chúm chím e ấp như má nàng thiếu nữ đến tuổi dậy thì. Giống như loài hoa quỳnh chỉ nở vào ban đêm, đúng vào thời khắc giữa ngày cũ và ngày mới, nụ hoa bàng vuông bung ra khoe sắc giữa biển trời với hàng trăm cánh nhuỵ dài hơn cả gang tay tạo ra đủ sắc màu vô cùng quyến rũ; đồng thời toả ra một mùi thơm thoang thoảng. Lính đảo vốn khát khao được yêu và yêu hết mình, nên tâm hồn khá lãng mạn. Cứ thao thức chờ hoa nở để thưởng thức vẻ đẹp kiêu sa của nó - một vẻ đẹp lung linh thánh thiện đến không ngờ. Và, khi những bông hoa nở, phun trào những chiếc nhuỵ lóng lánh, cảm xúc của lính trẻ bỗng bay bổng, bật lên lời thơ thật da diết: “Trước mênh mông sóng biển Trường Sa/Em lặng thầm bám vào cộc cằn sỏi đá/ Em nở hoa ngay trong mùa giông bão/Những nụ hoa đang chúm chím môi cười/Như nàng thiếu nữ tuổi đôi mươi/Cho anh khát khao tình yêu trong sáng/Cho anh được thoả lòng mong ngóng/Bao niềm thương Đất Mẹ gửi theo tàu/Bàng vuông ơi, chúng mình mãi cùng nhau/Giữ đảo, giữ nhà, giữ biển trời bất tận”. Đặc biệt hơn, khi hoa nở chính là lúc tết đến, xuân về; khiến cho năm mới tràn đầy sức sống, niềm tin và hy vọng, đồng thời gợi bao nhung nhớ với đất liền mến yêu của tất cả những người chiến sĩ nơi đây. Cũng có năm, hoa bàng vuông nở kéo dài đến tận mùa hè, như muốn góp phần làm dịu đi cái oi nồng của thời tiết giữa mênh mang sóng nước.
Kỳ lạ nhất là quả, quả bàng vuông khá to, nặng ước chừng 0,5kg; đường kính mỗi quả đến nửa gang tay người lớn và có hình như chiếc đèn lồng có 4 hoặc 5 cạnh vuông. Quả to, nhưng rất cứng dù đã chín và không thể ăn được; chỉ dùng để cho khách lạ chiêm ngưỡng và để gieo trồng thành cây. Cũng có khi muốn bắt cá, lính đảo chỉ cần đập vỏ lấy hạt bàng rồi giã nhỏ rắc xuống biển, một lúc sau cá say lừ đừ nổi lên, lúc đó tha hồ mà tóm gọn…
Quả bàng vuông khi chín rụng xuống biển, có thể lênh đênh dập dềnh theo sóng chừng 24 tháng, khi đến được vùng đất mới, nó sẽ nảy mầm và bén rễ rồi tiếp tục phát triển thành cây. Có lẽ, thừa hưởng sức sống mãnh liệt từ hạt giống, nên cây bàng vuông ngay từ lúc nhỏ đã kiêu hãnh đối mặt cùng giông tố, bão bùng và bầu không gian mặn mòi của biển cả.
Do lá bàng vuông khá to, nên trước đây những người lính đảo thường dùng thay cho lá dong để gói bánh chưng mỗi khi tết đến. Bánh gói bằng lá bàng vuông, khi luộc chín lá có màu hơi nâu đỏ, khá hấp dẫn, miếng bánh có vị thơm của gạo nếp, vị hơi nồng của lá bàng hòa quyện vào nhau tạo nên hương vị rất riêng của Tết ở một vùng đầy bão tố.
Giờ đây, bàng vuông được nhân giống và trồng ở nhiều nơi trong đất liền, nhất là Đà Nẵng, Khánh Hoà hay Thành phố Hồ Chí Minh… Những cây bàng vuông ở nơi nào cũng hiên ngang, vươn mình trong gió, lá xanh xào xạc như nhắc nhớ mọi người về tình yêu với Trường Sa, với những người lính Hải quân đang ngày đêm bảo vệ đảo, bảo vệ vùng lãnh hải và bảo vệ vững chắc chủ quyền của đất nước./.
Bài và ảnh: Nguyễn Vĩnh Nguyên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin