Giữ gìn nét văn hóa ngày Xuân ở từ đường các dòng họ

07:57, 26/01/2023

Nằm trong cộng đồng làng xã cổ xưa của vùng Nam đồng bằng sông Hồng, các làng xã trong tỉnh còn duy trì tập tục thờ cúng tổ tiên, nhất là các tập tục ở từ đường dòng họ ngày Tết. Đây là tín ngưỡng dân gian, thể hiện bản sắc văn hóa tốt đẹp dân tộc, giữ đạo lý uống nước, nhớ nguồn, nhắc nhở con cháu luôn ghi nhớ công đức của các bậc tiền nhân; phát huy truyền thống của cha ông, nguyện ra sức học tập, lao động, công tác, xây dựng gia đình, dòng họ, quê hương, đất nước giàu mạnh.

Khu thờ tự Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khuôn viên từ đường dòng họ Đỗ Đình, xã Điền Xá (Nam Trực).
Khu thờ tự Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khuôn viên từ đường dòng họ Đỗ Đình, xã Điền Xá (Nam Trực).

Đồ sộ từ đường

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 3.400 từ đường chính phái hoặc các chi, nhánh, ngành…; trong đó có 66 từ đường gốc; 75 từ đường dòng họ được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, cấp tỉnh. Nhiều họ có nhà thờ đại tông, lại có nhà thờ từng chi. Đặc biệt, trải qua thời gian, thiên tai, chiến tranh tàn phá nhưng một số từ đường dòng họ vẫn còn nguyên vẹn, có giá trị kiến trúc, văn hóa, nghệ thuật, lưu giữ nhiều đồ thờ tự có giá trị. 

Tiêu biểu là Đền thờ Trạng nguyên Lương Thế Vinh, thôn Cao Phương, xã Liên Bảo (Vụ Bản) được xây dựng vào thời hậu Lê. Mặc dù trải qua nhiều lần tu sửa, xong vẫn mang phong cách kiến trúc cổ truyền, các đồ thờ tự và tế khí vẫn còn gần như nguyên vẹn. Đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền, thôn Dương A, xã Nam Thắng (Nam Trực) còn lưu giữ được bài vị, sắc phong, câu đối, đại tự ca ngợi tài đức của vị Trạng nguyên tuổi nhỏ, tài cao; đặc biệt cuốn ngọc phả nói về sự tích của Ông được bảo tồn nguyên vẹn, là báu vật quý của dòng họ và nhân dân trong làng. Ngoài ra, nhiều từ đường dòng họ trong tỉnh còn là cơ sở cách mạng tin cậy, là kho chứa lương thực, thực phẩm, vũ khí của địa phương phục vụ tiền tuyến trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Năm, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Các từ đường dòng họ trên địa bàn tỉnh phụng thờ 5 đối tượng chính gồm: Ông tổ là những nhà khoa bảng (trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa, tiến sĩ, cử nhân); ông tổ có công với đất nước, với các triều đình phong kiến; ông tổ có công khai khẩn đất hoang mở làng lập xóm; ông tổ là tổ sư một ngành nghề thủ công truyền thống. Do đặc điểm địa lý tự nhiên, từ đường các huyện phía nam tỉnh chủ yếu thờ những ông tổ có công khai phá, lấn biển, lập làng; từ đường các huyện phía bắc tỉnh thì chủ yếu thờ những ông tổ có công dựng nước, giữ nước; đối với ông tổ là nhà khoa bảng thì vùng đất nào cũng có và được lập ở những làng có truyền thống hiếu học. Đặc biệt, trong quá trình tiếp biến văn hóa, tín ngưỡng, nhiều từ đường dòng họ còn xây thêm khu thờ tự Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khuôn viên để giáo dục con cháu trong họ thành kính tưởng nhớ, tri ân công đức của Bác đối với quê hương, đất nước.

Độc đáo nghi lễ ngày Tết ở từ đường dòng họ

Nghi thức khởi đầu ngày Tết tại từ đường dòng họ phải kể đến ngày Chạp tổ. Đây là dịp để con cháu trong dòng họ quây quần đoàn tụ, thắp nén tâm nhang thành kính để tri ân và báo công với cội nguồn tiên tổ. Ở làng Gạo, xã Thành Lợi (Vụ Bản) vẫn truyền tụng câu ca “Dù ai đi đâu về đâu/ Nhớ ngày Chạp tổ rủ nhau cùng về ”... Đồng chí Nguyễn Xuân Cao, Trưởng Phòng Nghiên cứu - Sưu tầm thuộc Bảo tàng tỉnh cho biết: Đền Đông làng Gạo thờ 18 cụ tổ đã có công lập làng. Lễ Chạp tổ ở làng Gạo bắt đầu diễn ra từ ngày mồng 8 đến ngày 25 tháng Chạp. Trong ngày Chạp tổ, con cháu dâng lễ vật hương hoa tinh khiết, làm lễ tế cáo tổ tiên. Ông trưởng họ hoặc trưởng lão kể lại nguồn gốc của tổ tiên, nhắc nhở con cháu về các quy ước trong dòng họ, các cháu mới sinh được gia đình làm lễ vào họ. Đặc biệt trong ngày Chạp tổ, mỗi dòng họ lựa chọn người thay mặt họ mở cửa (xông) nhà thờ họ đêm giao thừa đón năm mới.

Khuôn viên từ đường chi 6, dòng họ Lại, xóm 8, xã Bình Hòa (Giao Thủy).
Khuôn viên từ đường chi 6, dòng họ Lại, xóm 8, xã Bình Hòa (Giao Thủy).

Sau ngày Chạp tổ, tưng bừng, rộn rã nhất vẫn là các hoạt động trong ngày 30 Tết. Ngay từ sáng sớm ở khắp các từ đường dòng họ trong tỉnh, gia đình đảm nhận việc phụng thờ từ đường đều chuẩn bị lễ vật cúng tổ. Lễ vật bao gồm: Mâm ngũ quả, gà lễ, xôi, chè, rượu, cây vàng, cây bạc... Các cụ cao niên trong họ nho nhã trong trang phục áo the, khăn xếp tập trung tại từ đường hô hào trai đinh lớn nhỏ kéo cờ Tổ quốc, cờ hội; truyền dạy cách vung dùi đánh nhịp trống, chiêng, các nghi thức tế tổ; cách bày biện hương án và chờ đón tiếp con cháu xa gần đến dâng lễ vật cúng tế. Thời khắc giao thừa, trưởng họ (hoặc người đại diện dòng họ) trang phục chỉnh tề, kính cẩn nghiêng mình trước hương án với lời chúc dâng lên tổ tiên với ước nguyện một năm mới con cháu trong họ khỏe mạnh, nhà nhà ấm no, hạnh phúc. Hiện nay, nhiều địa phương trong tỉnh vẫn còn lưu giữ và tái hiện những tập tục dân gian truyền thống trong đêm giao thừa. Ở làng Cao Phương đến nay vẫn còn tục lệ đêm Giao thừa, thanh, thiếu niên tập trung ra Đền Ông Trạng (Trạng nguyên Lương Thế Vinh), được các cụ cao niên tổ chức thắp đuốc tại Đền rồi rước quanh làng biểu trưng cho ý nguyện Trạng truyền cho con cháu trí thông minh, học hành sáng láng. Đám rước trở về Đền, các cụ phát lộc cho con cháu rồi uống rượu, vui chơi, thăm hỏi, chúc tụng nhau chờ thời khắc giao thừa đến. Lễ xong, các cụ mỗi người thắp một nén hương mang về nhà thờ họ hoặc gia đình để cúng Giao thừa với ý nghĩa lấy lộc ở Đền về nhà. Ở làng La Xuyên, xã Yên Ninh (Ý Yên) có tục “Truyền lửa làng nghề” diễn ra tại đình La Xuyên, nơi thờ ông tổ nghề mộc Ninh Hữu Hưng, đồng thời là ông tổ dòng họ Ninh. Đúng thời khắc Giao thừa, Tế chủ mở cửa hậu cung đình làng La Xuyên làm lễ tâu với Thành hoàng làng xin phép cho dân làng được lấy lửa đón chào năm mới. Đây là lễ tục lâu đời gắn với người dân làng nghề chạm khắc gỗ La Xuyên, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, bày tỏ lòng thành kính và biết ơn tổ nghề, tổ dòng họ; là “thông điệp” giữ nghề của người thợ làng La Xuyên gắn với ước vọng về những điều tốt đẹp, may mắn trong năm mới.

Trong 3 ngày Tết, từ đường dòng họ luôn mở cửa đón con, cháu đến dâng lễ tổ tiên, cầu chúc cho anh linh những người đã khuất được siêu thoát, phù hộ độ trì cho quê hương, cho con cháu dòng tộc những điều tốt đẹp nhất và gặp gỡ, trò chuyện cùng anh em con cháu xa quê… khiến cho không khí ngày Tết cổ truyền càng trở nên linh thiêng. Anh Đỗ Đình Mỹ, thôn Thượng, xã Điền Xá (Nam Trực) hiện đang sinh sống và làm việc ở Hà Nội tâm sự: Về với không gian từ đường họ mỗi khi Tết đến, Xuân về, tôi được nghe các cụ cao niên đọc tộc phả, giới thiệu người trong họ theo thứ bậc, để con cháu hiểu và nhớ về công ơn gây dựng họ mạc của tiền nhân; truyền cho chúng tôi có thêm động lực phấn đấu lao động, học tập và phát huy truyền thống của gia đình, họ tộc giúp đỡ con cháu trong họ cùng tiến bộ, giữ gìn gia phong, lệ làng, phép nước, xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Mạch ngầm hiếu đạo đó theo anh em chúng tôi suốt cả năm trời để mỗi dịp cuối năm Tết đến, Xuân về lại mong được quy tụ dưới bóng từ đường dòng họ được kính cáo, giãi bày với tổ tiên. Đây chính là cách giáo dục con người hướng thiện, hiếu nghĩa toàn diện nhất mà không trường lớp nào có được. 

Sinh hoạt văn hóa ngày Xuân ở từ đường dòng họ từ lâu đã trở thành đạo lý tốt đẹp thể hiện tính cộng đồng, nét đẹp văn hóa làng xã, tinh thần đoàn kết vượt qua khó khăn thử thách để xây dựng quê hương, xóm làng. Đồng thời là nét đẹp truyền thống mang giá trị nhân văn sâu sắc, giá trị tâm linh vào dịp đầu năm cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà ấm no hạnh phúc. Nét đẹp văn hóa này cũng chính là một biểu hiện của nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc và tiên tiến cần được duy trì và phát huy, nhất là trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay./.

Bài và ảnh: Văn Trọng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com