Xác định xây dựng văn hóa, con người thời kỳ mới đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội, những năm qua, huyện Xuân Trường đã đẩy mạnh các phong trào, cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa cơ sở, xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh gắn với gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa làng truyền thống trong cuộc sống hiện đại, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Bơi chải trong hội làng Xuân Hy, xã Xuân Thủy. Ảnh: Chu Thế Vĩnh |
Những giá trị truyền thống được lưu truyền
Huyện Xuân Trường là vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng, thể hiện qua những tên đất, tên làng cổ như: Hành Thiện, Ngọc Tiên, Xuân Bảng, Kiên Lao, Trà Lũ, An Cư… Trong đó, làng Ngọc Tiên, xã Xuân Hồng là vùng bãi bồi ven biển thuộc trấn Sơn Nam Hạ, hình thành từ cuối thời Lý - đầu thời Trần (thế kỷ XII-XIII). Xưa kia, làng Ngọc Tiên có tên là “Nam Thiên Ngọc Ấp” (mảnh đất phía trời nam). Đến thời Trần, làng Ngọc Tiên nằm trong Hành Cung Trang phủ Thiên Trường và được vua Trần chọn là vườn Kim Quất với những sản vật dâng vua nổi tiếng như: chuối ngự, cam đường… Là vùng đất khoa bảng, giàu truyền thống hiếu học, ngôi làng “hình cá chép” Hành Thiện vốn có tên gọi là Hành Cung Trang được thành lập vào thế kỷ XVI. Đến năm 1823, Vua Minh Mạng cho đổi tên thành Hành Thiện với ý nghĩa “nơi chỉ làm những điều lành, việc thiện” và ban cho làng 4 chữ “Mỹ Tục Khả Phong”. Ngay từ thuở khai hoang, lập ấp, xây dựng xóm làng, nơi đây đã nổi tiếng là đất học, có nhiều người đỗ đạt cao. Từ xưa, làng Hành Thiện đã có nhiều thư viện tư nhân lớn do các nhà nho yêu nước mở để phục vụ việc học tập của nhân dân, như thư viện của các cụ: Đặng Xuân Bảng, Nguyễn Ngọc Liên, Nguyễn Ngọc Quỳnh, Đặng Đức Địch… Như mạch nguồn chảy mãi, các con cháu đời sau trong các làng, các dòng họ khoa bảng ở Xuân Trường vẫn đang tiếp nối, phát huy truyền thống cha ông, viết tiếp những trang sử vàng hiếu học của quê hương.
Trải qua hàng trăm năm, huyện Xuân Trường ngày nay đang trên đường đổi mới, phát triển toàn diện mọi mặt cả về đời sống văn hóa, kinh tế - xã hội. Ngoài trồng lúa, người dân địa phương còn trồng các loại cây ăn quả, trồng dâu, nuôi tằm, phát triển nghề đánh cá, chăn nuôi gia súc, gia cầm… Việc trao đổi, mua bán hàng hóa tấp nập, nhiều chợ dân sinh ở Xuân Trường được hình thành. Trong đó, làng cổ Hành Thiện đã dần trở thành một “tiểu đô hội” của cả huyện, thu hút thương nhân khắp nơi về trao đổi, buôn bán. Sản xuất nông nghiệp ổn định đã thúc đẩy các ngành nghề thủ công phát triển như: rèn sắt, đúc đồng, dệt vải, đan lát, làm nón… với các sản phẩm nổi tiếng trong vùng như: dệt vải làng Hành Thiện, dệt chiếu làng Trà Lũ, cơ khí làng Kiên Lao…
Ở Xuân Trường, bản sắc văn hoá làng quê hôm nay còn được thể hiện đậm nét qua những phong tục tập quán, nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội... Hàng năm, các địa phương trong huyện tổ chức nhiều lễ hội làng, như: Lễ hội Đền - Chùa Kiên Lao (mồng 5 tháng Giêng); lễ hội làng An Cư (mồng 6, 7 tháng Giêng); lễ hội Chùa Thọ Vực (15 tháng Giêng); lễ hội làng Nhân Thọ (15 tháng Giêng); lễ hội làng Ngọc Tỉnh (11 tháng Giêng); lễ hội Chùa Nghĩa Xá (mồng 1-3 âm lịch); lễ hội làng Xuân Hy (20-8 âm lịch); lễ hội Chùa Keo Hành Thiện (từ ngày 12 đến 15-9 âm lịch), lễ hội làng Ngọc Tiên (từ ngày 12 đến 15 tháng Giêng)… Trong các lễ hội, nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật, các trò chơi dân gian, môn thể thao truyền thống vẫn được các thế hệ người dân gìn giữ và phát triển. Tiêu biểu như: làng Xuân Bảng, thị trấn Xuân Trường; làng Kiên Lao, xã Xuân Kiên; làng Hưng Nhân, thôn Nghĩa Xá, xã Xuân Ninh; các làng: Tiên Dũng, Phú Thuỷ, Hồng Thiện, Lục Thuỷ, Phú Yên, xã Xuân Hồng… nức tiếng xa gần bởi nghệ thuật chèo, cải lương, hát văn. Làng Trà Lũ xưa có truyền thống võ vật. Ngày nay, trong lễ hội tại các xã: Xuân Bắc, Xuân Trung, Xuân Vinh, thị trấn Xuân Trường, đấu vật và bơi chải là các môn thể thao truyền thống mang đậm tinh thần thượng võ của làng Trà Lũ xưa.
Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh
Với quan điểm xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, xây dựng môi trường văn hóa an toàn, lành mạnh, văn minh gắn với gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, các cấp ủy, chính quyền huyện Xuân Trường đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, đoàn thể, các xóm, tổ dân phố triển khai thực hiện nhiều giải pháp bền vững; xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể; đẩy mạnh thực hiện các phong trào, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân chung sức xây dựng NTM, đô thị văn minh”. Để không gian văn hóa làng quê không bị mai một, trong quá trình xây dựng, cải tạo, kiên cố hóa, hiện đại hóa các công trình phúc lợi theo tiêu chí NTM, huyện đã chỉ đạo các địa phương thực hiện chủ trương gìn giữ, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa làng quê truyền thống với hình ảnh: cây đa, giếng nước, mái đình, nhà cổ, chợ quê, cầu đá, đường lát gạch nghiêng, những phong tục tập quán, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tâm linh qua các lễ hội… ở làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng hiện còn lưu giữ 5 cổng làng có niên đại từ đầu thế kỷ XX; trên các cổng làng có ghi các dòng chữ Hán: “Hữu Mục Lân”, “Phúc Thiện Lân”, “Duyên Thọ”, “Nhân Thọ”. Thời gian qua, một số cổng làng được người dân xây mới đều theo phong cách kiến trúc cổ. Hàng năm, các xã, thị trấn, các thôn, xóm, tổ dân phố vận động người dân giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng ngừa, ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực, mặt trái xã hội tác động đến đời sống của cộng đồng dân cư; phát động các phong trào trồng cây xanh, vệ sinh môi trường tại những nơi công cộng. Tăng cường đầu tư, huy động các nguồn lực xã hội xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, các khu vui chơi, giải trí, địa điểm sinh hoạt cộng đồng; trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa đảm bảo nguyên trạng kiến trúc gốc, tiêu biểu là các di tích: Đền - Chùa Kiên Lao, Đền Xuân Bảng, Chùa Keo Hành Thiện… Phong trào xây dựng “Khu dân cư văn hoá”, “Gia đình văn hoá” được các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo, gắn việc thực hiện với cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Để giữ gìn mối quan hệ bền chặt giữa các gia đình, làng xóm, các xã, thị trấn đã kế thừa có chọn lọc những tinh hoa của các bản hương ước cổ để sửa đổi, bổ sung thành quy ước nếp sống văn hoá mới, phù hợp điều kiện từng địa phương. Việc thực hiện quy ước nếp sống văn hoá trong việc cưới, việc tang, lễ hội trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực, các hoạt động văn hoá, tín ngưỡng, tôn giáo được thực hiện theo nếp sống văn minh và quy định của pháp luật. Đến nay, tỷ lệ hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” toàn huyện đạt 87,3%; tỷ lệ thôn, xóm, tổ dân phố đạt danh hiệu “Khu dân cư văn hóa” chiếm tỷ lệ 94%; 100% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học đạt chuẩn văn hóa. Ở các xã có tỷ lệ gia đình văn hóa cao (trên 90%) như: Xuân Hòa, Xuân Kiên, Xuân Thượng, Xuân Vinh, Xuân Trung, Xuân Phương, Xuân Ngọc, các hội, đoàn thể đã lồng ghép tuyên truyền các nội dung của công tác gia đình, dân số - kế hoạch hóa gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, đẩy mạnh các phong trào khuyến học, phát triển kinh tế, giảm nghèo... Trong đó, Hội Khuyến học các cấp đã vận động hàng chục nghìn gia đình tham gia phong trào “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ hiếu học”, vận động người dân đóng góp xây dựng quỹ hội lên tới hàng tỷ đồng. Tiêu biểu như: Quỹ khuyến học làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng có 2 tỷ đồng, Quỹ khuyến học Giáo xứ Xuân Dục có trên 2,3 tỷ đồng...
Chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao, người dân năng động, sáng tạo, biết phát huy lợi thế của địa phương để mở mang sản xuất, ngành nghề dịch vụ, tăng thu nhập, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, phát triển các hình thức kinh tế hợp tác. Các làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện như: cơ khí ở các xã Xuân Tiến, Xuân Kiên; chế biến lương thực, thực phẩm ở xã Xuân Tiến; dệt chiếu ở xã Xuân Ninh; thêu xuất khẩu và chế biến gỗ xã Xuân Phương… đều hoạt động ổn định với gần 1.600 cơ sở, gia đình tham gia sản xuất; thu hút hàng nghìn lao động địa phương tham gia với mức thu nhập bình quân từ 5-7 triệu đồng/người/tháng.
Trong quá trình đô thị hoá, đời sống của người dân nông thôn có nhiều thay đổi do tác động của mặt trái cơ chế thị trường nhưng bản sắc văn hoá làng quê ở Xuân Trường vẫn luôn được các thế hệ người dân gìn giữ, kế thừa và phát huy. Văn hóa truyền thống đã trở thành chất keo gắn kết cộng đồng giữa các thành viên trong gia đình, họ tộc, làng xã. Chính sự hòa hợp đó đã tạo nên sự ổn định, bền vững cho sự phát triển về mọi mặt của địa phương, góp phần xây dựng quê hương Xuân Trường “giàu về kinh tế, vững về chính trị, mạnh về quốc phòng - an ninh, đẹp về nếp sống văn hoá, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc”, xứng đáng với truyền thống quê hương Anh hùng - quê hương của Tổng Bí thư Trường Chinh./.
Khánh Dũng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin