Nam Định vốn được mệnh danh là “đất trăm nghề” với hàng chục làng nghề thủ công truyền thống có lịch sử hàng trăm năm, từ xa xưa đã nổi tiếng khắp vùng Sơn Nam Hạ. Mỗi làng nghề đều chứa đựng những nét tinh hoa văn hóa đậm đà bản sắc của cha ông, được gìn giữ, trao truyền qua nhiều thế hệ đến ngày nay.
Ươm tơ tại làng nghề Cổ Chất, xã Phương Định (Trực Ninh). Ảnh: Chu Thế Vĩnh |
I. Độc đáo làng nghề
Có dịp “mục sở thị” tại các thôn làng mới thấy hết sự phong phú, đa dạng của làng nghề. Nếu như huyện Nam Trực nức tiếng gần xa với làng rèn Vân Chàng, làng hoa cây cảnh Vị Khê; đan tre ở Thạch Cầu, Trung Lao; nhuộm vải, làm hoa giấy, hoa lụa ở Báo Đáp; luyện đồng, chạm vàng bạc ở Đồng Quỹ; làm kẹo lạc ở Thượng Nông… thì huyện Trực Ninh lại được biết đến với nghề ươm tơ, dệt lụa ở các làng Cự Trữ, Cổ Chất, Dịch Diệp. Rồi Nghĩa Hưng với khâu nón Nghĩa Châu; dệt chiếu Nghĩa Trung, Nghĩa Sơn; đan vó cá Hoàng Nam. Mỹ Lộc với nghề làm lược chải đầu ở Sùng Văn, làm chăn bông ở Mỹ Thắng, làm giành tích ở Mỹ Hưng… Huyện Vụ Bản - vùng đất địa linh nhân kiệt cũng khá giàu có về làng nghề: dệt vải, dệt nái tơ tằm Quả Linh; rèn Quang Trung; sơn mài, sơn then làng Hổ Sơn; gò đồng thau làng Bàn Kết, chạm đá Thái La; nghề cung bông, làm lọng ở Hào Kiệt với những nghệ nhân giỏi về thêu kim tuyến chỉ màu. Huyện Ý Yên từ lâu đã được xem là đất nghề với chạm khắc gỗ La Xuyên; đúc đồng Tống Xá, Vạn Điểm; sơn mài Cát Đằng, mây tre đan Yên Tiến… Làng sơn mài Cát Đằng vẫn còn truyền tụng câu ca: “Sơn Đình Bảng khéo cầm khéo chế/Thợ tỉnh Nam chạm vẽ khéo tay” nhằm ca ngợi sự tài hoa, thông minh, sáng tạo của những nghệ nhân nơi đây. Với tính kế thừa trong mỗi gia đình và tay nghề điêu luyện của cả một vùng, sản phẩm của làng nghề Cát Đằng không những có chất lượng tốt, giá trị sử dụng lâu bền mà còn mang tính mỹ thuật và giá trị xuất khẩu cao. Những mặt hàng chủ yếu của sơn mài Cát Đằng như các loại đĩa, khay, hộp, rương, lọ hoa, tranh sơn thủy, hoành phi, câu đối… qua thử thách của thời gian đã khẳng định tiềm năng, thế mạnh của nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống. Một số sản phẩm được tạo dáng đẹp, trang trí họa tiết hài hòa, kết hợp vỏ trai, vỏ trứng, tạo nên chất liệu quý, màu sắc lộng lẫy nhưng vẫn trang nhã, có chiều sâu của sơn mài cổ truyền. Tháng 5-2017, nghề sơn mài Cát Đằng đã được Bộ VH, TT và DL công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Nghề đúc đồng ở huyện Ý Yên với lịch sử lâu đời hơn 900 năm cũng khá nổi danh, được cả nước biết đến qua những công trình văn hóa - lịch sử tầm cỡ quốc gia như: tượng Vua Lê Thái Tổ đặt tại vườn hoa Chí Linh (Hà Nội), Chùa Đồng ở Yên Tử (Quảng Ninh), tượng 14 vị Hoàng đế thời Trần (Nam Định)… Ngoài ra, bằng đôi bàn tay khéo léo của mình, các nghệ nhân đúc đồng đã sáng tạo và sản xuất các sản phẩm đồ đồng đa dạng, tinh xảo, từ những bức tượng Phật, danh nhân, lãnh tụ dân tộc đến đồ thờ cúng, đồ phong thủy…, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Mỗi làng nghề với nét riêng độc đáo đã tạo nên bức tranh đa sắc trong nền kinh tế địa phương. Ngày nay, nhờ áp dụng công nghệ tiên tiến vào các công đoạn sản xuất, kết hợp giữa máy móc hiện đại với tay nghề điêu luyện, sản phẩm của các làng nghề ngày càng có hàm lượng văn hóa cao, đa dạng phong phú về chủng loại, mẫu mã, độc đáo về kiểu dáng, kỹ, mỹ thuật. Trong khi ở nhiều nơi, không ít làng nghề đứng trước nguy cơ bị mai một, thất truyền, làng nghề ở tỉnh ta vẫn tồn tại, phát triển nhờ sự tài hoa, sáng tạo và tấm lòng thủy chung của người dân đối với nghề truyền thống.
II. Gìn giữ tinh hoa văn hóa làng nghề
Làng nghề được ví như một bảo tàng, nơi lưu giữ, tổng hợp các sản phẩm thủ công độc đáo, tinh xảo và đặc sắc văn hóa. Những năm qua, để gìn giữ tinh hoa văn hóa làng nghề, các địa phương trong tỉnh đặc biệt coi trọng, tập trung đầu tư cho công tác trùng tu, tôn tạo, phục dựng các công trình kiến trúc, hoạt động văn hóa - tín ngưỡng dân gian trong khu vực làng nghề. Những nét đẹp văn hóa làng nghề như di tích, lễ hội, phong tục, tín ngưỡng thờ tổ nghề, mối quan hệ của người dân làng nghề, bí quyết và kỹ thuật truyền nghề... luôn được quan tâm bảo tồn, phát triển. Đến bất cứ địa phương nào trong tỉnh đều bắt gặp những di tích thờ các ông tổ nghề và các lễ hội tôn vinh nghề truyền thống. Làng nghề La Xuyên hiện còn bảo tồn nhiều di tích lịch sử - văn hóa gắn liền với nghề truyền thống của làng. Tiêu biểu là ngôi đình làng thờ tổ nghề Lão La đại thần Ninh Hữu Hưng. Không chỉ giúp triều đình dẹp loạn 12 sứ quân, ông còn truyền dạy nghề chạm khắc gỗ, khảm trai cho dân các làng Ninh Xá, La Ngạn, Khả Lũ, Trịnh Khiết, được dân 4 làng suy tôn là thành hoàng. Tại đình làng La Xuyên vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật thể hiện tinh túy, tài năng của nghệ nhân xưa: những mảng hoa văn trang trí chạm khắc hình cá, rồng, hoa lá trên các mái hiên, trên các bộ kèo bộ cột, ba bức cửa võng, bát biểu, kiệu thất cống… Trong lễ hội đình làng, bên cạnh các trò chơi dân gian còn duy trì việc tổ chức lễ “Hiến xảo” hay còn gọi là lễ “Dâng đồ khéo” (dâng các sản phẩm tinh, khéo lên các vị tổ nghề), vừa bày tỏ lòng biết ơn tổ nghề, vừa thể hiện nét tài hoa của người dân làng nghề. Còn tại làng nghề đúc đồng Tống Xá, đền thờ Đức Thánh Tổ đã nhiều lần được trùng tu và nâng cấp. Các đồ thờ bên trong đền đều là những sản phẩm bằng đồng do người dân làng nghề dâng cúng. Dân làng Tống Xá có tục lấy lửa vào đêm 30 Tết, tục thi tay nghề, thi tài trong dịp lễ hội… Đối với giới sành chơi cây trong cả nước, mấy ai không biết tiếng làng hoa cây cảnh Vị Khê, xã Điền Xá. Từ thời Vua Lý Huệ Tông năm 1211, quan Phụ chính Thái úy Tô Trung Tự quê ở Hưng Hà, Thái Bình đã đưa nghề trồng hoa cây cảnh về dạy dân mở mang nghề nghiệp, kiếm kế sinh nhai. Các cụ trong làng kể rằng: Hàng trăm năm trước, mỗi mùa xuân ở kinh đô nhà vua thường mở hội thi cây cảnh. Người dân Vị Khê chẳng quản đường sá xa xôi, cơm nắm cơm đùm, chọn những cây đẹp, cây quý mang ra dự thi, nhiều năm chiếm được giải cao, được vua ban thưởng lụa điều. Tri ân ông tổ nghề đã mang đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc và ngày càng phát triển, nhiều năm qua, nhân dân Vị Khê đã khôi phục lễ hội truyền thống hoa cây cảnh đầu xuân, nhân dịp giỗ tổ làng nghề. Lễ hội diễn ra từ ngày 12-16 tháng Giêng. Ngoài việc tổ chức tế lễ, rước hoa cây cảnh dâng lên Đức thành hoàng làng và ông tổ nghề, các trò chơi dân gian, lễ hội còn trưng bày các loại hoa quý, các tác phẩm cây cảnh, cây thế độc đáo; thi tay nghề tạo thế cây cảnh, thu hút nhiều cá nhân, doanh nhân, nghệ nhân, các tổ chức sinh vật cảnh trong và ngoài tỉnh tham gia. Đây là dịp để tuyên truyền quảng bá rộng rãi làng nghề, đồng thời là cơ hội trao đổi, học tập kinh nghiệm để không ngừng nâng cao trình độ nghề nghiệp và chất lượng sản phẩm làng nghề.
Trong thời kỳ đổi mới hôm nay, trước tốc độ phát triển mạnh mẽ về kinh tế, chính trị, xã hội và công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá, việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hoá của các làng nghề đã góp phần quan trọng vào việc giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc./.
Lam Hồng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin