Sáng 14-5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì tọa đàm với Đoàn 19 Tập đoàn hàng đầu của Trung Quốc về phát triển kinh tế xanh, kinh tế số. Cùng dự tọa đàm có lãnh đạo các bộ, ngành liên quan; Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại tọa đàm với các doanh nghiệp Trung Quốc tiêu biểu trong lĩnh vực phát triển kinh tế xanh, kinh tế số. Ảnh: Dương Giang - TTXVN |
Tại tọa đàm, các đại biểu đánh giá, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đang phát triển ngày càng sâu sắc, thực chất và toàn diện. Hiện nay, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc tại ASEAN, với kim ngạch thương mại song phương năm 2023 đạt gần 172 tỷ USD. Trung Quốc là nhà đầu tư lớn thứ 6/146 đối tác đầu tư của Việt Nam; tính đến tháng 3-2024, có 4.418 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 27,6 tỷ USD.
Việt Nam và Trung Quốc đều đang thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn. Các đại biểu cho rằng, việc hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước trong lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế số sẽ góp phần từng bước triển khai cụ thể nhận thức chung cấp cao của hai Đảng, hai nước trong tăng cường quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung, góp phần xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc.
Phát biểu tại tọa đàm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định đây là cuộc gặp đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam với Đoàn doanh nghiệp Trung Quốc nhằm hiện thực hóa thỏa thuận cấp cao giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thống nhất xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược; thể hiện tinh thần “đã nói là làm, đã cam kết là thực hiện có hiệu quả” vì lợi ích hai nước, nhân dân hai nước; thể hiện sự coi trọng của Chính phủ Việt Nam đối với doanh nghiệp Trung Quốc và sự lắng nghe, chia sẻ của Chính phủ Việt Nam đối với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Trung Quốc.
Theo Thủ tướng, việc hai bên chia sẻ, trao đổi, góp ý rất cởi mở, thẳng thắn và cầu thị lắng nghe thể hiện tinh thần, trách nhiệm cao và tình cảm “vừa là đồng chí, vừa là anh em” giữa hai nước; khẳng định đường lối đối ngoại của Việt Nam đối với Trung Quốc; thể hiện sự chân thành, hợp tác, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ trân trọng các ý kiến phát biểu quý báu, tâm huyết của các đại biểu Trung Quốc; yêu cầu các bộ, ngành liên quan của Việt Nam nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của các doanh nghiệp, nhà đầu tư; chủ động xử lý ngay, có văn bản trả lời rõ ràng, cụ thể đối với những đề xuất, kiến nghị theo thẩm quyền; kịp thời tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền đối với các vấn đề vượt thẩm quyền. Trong đó, thành lập Tổ công tác để kết nối, xử lý các vấn đề liên quan nghiêm túc, chân thành, hiệu quả, trên tinh thần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, công bằng, minh bạch giữa các đối tác.
Giới thiệu về định hướng thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có đầu tư chất lượng cao từ Trung Quốc vào Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam xác định khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đóng vai trò quan trọng, thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, tạo kết nối lan tỏa giữa khu vực FDI và khu vực kinh tế trong nước, thúc đẩy hợp tác công - tư để phát triển mạnh mẽ kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ.
Chính phủ Việt Nam luôn khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng hợp tác đầu tư vào các lĩnh vực Trung Quốc có thế mạnh, Việt Nam có nhu cầu và ưu tiên cao như: đổi mới sáng tạo, phát triển xanh, năng lượng tái tạo, đô thị thông minh, công nghiệp chế tạo chất lượng cao…; nhất là các doanh nghiệp lớn, có năng lực, uy tín để cùng hợp tác trong những dự án lớn, tiêu biểu cho trình độ phát triển của Trung Quốc và phù hợp với nhu cầu của Việt Nam.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các doanh nghiệp tăng cường hơn nữa đầu tư tại Việt Nam, nhất là sớm có các dự án lớn, tiêu biểu trong các lĩnh vực Trung Quốc có thế mạnh về công nghệ cao, xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, công nghiệp luyện kim, y tế, giáo dục, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; mong muốn các doanh nghiệp Trung Quốc giúp Việt Nam chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản trị, xây dựng thể chế để có “thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh”.
Trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, “thành công của các bạn cũng chính là thành công của chúng tôi”, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam cam kết luôn lắng nghe, tiếp tục đồng hành, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư kinh doanh hiệu quả, lâu dài và bền vững tại Việt Nam./.
PV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin