Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, 2 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam ước đạt 9,84 tỷ USD, tăng 50,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Giá trị xuất siêu đạt 2,68 tỷ USD, tăng gần 2,9 lần. Điểm đáng chú ý là hầu hết các mặt hàng chủ lực đều đạt giá xuất khẩu bình quân tăng cao so với cùng kỳ, như: gạo 699 USD/tấn, tăng 32,2%; cà-phê 3.153 USD/tấn, tăng 44,7%; hạt tiêu 4.041 USD/tấn, tăng 28,7%; cao su 1.429 USD/tấn, tăng 3,4%; chè 1.699 USD/tấn, tăng 1,7%.
Nguyên nhân của tăng trưởng một phần nhờ nhu cầu thị trường thế giới tăng cao, nhất là đối với mặt hàng gạo và cà-phê. Tuy nhiên, yếu tố góp phần không nhỏ vào giá xuất khẩu cao của nhiều mặt hàng chính là chất lượng nông sản của Việt Nam đang ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu đa dạng của nhiều quốc gia, khu vực.
Từ lâu, Việt Nam đã là một trong những quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới về sản lượng nhưng giá trị kim ngạch còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng. Những năm gần đây, nông nghiệp Việt Nam đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành nghề, không chạy theo số lượng mà tập trung tăng chất lượng sản phẩm hàng hóa, thúc đẩy chế biến sâu trên cơ sở phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, giảm phát thải, hướng tới tăng trưởng xanh.
Chính vì vậy, nhiều thị trường nhập khẩu đã quan tâm hơn, ưa chuộng hơn và sẵn sàng trả mức giá cao hơn cho nông sản Việt Nam. Điều đó không chỉ làm tăng kim ngạch xuất khẩu, mà quan trọng hơn đã tác động trực tiếp, sâu sắc đến tư duy sản xuất của nông dân, tư duy kinh doanh của doanh nghiệp nông nghiệp - gốc rễ bền vững cho tiến trình hình thành nền nông nghiệp sinh thái, minh bạch và trách nhiệm./.
PV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin