Ngày 27-2, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 2-2024 để thảo luận, xem xét cho ý kiến, quyết nghị đối với 11 nội dung gồm 5 dự án luật, 5 đề nghị xây dựng pháp luật và nội dung về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Dự phiên họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà; các bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Mở đầu phiên họp, nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2-1955 - 27-2-2024), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất và lời tri ân sâu sắc tới các cán bộ quản lý y tế, các y, bác sĩ, nhân viên y tế cả nước.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, việc xây dựng, hoàn thiện thể chế là 1 trong 3 đột phá chiến lược được Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định rõ; từ đầu nhiệm kỳ đến nay Chính phủ tập trung cao cho xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, song trên thực tế nhiều vấn đề, nội dung được pháp luật quy định, song thực tiễn đã vượt qua; bên cạnh đó, có những vấn đề thực tiễn đã vượt qua luật pháp; nhiều vấn đề quan trọng cần có luật pháp điều chỉnh.
Ngay trong tháng 1-2024, Chính phủ đã tổ chức họp chuyên đề về xây dựng pháp luật với 5 nội dung. Nhiệm vụ
tháng 2 còn nặng nề hơn, vừa tích cực chuẩn bị trình Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh năm 2024; vừa quyết nghị các dự án luật phục vụ Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XV.
Theo Thủ tướng, 11 nội dung được xem xét cho ý kiến, quyết nghị trong phiên họp Chính phủ chuyên đề tháng 2-2024 đều là những nội dung quan trọng, khó, phức tạp, có tác động rất lớn tới việc xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, hoàn thiện, hiện đại, khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển.
Cho rằng đầu tư cho xây dựng pháp luật là đầu tư cho phát triển, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ nêu cao tinh thần, nhiệm vụ, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, đưa ra tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận vấn đề để xây dựng pháp luật, đảm bảo tiến độ, nâng cao chất lượng; tập trung nguồn lực, nhân lực cho công tác xây dựng pháp luật...
Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung trí tuệ, tiếp tục tinh thần đổi mới; trình bày báo cáo, phát biểu ý kiến ngắn gọn, rõ ý, đi thẳng vào vấn đề; tập trung thảo luận về các vấn đề quan trọng, còn ý kiến khác nhau cần thảo luận, xin ý kiến Chính phủ, bảo đảm tiến độ, chất lượng của phiên họp.
Tại phiên họp, Chính phủ thảo luận, xem xét cho ý kiến, quyết nghị đối với 11 nội dung, trong đó xây dựng 5 dự án luật: Phòng không nhân dân; Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); Di sản văn hóa (sửa đổi); sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Đồng thời, Chính phủ xem xét đề nghị xây dựng 5 luật: Hàm, cấp ngoại giao; Hàng không (sửa đổi); Đường sắt (sửa đổi); Địa chất và Khoáng sản; Công nghiệp công nghệ số; và đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024./.
PV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin