Nhiều ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào khu công nghệ cao
Theo Nghị định số 10/2024/NĐ-CP quy định về khu công nghệ cao (CNC), có hiệu lực từ ngày 25-3, có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào khu CNC như: Chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với các dự án đầu tư vào khu CNC; cơ chế khuyến khích đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật; chính sách phát triển hạ tầng xã hội phục vụ người lao động trong khu CNC; chính sách đối với hoạt động nghiên cứu phát triển CNC, ươm tạo CNC, ươm tạo doanh nghiệp CNC và đào tạo nhân lực CNC...
Các dự án đầu tư và hoạt động tại khu CNC được ưu tiên tham gia chương trình hỗ trợ đào tạo, tuyển dụng lao động; hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, ứng dụng CNC, chuyển giao công nghệ; hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp CNC, phát triển CNC trong nông nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ vốn vay và các chương trình hỗ trợ khác của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. Ngoài ra, về cơ chế khuyến khích đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nghị định quy định Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân có đủ kinh nghiệm, năng lực tham gia đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu CNC, bao gồm: đầu tư xây dựng và kinh doanh toàn bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu CNC, hoặc một phần hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu CNC.
Chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) ban hành Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT quy định chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục (CSGD) đại học. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22-3 và bãi bỏ Thông tư số 24/2015/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD và ĐT quy định chuẩn quốc gia đối với CSGD đại học. Chuẩn CSGD đại học là cơ sở để thực hiện quy hoạch, sắp xếp mạng lưới CSGD đại học; đánh giá và giám sát các điều kiện bảo đảm chất lượng, việc thực hiện trách nhiệm giải trình của các CSGD đại học theo quy định của pháp luật.
Chuẩn CSGD đại học bao gồm 6 tiêu chuẩn với 20 tiêu chí. Cụ thể, Tiêu chuẩn 1: Tổ chức và quản trị gồm 4 tiêu chí; Tiêu chuẩn 2: Giảng viên gồm 3 tiêu chí; Tiêu chuẩn 3: Cơ sở vật chất gồm 4 tiêu chí; Tiêu chuẩn 4: Tài chính gồm 2 tiêu chí; Tiêu chuẩn 5: Tuyển sinh và đào tạo gồm 5 tiêu chí; Tiêu chuẩn 6: Nghiên cứu và đổi mới sáng tạo gồm 2 tiêu chí.
Bộ GD và ĐT hướng dẫn các CSGD đại học cung cấp, cập nhật dữ liệu phục vụ việc xác định các chỉ số và đánh giá mức độ đáp ứng các tiêu chí của chuẩn CSGD đại học vào hệ thống cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học. Công bố kết quả thực hiện chuẩn CSGD đại học của các CSGD đại học trước ngày 30-6 hàng năm, bắt đầu từ năm 2025 cho năm báo cáo trước liền kề.
Lệ phí cấp phép nhận chìm ở biển
Bộ Tài chính cũng ban hành Thông tư số 8/2024/TT-BTC ngày 5-2-2024 quy định mức thu, chế độ thu, nộp lệ phí cấp giấy phép nhận chìm ở biển; có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21-3-2024. Thông tư này quy định mức thu, chế độ thu, nộp lệ phí cấp giấy phép nhận chìm ở biển, bao gồm cấp, cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung giấy phép nhận chìm ở biển.
Tổ chức thu lệ phí là cơ quan có thẩm quyền cấp, cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung giấy phép nhận chìm ở biển theo quy định pháp luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Tổ chức thu lệ phí nộp 100% số tiền lệ phí thu được vào ngân sách Nhà nước. Nguồn chi phí trang trải cho việc thu lệ phí được ngân sách Nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu lệ phí theo chế độ, định mức chi ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật. Tổ chức thu lệ phí thực hiện kê khai, thu, nộp lệ phí theo quy định tại Thông tư số 74/2022/TT-BTC./.
PV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin