Thực hiện kế hoạch tiêm phòng vụ thu năm 2023 cho gia súc, gia cầm, các địa phương trong tỉnh đã tiến hành rà soát tổng đàn hiện có trên địa bàn, xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu tiêm phòng và chủ động đăng ký mua số lượng vắc-xin các loại theo nhu cầu. Theo kế hoạch, các địa phương tổ chức tiêm phòng bệnh dịch tả, tụ huyết trùng cho đàn lợn thịt; lở mồm, long móng cho lợn nái, lợn đực giống; tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng, viêm da nổi cục cho trâu, bò; tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo; tiêm phòng bệnh lở mồm, long móng cho trâu, bò và bệnh cúm cho gia cầm, thuỷ cầm.
Tính đến ngày 20-10, các địa phương trong toàn tỉnh tiêm phòng đạt: 124.961 con lợn; 24.975 con trâu, bò, dê; 13.997 con lợn nái, lợn đực giống và 16.527 con chó, mèo. Theo đánh giá của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN và PTNT), tỷ lệ tiêm phòng cho đàn trâu, bò, dê đạt 78,5%; đàn lợn nái, lợn đực giống đạt 59,3%; đàn lợn thịt đạt 58,9%; đàn chó, mèo đạt 50,1%...
Thời gian tới, Sở NN và PTNT đề nghị các địa phương tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn người dân trên địa bàn phối hợp với ngành chuyên môn đẩy mạnh triển khai tiêm phòng bổ sung, bảo đảm tiêm phòng đạt tỷ lệ cao. Người chăn nuôi cần tự giác phối hợp trong công tác tiêm phòng dịch bệnh, chú ý vệ sinh chuồng trại sạch sẽ để góp phần bảo vệ đàn vật nuôi. Chi cục Chăn nuôi và Thú y phân công lực lượng cán bộ hướng dẫn, giám sát kỹ thuật tiêm phòng, vận chuyển, bảo quản vắc-xin; kiểm tra, giám sát, đôn đốc các địa phương tổ chức tiêm phòng; thực hiện giám sát huyết thanh sau tiêm phòng để đánh giá hiệu quả công tác tiêm phòng tại cơ sở./.
Văn Đại
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin