Chiều 15-8, Hội Khuyến học Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hội thảo khoa học "Vai trò của gia đình, dòng họ trong việc xây dựng xã hội học tập nhằm giữ gìn và phát huy những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam". Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ Trung ương đến 63 tỉnh, thành phố. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du Lịch, Hội Khuyến học Việt Nam chủ trì hội thảo. Dự hội thảo còn có lãnh đạo bộ, ban, ngành; các nhà khoa học giáo dục, các gia đình, dòng họ tiêu biểu trong phong trào xây dựng các mô hình học tập ở Việt Nam.
Quang cảnh Hội thảo. |
Dự hội nghị tại điểm cầu Nam Định có đồng chí: Phạm Thị Thu Hằng, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; lãnh đạo Hội Khuyến học, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đại diện các gia đình, dòng họ tiêu biểu trong tỉnh.
Đồng chí Phạm Thị Thu Hằng, Uỷ viên Ban TVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các đại biểu dự hội thảo tại điểm cầu tỉnh Nam Định. |
Phát biểu khai mạc, đề dẫn hội thảo, đồng chí Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhấn mạnh: Từ năm 1999, Hội Khuyến học Việt Nam đề nghị và Chính phủ đã giao cho Hội Khuyến học Việt Nam nhiệm vụ thực hiện các mô hình “Gia đình hiếu học” đến “Gia đình học tập”, “Dòng họ hiếu học”, “Dòng họ học tập” với mục đích vận động người dân học tập thường xuyên, học tập suốt đời để bồi đắp tri thức, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội ở địa phương, từ đó xây dựng xã hội học tập. Qua thời gian 22 năm thực hiện các mô hình học tập, đã có 92,8% người lao động thông qua các mô hình học tập đã có thêm nghề hoặc việc làm ổn định... Giai đoạn 2016-2021, mô hình “Dòng họ học tập" đã vượt 16,51% chi tiêu đề ra. Hội thảo sẽ góp phần thực hiện tốt chiến lược văn hóa, tìm ra yếu tố cốt lõi để giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc Việt Nam và phát huy những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam.
Tại hội thảo, các đại biểu đã phát biểu chia sẻ kinh nghiệm khẳng định vai trò của gia đình, dòng họ trong việc xây dựng xã hội học tập nhằm giữ gìn và phát huy những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam.
Đại diện dòng họ Đặng làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường) phát biểu tham luận tại hội thảo. |
Đối với tỉnh Nam Định, phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng có những bước chuyển biến tích cực; phong trào thi đua xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học được triển khai ngay từ những ngày đầu thành lập Hội đã góp phần tích cực xây dựng cộng đồng khuyến học. Nhiều gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị đã có những cách làm hay, sáng tạo, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội. Đến nay, toàn tỉnh có 440.236/558.943 gia đình đạt gia đình học tập; 4.747/6.117 dòng họ đạt dòng họ học tập; 1.011/1.041 đơn vị đạt "đơn vị học tập"; 224/226 xã, phường, thị trấn đạt "cộng đồng học tập"; 2092/2381 cộng đồng đạt "cộng đồng học tập". Theo kết quả tổng điều tra dân số năm 2019, tỷ lệ người biết chữ từ 15 tuổi trở lên toàn tỉnh đạt 98,7%, cao hơn cả nước (95,8%); gần 1/3 dân số từ 15 tuổi trở lên đạt trình độ học vấn từ trung học phổ thông trở lên; tỷ lệ dân số có trình độ đại học và trên đại học tăng nhanh gấp 2,5 lần so với năm 2009, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh. Trong 5 năm qua, Quỹ khuyến học toàn tỉnh đã vận động được 337 tỷ 764 triệu đồng, đã tổ chức khen thưởng và trao học bổng 145 tỷ 927 triệu đồng. Quỹ khuyến học của tỉnh đến nay đạt bình quân 113.800 đồng/người dân, đứng thứ 2 trong cả nước. Bên cạnh đó, các cấp Hội còn vận động các nhà tài trợ hỗ trợ xây dựng trường học, mua trang thiết bị dạy học, hiến đất, tặng tủ sách, nhận đỡ đầu cho nhiều học sinh mồ côi cha và mẹ học hết lớp 12... trị giá hàng chục tỷ đồng. Từ các nguồn Quỹ khuyến học, đã khen thưởng kịp thời cho hàng chục nghìn giáo viên, học sinh có thành tích cao trong dạy và học, đạt giải quốc gia và quốc tế; trao hàng trăm nghìn học bổng, tặng hàng nghìn xe đạp, hàng nghìn dụng cụ học tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tàn tật, mồ côi...
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: Hội thảo góp phần triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhằm phát huy sức mạnh con người Việt Nam, gắn với giữ gìn hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị quốc gia. Đồng chí mong rằng các nhà khoa học, các cấp hội, gia đình, dòng họ cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, thảo luận, tích cực thực hiện tốt hơn nữa mô hình Gia đình học tập và Dòng họ học tập, hướng tới mục tiêu xây dựng cả nước trở thành xã hội học tập, qua đó giữ gìn và phát huy những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam./.
Tin, ảnh: Hồng Minh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin