Ngày 15-8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 25 đối với các Bộ trưởng: Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Dự phiên chất vấn có các đồng chí: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được kết nối trực tuyến đến Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Tham dự phiên chất vấn tại điểm cầu tỉnh Nam Định có các đồng chí TUV: Nguyễn Hải Dũng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Hà Lan Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh và các sở, ngành liên quan.
Các đồng chí TUV: Nguyễn Hải Dũng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh; Hà Lan Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại điểm cầu tỉnh Nam Định. |
Tại phiên chất vấn, đã có 107 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký tham gia chất vấn; 54 lượt đại biểu đã thực hiện quyền chất vấn và 8 lượt đại biểu tranh luận để làm rõ hơn những vấn đề mà đại biểu quan tâm đối với các Bộ trưởng: Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã trả lời 48 câu hỏi, phát biểu tranh luận trực tiếp tại hội trường và 26 câu hỏi để trả lời bằng văn bản đối về nhóm các vấn đề: Việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; các giải pháp đảm bảo tiến độ, chất lượng và hồ sơ thủ tục các dự án, dự thảo Chính phủ trình Quốc hội; giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật, giải pháp kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật thuộc trách nhiệm của Chính phủ. Thực trạng và giải pháp nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Giải pháp khắc phục tình trạng chậm ban hành, nội dung chồng chéo, mâu thuẫn và những hạn chế, sai phạm trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thực trạng và giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, nâng cao hiệu quả công tác đấu giá tài sản, giám định tư pháp.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trả lời 29 câu hỏi, phát biểu tranh luận trực tiếp tại hội trường và 20 câu hỏi để trả lời bằng văn bản đối với các nhóm vấn đề giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản (thị trường đầu ra bị thu hẹp, nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng, một số mặt hàng nông sản chủ lực bị rớt giá, thu nhập, đời sống của người nông dân bị ảnh hưởng...). Hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; giải pháp tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi diện tích đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo.
Quang cảnh phiên chất vấn tại điểm cầu tỉnh ta. |
Phát biểu kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, sau một ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ, trí tuệ, trách nhiệm cao, phiên chất vấn đã kết thúc tốt đẹp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội đánh giá cao phần trả lời chất vấn, tán thành và ghi nhận các giải pháp, cam kết tại phiên chất vấn. Từ các chất vấn của đại biểu Quốc hội, nhiều vấn đề tồn tại và đang bức xúc trong xã hội đã được kịp thời xem xét, giải quyết; nhiều chủ trương, chính sách đã được ban hành, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đảm bảo an sinh xã hội. Thông qua hoạt động chất vấn, còn giúp phát hiện những bất cập, hạn chế trong quá trình thực thi pháp luật cũng như nâng cao trách nhiệm của các Bộ trưởng trong việc tìm ra các giải pháp để khắc phục những hạn chế, tồn tại; tiếp tục khẳng định đây là hình thức giám sát rất có hiệu quả của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng rằng, với các giải pháp mà các Bộ trưởng đã cam kết, với quyết tâm cao của tập thể Chính phủ, sự đồng hành của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội, lĩnh vực quản lý thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp sẽ có nhiều chuyển biến rõ nét, vươn lên tầm cao mới, đi vào thực chất hơn; ngành nông nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục là bệ đỡ vững chắc của nền kinh tế, tạo cơ sở, tiền đề quan trọng để hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế và thích ứng với biến đổi khí hậu./.
Tin, ảnh: Văn Trọng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin