Trong tháng 5-2023, các lực lượng chức năng của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) tỉnh Hưng Yên đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 31 vụ (gồm: 3 vụ vi phạm về buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu; 27 vụ vi phạm về gian lận thương mại, 1 vụ vi phạm hàng giả). Tổng số tiền phạt vi phạm hành chính là 417,2 triệu đồng.
Thời gian tới, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm về vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, các vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường công tác kiểm tra chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tập trung vào một số mặt hàng như xăng dầu, gas và các mặt hàng liên quan trực tiếp đến sức khỏe, đời sống thiết yếu của người dân.
Nghệ An: Phấn đấu đến năm 2025 có 40% phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh
Sau gần 10 năm xây dựng và thực hiện tiêu chí đô thị văn minh theo Thông tư số 02/2013/TT-BVH,TT&DL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2013 về quy định chi tiết tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét công nhận “Phường đạt chuẩn văn minh đô thị, “Thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”, đến nay, toàn tỉnh Nghệ An có 23 đô thị, trong đó 1 thành phố là đô thị loại I, 1 đô thị loại III và 3 đô thị loại IV; 18 đô thị loại V, gồm 16 đô thị huyện lỵ và 2 thị tứ là Sơn Hải (Quỳnh Lưu) và sông Dinh (Quỳ Hợp). Tổng số các phường, thị trấn trên địa bàn là 49 đơn vị… Dù đạt kết quả đáng khích lệ nhưng so với phong trào và kết quả xây dựng nông thôn mới những năm vừa qua thì việc xây dựng, thực hiện các tiêu chí đô thị chưa tương xứng. Để triển khai hiệu quả việc xây dựng đô thị theo tiêu chí văn minh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025 và định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh đã dự thảo kế hoạch thực hiện, trong đó nêu 6 mục tiêu và 8 nhóm giải pháp. Theo đó, Nghệ An phấn đấu đến năm 2025 có 40% phường, thị trấn vùng đồng bằng đạt chuẩn đô thị văn minh tiêu biểu và 20% phường, thị trấn vùng miền núi đạt chuẩn đô thị văn minh; định hướng đến năm 2030 có 70% phường, thị trấn vùng đồng bằng và 40% phường, thị trấn vùng miền núi đạt chuẩn đô thị văn minh; phấn đấu 1 thành phố và 2 thị xã đạt chuẩn đô thị văn minh.
Hà Nội: Đình chỉ nhiều cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm
Triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, hơn một tháng qua, các đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm của thành phố Hà Nội đã kiểm tra, giám sát 16.275 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm; qua đó phát hiện 2.382 cơ sở chưa bảo đảm các điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định.
Cơ quan chức năng đã xử lý 1.457 cơ sở vi phạm quy định an toàn thực phẩm; thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm của 12 cơ sở; tiêu hủy sản phẩm không đảm bảo an toàn của 254 cơ sở; đình chỉ hoạt động 40 cơ sở vi phạm. Cùng với thanh, kiểm tra, qua hoạt động xét nghiệm mẫu thực phẩm cũng phát hiện những tồn tại trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Theo số liệu từ Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm thành phố Hà Nội, trong tổng số 120 mẫu thực phẩm được xét nghiệm, có 5 mẫu không đảm bảo an toàn đối với các chỉ tiêu phân tích. Cơ quan chức năng cũng đánh giá sàng lọc chất lượng an toàn của thực phẩm và chế độ vệ sinh dụng cụ với 18.374 mẫu, phát hiện vẫn còn 7,6% số mẫu không đạt các điều kiện an toàn. Đáng chú ý, trong số những mẫu không đạt quy định, có nhiều sản phẩm còn tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật./.
PV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin