Thời gian qua, một số cơ sở kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn thành phố Hải Phòng có nhiều hành vi vi phạm về lĩnh vực đất đai, xây dựng, môi trường. Trước tình hình trên, UBND thành phố Hải Phòng vừa có Văn bản 240/UBND-ĐC2 ngày 7-2-2023 về việc chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn thành phố.
Theo đó, UBND thành phố yêu cầu, Công an thành phố, Sở Y tế, Sở Văn hóa và Thể thao, UBND các quận, huyện thực hiện nghiêm, chỉ cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ, Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự, Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho cơ sở kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn thành phố khi đã đầy đủ thủ tục về đất đai, xây dựng, môi trường, đảm bảo đúng mục đích sử dụng đất, đúng giấy phép xây dựng, môi trường. Các ngành, đơn vị liên quan, các địa phương định kỳ kiểm tra theo chức năng, nhiệm vụ, kiểm tra sau khi cấp Giấy phép, Giấy chứng nhận; xử lý nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật; kiên quyết thu hồi Giấy phép, Giấy chứng nhận, đình chỉ hoạt động cơ sở không đủ điều kiện.
Thái Bình: Gieo cấy trên 10 nghìn ha lúa xuân
Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang tập trung cao độ cho sản xuất vụ xuân. Theo tổng hợp của ngành nông nghiệp, đến nay toàn tỉnh đã cấy được khoảng 10 nghìn ha (15% diện tích gieo cấy).
Do ảnh hưởng của thời tiết, một số diện tích mạ sân, mạ khay có hiện tượng chết chòm, chậm phát triển. Để sản xuất vụ xuân giành thắng lợi, ngành nông nghiệp khuyến cáo các địa phương hướng dẫn nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, chuẩn bị các vật tư thiết yếu tốt nhất cho sản xuất vụ xuân; chăm sóc và bảo vệ diện tích mạ đã gieo, che phủ nilon cho mạ khi gặp nhiệt độ thấp để giữ ấm cho mạ, trước khi cấy 2-3 ngày tiến hành mở nilon để mạ quen với môi trường. Bón bổ sung dinh dưỡng cho mạ bằng cách hòa loãng phân NPK để tưới cho mạ hoặc phun bổ sung các chế phẩm như KH, hoặc siêu lân, Penac P… cho mạ giúp bộ rễ phát triển, bảo đảm cây mạ khỏe trước khi đưa ra ruộng cấy..
Hải Dương: Hỗ trợ 6 mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm lĩnh vực trồng trọt
Năm 2023, toàn tỉnh có 6 mô hình liên kết thuộc lĩnh vực trồng trọt tiếp tục được UBND tỉnh hỗ trợ liên kết và tiêu thụ sản phẩm.
Các mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm gồm: khoai tây, cà chua, cà rốt và ngô ở các huyện Tứ Kỳ, Cẩm Giàng, Thanh Miện, thị xã Kinh Môn và thành phố Chí Linh. Các mô hình liên kết này được thực hiện trong 3 năm từ năm 2022-2024 với tổng số tiền hơn 5,7 tỷ đồng. Mỗi mô hình liên kết có diện tích từ 10-20ha trở lên được hỗ trợ 100% kinh phí tư vấn xây dựng liên kết; hỗ trợ 50% giá giống, vật tư phân bón. Sau 1 năm thực hiện, các mô hình đều cho hiệu quả cao. Phần lớn các mô hình đều do HTX Dịch vụ nông nghiệp là đơn vị chủ trì liên kết các tổ chức, cá nhân để bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Các mô hình sản xuất được bao tiêu ngay từ đầu vụ đã giúp hạn chế tình trạng nông sản bị ép giá, khó tiêu thụ ở giai đoạn chính vụ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp./.
PV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin