Tiếp tục triển khai các chương trình tín dụng chính sách 

15:20, 29/12/2022

Sáng 29-12, Chính phủ tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4-10-2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến đến các điểm cầu tỉnh, thành phố trên toàn quốc.  Đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị. 

Các đồng chí TUV: Trần Lê Đoài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Nam Định.
Đồng chí Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Nam Định.

Dự hội nghị tại đầu cầu tỉnh ta có các đồng chí TUV: Trần Lê Đoài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh; Nguyễn Hải Dũng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Hà Lan Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, hội đoàn thể chính trị - xã hội; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố, thành viên Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH.

Theo báo cáo của Ngân hàng CSXH, ngày 4-10-2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg về việc thành lập Ngân hàng CSXH trên cơ sở tổ chức lại ngân hàng phục vụ người nghèo. Đến 30-11-2022, tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 279.732 tỷ đồng, tăng 271.101 tỷ đồng (gấp 32 lần). Tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm đạt 21,1%. Hiện có gần 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ. Nợ quá hạn chỉ chiếm 0,26% tổng dư nợ. Vốn tín dụng CSXH đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước, trong đó tập trung ưu tiên đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, huyện đảo, xã đảo, vùng bãi ngang ven biển.

Trong 20 năm qua, vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ gần 6,3 triệu hộ gia đình vượt qua ngưỡng nghèo; giải quyết việc làm cho hơn 5,9 triệu lao động; hỗ trợ hơn 3,8 triệu học sinh, sinh viên được vay vốn đi học; giúp mua hơn 84 nghìn máy tính, thiết bị học trực tuyến cho học sinh, sinh viên; xây dựng hơn 16,8 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng gần 729 nghìn căn nhà cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác; hỗ trợ vốn mua hơn 29,7 nghìn căn nhà ở xã hội; gần 2.000 doanh nghiệp, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 được vay vốn để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất, tạo việc làm cho hơn 1,2 triệu lượt người lao động...

Sau 20 năm triển khai thực hiện, đặc biệt sau 8 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ước Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH, chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã thực sự đi vào cuộc sống; góp phần phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững; hạn chế, đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi; tạo nguồn lực cho các địa phương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, được nhân dân đồng tình ủng hộ, cộng đồng quốc tế đánh giá cao; góp phần đưa Việt Nam trở thành một hình mẫu về giảm nghèo trên thế giới.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao những thành tựu mà Ngân hàng CSXH đã đạt được trong suốt 20 năm qua. Đồng chí nhấn mạnh, thời gian tới, Ngân hàng CSXH cần tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, đoàn thể chính trị xã hội triển khai tốt Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư; tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến tín dụng chính sách xã hội. Chủ động nghiên cứu đề xuất từng bước mở rộng đối tượng cho vay vốn, nâng cao mức cho vay, thời hạn cho vay phù hợp với chương trình mục tiêu quốc gia và các mục tiêu an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội; tích hợp thống nhất các chương trình tín dụng ưu đãi để tập trung nguồn lực, tránh đầu tư dàn trải. Tập trung huy động các nguồn lực tài chính đáp ứng tốt hơn nhu cầu cho vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trong điều kiện nguồn lực Nhà nước còn hạn chế, khó khăn. Tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ nguồn vốn không để cho vay sai đối tượng, sai mục đích sử dụng vốn. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và Ngân hàng CSXH đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến những cơ chế, chính sách về tín dụng CSXH đến mọi tầng lớp nhân dân. Cấp ủy chính quyền địa phương, Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH các cấp tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư; cân đối nguồn ngân sách Nhà nước hàng năm bổ sung vốn sang Ngân hàng CSXH cho vay; thường xuyên chỉ đạo nâng cao chất lượng tín dụng, tạo điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách./.

Tin, ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com