* Đồng chí Phạm Gia Túc, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ dự kỳ họp
Sáng 10/7, HĐND tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026 long trọng khai mạc Kỳ họp thứ mười chín (kỳ họp thường lệ giữa năm).
Các đại biểu thực hiện nghi thức chào cờ. |
Đồng chí Phạm Gia Túc, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ dự kỳ họp. |
Dự phiên khai mạc có các đồng chí: Phạm Gia Túc, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ; Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban TVTU, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh; các vị đại biểu Quốc hội tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, các huyện, thành phố.
Đồng chí Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu khai mạc kỳ họp. |
Đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự kỳ họp. |
Phát biểu khai mạc kỳ họp, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Quốc Chỉnh nhấn mạnh: Kỳ họp thứ mười chín diễn ra vào thời điểm các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân trong tỉnh vừa hoàn thành nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm; đồng thời đang tích cực thi đua lao động, sản xuất “Tăng tốc và bứt phá” phấn đấu hoàn thành vượt mức các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2024, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 đã đề ra.
Chủ tọa kỳ họp. |
Tại kỳ họp, HĐND tỉnh sẽ xem xét, quyết định 6 nhóm vấn đề gồm: Thảo luận, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024; xem xét các báo cáo của Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh; các báo cáo của UBND tỉnh; nghe thông báo kết quả kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV; báo cáo của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và một số báo cáo khác theo quy định. Xem xét kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri và kết quả thực hiện của người trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ mười lăm HĐND tỉnh; kết quả thực hiện kiến nghị sau giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND tỉnh và các Ban HĐND tỉnh.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Gia Túc phát biểu tại kỳ họp. |
Tiến hành phiên thảo luận, phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Thảo luận, xem xét thông qua các nghị quyết thuộc các lĩnh vực: đầu tư công; tài chính; tài nguyên và môi trường; xây dựng; an ninh; nội vụ; y tế; văn hóa, thể thao và du lịch; trong đó có các đề án có ý nghĩa quan trọng, tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh trật tự và chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh. Thực hiện quy trình về công tác cán bộ thuộc thẩm quyền. Đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các vị đại biểu HĐND tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực nghiên cứu, thảo luận, có nhiều ý kiến đóng góp vào nội dung của kỳ họp. Xem xét và thông qua các Nghị quyết đảm bảo chất lượng, đúng quy định của pháp luật, đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự và chính sách xã hội trên địa bàn, cũng như sự mong đợi của cử tri và nhân dân trong tỉnh. (Toàn văn bài phát biểu khai mạc kỳ họp của đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Quốc Chỉnh)
Đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh trình bày báo cáo kết quả công tác 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024. |
Đồng chí Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trình bày tóm tắt báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024. |
Tiếp đó, thay mặt UBND tỉnh, đồng chí Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024. Triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024 trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức; song dưới sự lãnh đạo thống nhất của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo linh hoạt, quyết liệt của chính quyền các cấp, sự giám sát của HĐND, sự phối hợp của Ủy ban MTTQ, cùng sự nỗ lực của các sở, ngành, đoàn thể và của toàn thể nhân dân, doanh nghiệp, nên tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục ổn định, có sự phát triển so với cùng kỳ và đạt được nhiều kết quả tích cực. Các chỉ tiêu kinh tế đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ, một số chỉ tiêu cao hơn bình quân chung của cả nước, như: Tổng sản phẩm GRDP ước tăng 8,56% (đứng thứ 11 toàn quốc); chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 14,29%; tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng xã hội ước tăng 13,6% so với cùng kỳ; tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu ước đạt 1.365 triệu USD, tăng 13,8%; giá trị hàng hóa nhập khẩu ước đạt 831 triệu USD, tăng 23,2% so với cùng kỳ; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh ước tăng 15,2% so với cùng kỳ. Tổ chức thành công Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Xúc tiến đầu tư tỉnh Nam Định năm 2024. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư, đặc biệt là hệ thống đường giao thông, các khu, cụm công nghiệp; đồng thời tập trung chỉ đạo đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm. Công tác giải phóng mặt bằng được tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tạo sự đồng thuận và đảm bảo tiến độ triển khai các dự án trọng điểm. Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, xây dựng NTM tiếp tục được đặc biệt quan tâm triển khai và đạt kết quả tích cực. Đến nay đã có 197/204 (96,6%) xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 34 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; đã hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xét công nhận huyện Giao Thủy đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023.
Công tác xúc tiến và thu hút đầu tư được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và tiếp tục có những tín hiệu rất tích cực. Số dự án đầu tư và số vốn đăng ký đầu tư tăng so với cùng kỳ (số dự án đầu tư gấp 3,4 lần; tổng số vốn đăng ký gấp 5,8 lần so với cùng kỳ năm 2023). Công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số, Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh” (Đề án 06) tiếp tục được quan tâm triển khai và đạt được kết quả tích cực. Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2023 của tỉnh đứng thứ 29/63 tỉnh, thành phố, tăng 5 bậc so với năm 2022. Chất lượng Quản trị dịch vụ công trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp Dịch vụ công của tỉnh Nam Định luôn thuộc tốp dẫn đầu toàn quốc. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên, công tác phân cấp, ủy quyền được đẩy mạnh. Là tỉnh đầu tiên trong cả nước hoàn thành hồ sơ Đề án sáp nhập huyện Mỹ Lộc vào thành phố Nam Định, thành lập và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thuộc thành phố Nam Định và Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Nam Định giai đoạn 2023-2025 và trình cấp có thẩm quyền theo quy định. Lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm, đạt được nhiều kết quả, an sinh xã hội được đảm bảo. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, UBND tỉnh đề ra 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm 2024: Tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh để tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; quyết tâm phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024. Tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại các ngành sản xuất, dịch vụ gắn với đổi mới và nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển nhanh, bền vững của nền kinh tế. Thực hiện tốt công tác quy hoạch và tiến độ một số dự án, công trình trọng điểm. Tăng cường công tác quản lý thu, chi ngân sách, điều hành ngân sách chặt chẽ, hiệu quả, công khai, minh bạch. Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư. Tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Gia Túc ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những kết quả mà các cấp ủy Đảng, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh đã nỗ lực đạt được trong 6 tháng đầu năm 2024. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh 6 nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới cần tập trung thực hiện gồm: Tổ chức quán triệt và ban hành các văn bản chỉ đạo tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, gắn với thực hiện Đề án mở rộng địa giới hành chính thành phố Nam Định và Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Nam Định giai đoạn 2023-2025. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về phát triển kinh tế - xã hội; phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024, nhất là chỉ tiêu về tăng trưởng GRDP và thu ngân sách Nhà nước, tạo bứt phá để hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nhiệm kỳ. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ các công trình trọng điểm của Trung ương, của tỉnh; tập trung các công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI như: Tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển; cầu qua sông Đào; Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Sớm trình cơ quan có thẩm quyền đồng ý chủ trương nâng cấp tuyến đường Phủ Lý - Nam Định thành đường cao tốc và dự án “Đường địa phương - tỉnh Nam Định (LRAMP-FO)” nâng cấp một số tuyến đường tỉnh, đường trục xã, liên xã, các cầu và cảng khách. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, hướng tới xây dựng nông thôn Nam Định hiện đại, văn minh, là “nơi đáng sống”. Phấn đấu đến năm 2025, có 1 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tập trung công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, đổi mới hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư; tích cực triển khai Kế hoạch về chuyển đổi số tỉnh Nam Định gắn với Đề án 06 của Chính phủ. Phấn đấu đến hết năm 2025, xây dựng hoàn thành ít nhất 500 căn nhà ở xã hội tại khu Bãi Viên (thành phố Nam Định). Tập trung phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội. Tiếp tục duy trì thành tích nằm trong tốp dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục. Thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh cho nhân dân. Giải quyết tốt chế độ chính sách cho các đối tượng là người có công, thân nhân người có công và các đối tượng bảo trợ xã hội. Tiếp tục thực hiện các biện pháp tăng cường công tác quản lý Nhà nước về quốc phòng, quân sự địa phương, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; kiềm chế, kéo giảm các loại tội phạm và tai nạn giao thông cả 3 tiêu chí. Quan tâm công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho Nhân dân nhận thức đúng, đầy đủ, đồng thuận với chủ trương của tỉnh trong triển khai các dự án trọng điểm, trong đó có việc thu hồi đất tại khu vực Cồn Xanh (Nghĩa Hưng), không để khiếu kiện đông người, kéo dài, tập trung lên tỉnh và Trung ương. (Toàn văn bài phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Gia Túc tại Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024 HĐND tỉnh Nam Định khóa XIX, nhiệm kỳ 2021 - 2026)
Về các nội dung và đề án trình tại kỳ họp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Các nghị quyết được thông qua tại kỳ họp sẽ là căn cứ, cơ sở góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, do vậy đề nghị các vị đại biểu HĐND tỉnh nghiên cứu kỹ tài liệu, tập trung thảo luận, nhất là về cơ sở pháp lý, đánh giá toàn diện tác động của chính sách và tính thực tiễn, đồng bộ, thống nhất để quyết định tạo thuận lợi, hiệu quả trong tổ chức triển khai thực hiện...
Quang cảnh kỳ họp. |
Trong phiên họp buổi sáng, HĐND tỉnh nghe Thường trực HĐND tỉnh báo cáo: Kết quả công tác 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024; giám sát kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri từ các kỳ họp trước; kết quả giám sát chuyên đề: "Công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh từ năm 2021 đến hết năm 2023". Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thông báo công tác Mặt trận tham gia xây dựng chính quyền 6 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thông báo kết quả kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV. Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh báo cáo kết quả công tác 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm công tác 6 tháng cuối năm 2024. UBND tỉnh báo cáo kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri và trình các dự thảo nghị quyết thuộc lĩnh vực kinh tế - ngân sách.
Tin, ảnh: Văn Trọng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin