Ngày 21-9, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc lấy ý kiến Dự thảo báo cáo của Chính phủ về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo Nghị quyết 101/2023/QH15 của Quốc hội. Các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang đồng chủ trì hội nghị.
Quang cảnh hội nghị. |
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Nam Định có đồng chí: Hà Lan Anh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Dự thảo Báo cáo của Chính phủ về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tập trung 24 nhóm lĩnh vực được yêu cầu rà soát tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 (22 lĩnh vực trọng tâm, 1 nhóm lĩnh vực pháp luật khác và 1 nhóm lĩnh vực đã được các đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án kiến nghị, đề xuất hoặc có nhiều vướng mắc được các địa phương, người dân, doanh nghiệp kiến nghị). Trong đó, có các lĩnh vực như: Đấu thầu, đấu giá, quy hoạch, đầu tư công, quản lý và sử dụng đất đai, tài sản công, ngân sách Nhà nước, tài chính công, hợp tác công tư, xã hội hóa dịch vụ công, đầu tư, môi trường, xây dựng, kinh doanh bất động sản, ngân hàng, tài chính, tự chủ tài chính, chứng khoán, trái phiếu, doanh nghiệp, giám định, định giá và các lĩnh vực khác đã được các đoàn kiểm tra, thanh tra, kiểm toán...
Đồng chí Hà Lan Anh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Nam Định. |
Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương đã tập trung đóng góp ý kiến đối với các lĩnh vực, nhất là những nội dung có mâu thuẫn, chồng chéo tại các luật, nghị quyết, nghị định, thông tư. Các ý kiến tại hội nghị sẽ củng cố thêm cơ sở để tổ công tác của Chính phủ và Bộ Tư pháp tiếp tục hoàn thiện báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội trong kỳ họp sắp tới.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đánh giá nhiệm vụ rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật là công việc khó, phức tạp vì liên quan đến đa ngành, đa lĩnh vực, trong khi thời gian yêu cầu nhanh. Dự thảo báo cáo của Chính phủ đã được tổng hợp cơ bản đầy đủ, toàn diện, cụ thể, song Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cần tiếp thu ý kiến phát biểu của các đại biểu để tiếp tục hoàn thiện dự thảo báo cáo. Đồng thời nhấn mạnh, Tổ công tác cần tiếp tục rà soát trong 22 lĩnh vực trọng tâm; đánh giá, rà soát vào những nội dung trong các văn bản quy phạm pháp luật có tác động lớn, cản trở của sự phát triển, gây lãng phí cho xã hội, kẽ hở cho các hành vi vi phạm pháp luật, từ đó đề xuất các kiến nghị, đề xuất để sửa đổi, bổ sung kịp thời.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cũng yêu cầu, nội dung vướng mắc, bất cập trong các thông tư của các bộ, ngành nào thì bộ, ngành đó phải khẩn trương sửa đổi, tháo gỡ. Chính phủ sẽ tiếp tục bổ sung các nhiệm vụ sửa đổi, bổ sung trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và năm 2024./.
Tin, ảnh: Ngọc Linh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin