Sáng 22-4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN). Dự hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Trần Lưu Quang; lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương; các doanh nghiệp ĐTNN; các đại diện xúc tiến đầu tư của Việt Nam tại nước ngoài. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố với sự tham dự của lãnh đạo UBND các tỉnh cùng các sở, ngành liên quan; 37 điểm cầu doanh nghiệp có vốn ĐTNN tại Việt Nam.
Đồng chí Hà Lan Anh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Nam Định. |
Tham dự hội nghị tại đầu cầu tỉnh Nam Định có đồng chí Hà Lan Anh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, Văn phòng UBND tỉnh và một số doanh nghiệp ĐTNN tiêu biểu tại Nam Định.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay tình kinh tế thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ và tăng lãi suất tiếp tục kéo dài ở nhiều quốc gia... đã tác động mạnh đến làn sóng đầu tư, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội toàn cầu. Tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chung tay hỗ trợ tháo gỡ khó khăn của cả hệ thống chính trị, các nhà ĐTNN đã rất tích cực đạt nhiều kết quả quan trọng. Lũy kế đến ngày 20-4, cả nước có 37.065 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 445,9 tỷ USD; vốn thực hiện lũy kế của các dự án ĐTNN đạt hơn 279,8 tỷ USD, bằng gần 62,8% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. Sự tích cực hỗ trợ các nhà ĐTNN phát triển sản xuất, kinh doanh giúp nhiều tổ chức uy tín quốc tế đánh giá cao kết quả, triển vọng phát triển kinh tế, nâng hạng tín nhiệm và dự báo tích cực tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 ở mức khoảng từ 6,3-7,0%. Theo khảo sát tháng 1-2023 về môi trường kinh doanh của Eurocham, Việt Nam được đánh giá thuộc top 5 điểm đến đầu tư toàn cầu. Vừa qua, trong Báo cáo Hạnh phúc thế giới, Việt Nam đã tăng 12 bậc, đứng thứ 65/137 quốc gia.
Tại hội nghị, lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cùng với cộng đồng doanh nghiệp ĐTNN tập trung nhận diện cơ hội, thách thức, khó khăn; đề xuất các giải pháp, chính sách chủ động thích ứng nhằm tháo gỡ vướng mắc và kịp thời nắm bắt cơ hội hợp tác đầu tư trong tình hình mới.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao sự quyết tâm, nghiêm túc và hiệu quả của các doanh nghiệp, nhà ĐTNN trong quá trình hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, nhất là các hoạt động ĐTNN, các các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp ĐTNN cần kiên định các vấn đề có tính nguyên tắc; đồng thời thích ứng linh hoạt, an toàn, sáng tạo, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả đối với các vấn đề cụ thể về ĐTNN.
Để đạt được mục tiêu đến năm 2025 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Trước mắt các Bộ, ngành, địa phương phải khẩn trương xử lý triệt để khó khăn, vướng mắc ngay ở cấp cơ sở cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư, không để khó khăn tồn đọng kéo dài. Về dài hạn, cần tập trung kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, thông thoáng và minh bạch với phương châm "Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, động lực". Tăng cường năng lực của doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy kết nối với doanh nghiệp FDI để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, gia tăng giá trị sản xuất nội địa. Phát huy tối đa nhân tố con người, lấy giá trị văn hoá, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng, bảo đảm sự phát triển bền vững. Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Điều chỉnh hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm, mang tầm quốc gia, thể hiện tính liên ngành, liên vùng, gắn với thị trường, đối tác đầu tư và dự án cụ thể. Xây dựng chính sách thu hút ĐTNN cân đối, hợp lý giữa các vùng, miền, theo đúng định hướng, quy hoạch, yêu cầu phát triển và mục tiêu cải thiện vị thế Việt Nam trong chuỗi sản xuất toàn cầu./.
Tin, ảnh: Thanh Thúy
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin