Góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội

08:36, 15/02/2023

Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Nghĩa Hưng luôn quan tâm chú trọng đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở, nhất là những lĩnh vực quan trọng như giải phóng mặt bằng, cải cách hành chính, xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu… bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, góp phần phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

Diện mạo nông thôn mới thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng).
Diện mạo nông thôn mới thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng).

Đồng chí Phạm Tiến Trường, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nghĩa Hưng cho biết: Thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở; Kết luận số 120-KL/TW ngày 7-1-2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở, Huyện ủy đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở ở các loại hình. Bên cạnh đó, Huyện ủy chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai minh bạch các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định về thủ tục hành chính, các dự án, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu, chi tài chính; các quy định về phí, lệ phí; các khoản huy động đóng góp trong nhân dân; các đề án xây dựng các công trình phúc lợi; các chính sách tín dụng, nguồn vốn vay phát triển sản xuất; việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm; các chính sách an sinh xã hội... tới cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân biết và thực hiện thông qua các hình thức niêm yết đầy đủ tại trụ sở UBND và thông báo trên hệ thống phát thanh từ huyện đến các xã, thị trấn. Đối với chính quyền cơ sở luôn tạo điều kiện để nhân dân phát huy quyền làm chủ trực tiếp bàn bạc và quyết định những vấn đề liên quan đến đời sống, sản xuất của nhân dân như xây dựng nghị quyết, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng NTM, đô thị văn minh, xây dựng “Khu dân cư tiêu biểu”, “Khu dân cư kiểu mẫu”, “Xây dựng giáo xứ, giáo họ không ma túy, tội phạm và tệ nạn xã hội”, “Xứ, họ đạo tiên tiến”; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng hương ước, quy ước… đều được chính quyền tổ chức lấy ý kiến của nhân dân trước quyết định triển khai thực hiện.

Đặc biệt, thực hiện công tác dân vận chính quyền, các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn huyện đều xây dựng các quy chế, quy định thực hiện dân chủ trong cơ quan, đơn vị, thực hiện công khai các khoản thu, chi, đầu tư xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị; các chế độ, chính sách có liên quan đến quyền, lợi ích của cán bộ, công chức, viên chức. Các cơ quan có quan hệ tiếp xúc với nhân dân đã niêm yết công khai các chế độ, chính sách, thủ tục hành chính, quy định về hồ sơ, lệ phí và thời gian giải quyết công việc, giúp người dân và các tổ chức thực hiện việc giao dịch được thuận lợi, đảm đảm đúng thời gian theo quy định. Hiện nay, việc thực hiện QCDC gắn với công tác cải cách thủ tục hành chính được huyện Nghĩa Hưng tập trung đẩy mạnh nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch, nhanh chóng và kịp thời, huyện cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp thông qua việc áp dụng phần mềm dịch vụ công trực tuyến, phần mềm một cửa điện tử trong giải quyết công việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại các xã, thị trấn. Hiện tại tất cả các phòng, ban, đơn vị và UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng đều được trang bị máy vi tính, thực hiện kết nối mạng nội bộ đảm bảo cho yêu cầu công tác và cập nhật thông tin trên mạng internet; nâng cấp trang thông tin điện tử theo yêu cầu cần thông tin của địa phương; tiếp tục vận hành tốt phòng họp trực tuyến với tỉnh; bổ sung trang thiết bị phục vụ cho hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo hướng hiện đại, đạt hiệu quả, 100% cán bộ, công chức, viên chức UBND huyện, UBND các xã, thị trấn sử dụng thành thạo phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc trong công tác chỉ đạo điều hành và thực thi công vụ; 100% cấp huyện và cấp xã xử lý các văn bản, hồ sơ công việc được trao đổi, ký số, ban hành trên hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành; 100% dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 được tiếp nhận trực tuyến và giải quyết trên môi trường điện tử tại cấp huyện; 100% các xã, thị trấn đã thực hiện quy trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử trên hệ thống cổng dịch vụ công của tỉnh. 

Điểm nhấn trong thực hiện mục tiêu phát huy dân chủ ở Nghĩa Hưng là công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án. Cụ thể, thời gian qua trên địa bàn huyện có nhiều dự án được đầu tư và đang triển khai như: tuyến đường bộ ven biển qua địa bàn huyện, đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển Nam Định với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình giai đoạn 2, kênh nối Đáy - Ninh Cơ, cầu Đống Cao và nhiều dự án lớn được đầu tư mới do Tập đoàn Xuân Thiện làm chủ đầu tư tại khu vực Cồn Xanh. Những dự án này không chỉ góp phần đẩy mạnh phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ của huyện mà còn có tác động đến kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh khu vực biên giới biển. Vì vậy, các cấp chính quyền đã tiến hành các biện pháp công khai, minh bạch để đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người dân trong vùng dự án. Theo đó, các cơ quan, đơn vị liên quan đã tiến hành khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, thẩm định để xác định diện tích đất thu hồi, phân loại nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất, tài sản vật kiến trúc, chi phí đầu tư vào đất còn lại (nếu có). Tổ chức lập phương án bồi thường, hỗ trợ đối với các hộ nuôi trồng thuỷ sản đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật hiện hành. Huyện ủy, UBND huyện đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, ý nghĩa, lợi ích của các dự án trọng điểm đối với phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân thông qua các nghị quyết, chương trình hành động cụ thể. Đồng thời, UBND huyện đã gửi các thông báo của tỉnh, của huyện về việc thu hồi đất tới các tổ chức, cá nhân đang sử dụng đất thuộc phạm vi giải phóng mặt bằng; tổ chức 4 hội nghị đối thoại với nhân dân trong vùng dự án. Huyện cũng thành lập 3 tổ công tác giải phóng mặt bằng và tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các dự án. Mỗi tổ gồm 15 thành viên được phân công nhiệm vụ rõ ràng, thường xuyên phối hợp để nắm chắc tình hình nhân dân... Việc thực hiện QCDC trong công tác giải phóng mặt bằng đã tạo sự đồng thuận trong nhân dân nhanh chóng bàn giao mặt bằng phục vụ đầu tư xây dựng các dự án phát triển huyện, tỉnh. 

Với việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp trong thực hiện QCDC, huyện Nghĩa Hưng đã phát huy sức mạnh toàn dân tham gia thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội. Trong những năm gần đây, kinh tế của huyện duy trì tốc độ tăng trưởng cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư xây dựng gắn với thực hiện có hiệu quả chương trình, mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 65 triệu đồng/năm. Đến nay 24/24 xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao, 21 thôn, xóm đạt NTM kiểu mẫu./.

Bài và ảnh: Văn Trọng
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com