Cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, người dân cả nước tưng bừng đón một mùa xuân mới. Chúng ta lại bồi hồi nhớ Bác. Nhớ người Cha già dân tộc đã chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam đi tới thắng lợi để chúng ta có cuộc sống hôm nay. Nhớ những vần thơ chúc Tết của Người vào đêm giao thừa.
Hồ Chủ tịch nói chuyện với nhân dân Nam Định trong buổi mít tinh tại sân Quảng trường Hòa Bình, thành phố Nam Định, ngày 22-5-1963. Ảnh: Tư liệu |
Với cán bộ và nhân dân tỉnh Nam Định, tình cảm dành cho Bác càng sâu đậm hơn. Trong suốt cuộc đời Người, Bác đã 5 lần về thăm tỉnh Nam Định. Lần đầu cách đây 77 năm trong những ngày áp Tết (lần ấy Bác về đột xuất, không báo trước). Lần cuối vào ngày 21-5-1963, tới nay vừa tròn 60 năm. Nhiều người cao tuổi trên mảnh đất này mỗi khi nhìn cánh đồng làng hay đi qua Nhà máy Dệt, Bệnh viện I và Quảng trường Hòa Bình không khỏi bùi ngùi nhớ Bác. Họ nhớ bóng dáng Người Cha già nói chuyện, căn dặn cán bộ và nhân dân tỉnh nhà trong cuộc mít tinh chào đón Người tại sân quảng trường thành phố. Nhớ từng bước đi, từng lời nói của Người với các y, bác sĩ Bệnh viện I (Lương y phải như mẹ hiền). Nhớ dáng Người đi trong các phân xưởng máy tơ, sợi, dệt, nhuộm, chăn trong nhà máy. Người thăm từng nơi ăn chốn ở của từng công nhân. Khi đi qua phân xưởng bông Bác thấy bụi bông bám đầy người thợ, Người hỏi đồng chí Phó giám đốc nhà máy:
- “Ở đây có làm băng bịt miệng cho anh em công nhân không?”.
Đồng chí Võ Phong thưa:
“Thưa Bác có ạ! Nhưng một số anh chị em không muốn đeo vì sợ không tiện ăn trầu”.
Bác cười nói:
“Nhà máy cũng như quân đội. Không có kỷ luật thì không thể tiến tới một quân đội tốt”.
Ngày 13-8-1958, Người về dự Đại hội sản xuất nông nghiệp của tỉnh họp ở xã Yên Tiến, huyện Ý Yên. Trước gần một nghìn cán bộ các cấp trong tỉnh và các chiến sĩ nông nghiệp, Bác nhấn mạnh: “Muốn đạt sản lượng cao trong canh tác lúa nước chúng ta cần tuân thủ một nước - hai phân - ba cần - bốn kỹ thuật”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh xem một số sản phẩm của Nhà máy Dệt Nam Định sản xuất, ngày 24-4-1957. Ảnh: Tư liệu |
Trong một lần vào thăm khu trưng bày triển lãm tỉnh thập niên 70, Nhạc sĩ, họa sĩ Trần Viết Bính cho tôi biết: “Bác là người luôn yêu quý và quan tâm các cháu thiếu nhi. Chẳng thế mà ngay từ lần đầu về thăm Nam Định, Bác đã tới thăm và tặng quà cho các cháu ở trại mồ côi tế bần và nhà trẻ Dục Anh (đường Hàn Thuyên ngày nay)”. Hồi ấy ông phụ trách câu lạc bộ Vàng Anh của thành phố nên may mắn được gặp và cùng các cháu hát cho Người nghe. Câu lạc bộ ca múa Vàng Anh hồi ấy đã sớm nổi tiếng cả nước bởi những tiết mục đặc sắc. Như nhớ ra điều gì nhạc sĩ nói tiếp: “Một chiều tháng 5 năm 1963, tôi đang mải mê hoàn thành bức tranh cổ động tại Trung tâm Triển lãm. Bỗng dưng thấy nhiều công an và bảo vệ chạy vào. Tôi chưa biết có việc gì xảy ra thì đã thấy tiếng ồn ào từ phía cổng. Một đoàn người tiến vào. Tôi nhận ra Bác Hồ”. Sau khi thăm phòng truyền thống, Bác ghi vào sổ vàng “Tiếp tục truyền thống cách mạng vẻ vang, xây dựng chủ nghĩa xã hội thắng lợi”. Dòng chữ này được khắc trên bức phù điêu lớn hiện trưng bày trong khu bảo tàng. Phải công nhận rằng Nam Định hồi ấy là một trung tâm văn hóa và công nghiệp của cả nước. Ngoài khu di tích nổi tiếng Đền Trần, tỉnh ta còn có nhiều di tích văn hóa xếp hạng cấp quốc gia như Chùa Cổ Lễ (Trực Ninh), Chùa Keo Hành Thiện (Xuân Trường), Đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền (Nam Trực). Miền đất Thánh Trần đã đóng góp cho cách mạng Việt Nam nhiều nhà lãnh đạo nổi tiếng như: Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Trường Chinh, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch. Ba anh em cố vấn Lê Đức Thọ… Nam Định cũng góp nhiều gương mặt danh nhân văn hóa như Tú Xương, Nguyễn Bính, Nhạc sĩ Văn Cao, Nhà văn Nam Cao…
Phải công nhận rằng thời kỳ thập niên 60 của thế kỷ trước, Nam Định là tỉnh có ruộng đất phì nhiêu. Sản lượng nông nghiệp không ngừng được nâng cao qua các phong trào thi đua “Đại phong, Ba Nhất, Thanh niên ba sẵn sàng, Phụ nữ ba đảm đang, Bèo hoa dâu làm giàu hợp tác”. Đi đôi với nông nghiệp, các ngành nghề thủ công cũng được khai thác một cách đa dạng như nghề dệt, nghề may, nghề đan, nghề chiếu cói. Có thể nói Nam Định không hổ danh là trung tâm dệt, công nghiệp nhẹ cả nước.
Song song với thành tích phát triển nông nghiệp, công nghiệp, phong trào rèn luyện thể thao, văn hóa quần chúng cũng luôn được chú ý. Khắp các phường, phố, làng, xã, đâu đâu cũng thi đua luyện tập nâng cao sức khỏe để bảo vệ Tổ quốc. Những tên tuổi như Nguyễn Thị Sen (vô địch bơi lội toàn quốc), Đỗ Thía (3 năm liền nhận Huy chương Vàng trên sới vật quốc gia), Nghệ sĩ Kim Liên người Việt Nam đầu tiên hát chèo giữa Pa-ri hoa lệ. Nghệ sĩ nhân dân Kim Liên đã kể với tôi về những lần được vào thăm Bác sau chuyến đi biểu diễn ở Pháp về năm 1967. Chị hát cho Bác nghe, được ngồi ăn cơm với Bác và được Người gắp cho những món ăn ngon.
Đã xa rồi những năm tháng hào hùng ấy. Đã xa rồi khung cảnh Đò Quan cõng pháo một thời chiến tranh rồi hình ảnh khói lửa ngùn ngụt bốc lên từ Sở Dầu Nam Định. Đạn phòng không của tự vệ nhà máy dệt, máy tơ nhả đạn vào máy bay giặc như pháo hoa đêm giao thừa và cảnh ngồi trong cửa hàng hầm ăn vội bát phở “không người lái”. Với tôi vẫn không sao quên được quang cảnh Quảng trường Hòa Bình chật ních người im lặng ngồi nghe Bác căn dặn và đặt niềm tin với quân dân Nam Định “Nam Định là một tỉnh ruộng đất phì nhiêu, khả năng tiến tới một tỉnh giàu có. Nhân dân tỉnh Nam Định có truyền thống đoàn kết và đấu tranh anh dũng trong thời kỳ kháng chiến tỉnh Nam Định đã lập nhiều chiến công vẻ vang. Bác tin rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, nhân dân và cán bộ Nam Định sẽ thu được nhiều thắng lợi rực rỡ”.
Đã 54 năm Bác đi xa nhưng hình ảnh và những lời căn dặn của Người vẫn sống mãi trong lòng mỗi người dân Nam Định. Thực hiện lời căn dặn của Người, mỗi cán bộ và người dân Nam Định không ngừng cố gắng trong mọi công việc. Luôn đoàn kết xây dựng tỉnh nhà ngày càng vững mạnh. Về nông nghiệp chúng ta không ngừng đầu tư, chuyên sâu canh tác, kỹ thuật đạt được những thành tích đáng kể. Công tác dồn điền, đổi thửa, giảm nghèo xóa đói, xây dựng nông thôn mới ta là đơn vị dẫn đầu cả nước. Các nhà máy, khu công nghiệp không ngừng mở rộng, nâng cấp. Nhiều khu đô thị mới được đầu tư xây dựng đúng tiến bộ. Ngành giáo dục luôn luôn là một mũi nhọn dẫn đầu. Các công trình văn hóa được bảo tồn, nâng cấp. Tự hào với truyền thống của ông cha, chúng ta tin rằng cán bộ và nhân dân Nam Định không ngừng phấn đấu trong lao động, học tập xây dựng tỉnh nhà thành đơn vị mạnh, theo kịp với đà phát triển chung của đất nước.
Bước sang mùa xuân mới - Xuân 2023. Chúng ta lại bồi hồi nhớ Bác và xin hứa với Người:
Thành Nam nhớ Bác vươn tầm mới
Thực hiện lời Người trước lúc đi./.
Trần Hùng Thắng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin