Phiên họp thứ 23 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

20:04, 12/01/2023

Ngày 12-1, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) đã họp Phiên thứ 23 để kiểm điểm, đánh giá kết quả hoạt động năm 2022, xác định chương trình công tác năm 2023. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì Phiên họp. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận cuộc họp.
Ảnh: Trí Dũng - TTXVN

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận cuộc họp.

Ảnh: Trí Dũng - TTXVN

Tại Phiên họp, Ban Chỉ đạo đã thảo luận, cho ý kiến đối với 3 nội dung: Kiểm điểm kết quả hoạt động năm 2022; chương trình công tác năm 2023 của Ban Chỉ đạo; kết quả chỉ đạo xử lý các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo từ sau Phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo đến nay; kết quả kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực và công tác giám định, định giá tài sản trong giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, tiêu cực. 

Năm 2022, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, có bước tiến mới, quyết liệt, đồng bộ, toàn diện và hiệu quả hơn. Nhất là gắn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với công tác cán bộ, xử lý nghiêm sai phạm, miễn nhiệm, từ chức theo quy định của Đảng, Nhà nước, để lại dấu ấn tốt, củng cố thêm niềm tin của nhân dân, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2022.

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế tiếp tục được đẩy mạnh, tạo hiệu quả rõ rệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành gần 50 nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, hướng dẫn về xây dựng Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh; về xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; về xử lý kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm; về bố trí công tác đối với cán bộ bị xử lý kỷ luật; về chủ trương phân loại, xử lý tổ chức đảng và đảng viên có sai phạm liên quan đến các vụ án, vụ việc… Nhiều quy định đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả ngay sau khi vừa ban hành.

Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành tập trung xây dựng, ban hành, tổ chức triển khai thực hiện 640 văn bản quy phạm pháp luật quan trọng về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Trong năm 2022, đã thi hành kỷ luật 539 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 47 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (tăng 15 trường hợp so với năm trước); cho thôi giữ chức Ủy viên Trung ương Đảng (khóa XIII) đối với 5 đồng chí; cho thôi giữ chức vụ đối với 2 Phó Thủ tướng Chính phủ, 3 Thứ trưởng và tương đương, 1 Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV)… Qua thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị xử lý tài chính, thu hồi 82.560 tỷ đồng và 883ha đất...

Kết luận Phiên họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, qua 10 năm, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhận thức ngày càng sâu, quyết tâm ngày càng cao hơn, cách làm ngày càng bài bản, lớp lang hơn, số lượng vụ án đưa ra xử lý ngày càng nhiều trên hầu hết các lĩnh vực, trên cả các địa phương. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thực hiện rất nhân văn, nhân nghĩa, nhân ái, nhân tình nhưng vẫn đủ răn đe và giáo dục, ngăn ngừa là chính. “Xử là phải xử nghiêm theo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với lương tâm, tình cảm chứ không phải cứ xử nặng mới là tốt”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.

Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, các cơ quan chức năng đã phối hợp với nhau nhịp nhàng, ăn khớp, xây dựng được nhiều cơ chế, thể chế, chính sách, quy chế để không thể, không dám, không muốn, không cần tham nhũng, tránh bệnh sợ trách nhiệm, sợ sai, không dám làm, chống tình trạng tham nhũng tập thể, tham nhũng có tổ chức, lợi ích nhóm và có các phương pháp, kinh nghiệm hay, theo tinh thần “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, chúng ta làm một cách rất bài bản, thuyết phục”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, cần có sự phối hợp rất nhịp nhàng “trên dưới, đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, phải giáo dục, phải có cách làm đặc biệt, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp càng cao, càng phải gương mẫu giữ mình trong sạch. Các thành viên trong Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải gương mẫu đi đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com