Tạo điều kiện cho các HTX tiếp cận vốn ngân hàng

14:18, 28/10/2022

Thời gian qua, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã ban hành các chính sách tín dụng có liên quan đến cho vay đối với các hợp tác xã (HTX), các chính sách này đã được ngành Ngân hàng tổ chức triển khai thực hiện theo đúng quy định. Nhờ đó những trở ngại về vốn cho sản xuất kinh doanh của các HTX, nhất là các HTX trong ngành nông nghiệp từng bước được tháo gỡ; một số tổ hợp tác, HTX đã liên kết, mở rộng, đầu tư mới phát triển sản xuất, kinh doanh một cách bền vững, nhiều mô hình liên kết sản xuất giữa HTX với doanh nghiệp ra đời đã góp phần đảm bảo ổn định lâu dài về đầu ra cho sản phẩm, giải quyết việc làm và cải thiện mức thu nhập cho nhiều lao động tại các vùng nông thôn. Tuy nhiên, nhiều HTX của tỉnh hiện vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn của ngân hàng.

Hợp tác xã muối Bạch Long (Giao Thủy) vẫn chưa thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng để đầu tư đổi mới công nghệ phát triển nghề muối.

Theo báo cáo của NHNN Chi nhánh tỉnh, toàn tỉnh mới có 9/489 HTX đã được vay vốn của các tổ chức tín dụng với tổng dư nợ khá “khiêm tốn” hơn 21,6 tỷ đồng. Hầu hết các HTX đã được vay vốn ngân hàng là các HTX giao thông vận tải, như: HTX Vận tải Hoà Bình (thành phố Nam Định) với dư nợ là 4 tỷ 431 triệu đồng, HTX Vận tải Đức Ngọc với dư nợ 718 triệu đồng, HTX Vận tải đường bộ Quỹ Nhất với dư nợ 1 tỷ 212 triệu đồng, HTX Vận tải Cổ phần Mùa Xuân (thành phố Nam Định) với dư nợ 5,2 tỷ đồng… Ngoài ra, còn có HTX Cơ khí Đồng Sơn (Nam Trực), HTX Kinh doanh chế biến lâm sản Việt Thắng (Trực Ninh). Nhờ nguồn vốn ngân hàng, các HTX đã tạo khởi sắc trong phát triển sản xuất, kinh doanh. Tiêu biểu như HTX Vận tải Hoà Bình (thành phố Nam Định) kinh doanh vận tải hành khách trong bối cảnh thị trường kinh doanh vận tải ô tô nói chung, vận tải khách nói riêng, ngày càng cạnh tranh gay gắt, HTX đã năng động tìm giải pháp đột phá cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị. HTX đã tập trung đổi mới cơ chế quản lý, tích cực hỗ trợ thành viên nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải một cách cơ bản; tư vấn, tạo điều kiện pháp lý cho thành viên huy động nguồn tài chính tự có làm vốn đối ứng vay tín dụng tại các ngân hàng thương mại cổ phần để đầu tư đổi mới phương tiện. Năm 2021, mặc dù tiếp tục bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, được tiếp cận vốn của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội Chi nhánh Nam Định và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong Chi nhánh Nam Định với dư nợ 4 tỷ 431 triệu đồng, HTX Vận tải Hòa Bình đã tích cực cải thiện chất lượng phục vụ, mở rộng thêm các tuyến vận tải để mở rộng thị trường, thu hút thêm khách hàng.

Ngoài ra, để tăng cường tiếp vốn cho các HTX phát triển kinh tế tập thể, NHNN Chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh quan tâm xem xét và hỗ trợ HTX tiếp cận các nguồn vốn tín dụng trên địa bàn, thẩm định các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh của các HTX để thực hiện cho vay. Tuy nhiên, trên thực tế kết quả thực hiện các chính sách tín dụng đối với HTX còn hạn chế do có nhiều khó khăn, vướng mắc phát sinh từ các HTX, các ngân hàng và các cơ quan quản lý Nhà nước. Trước hết, do năng lực tài chính, phương tiện sản xuất, cơ sở vật chất,… của HTX còn yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất, kinh doanh hiện nay. Nguồn vốn đầu tư mua sắm phương tiện sản xuất, chủ yếu để đáp ứng nguồn vốn lưu động của HTX là chính, trong khi để triển khai một dự án mới khi vay vốn đòi hỏi bản thân HTX phải có nguồn vốn tự có đối ứng từ 20-30%, vốn đầu tư của dự án, đây là một yêu cầu bắt buộc khi vay vốn mà rất nhiều HTX hiện nay khó đáp ứng được. Bên cạnh đó, trình độ chuyên môn và năng lực quản lý, điều hành của Hội đồng quản trị, cán bộ quản lý HTX còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được so với cơ chế quản lý mới, chủ yếu hoạt động theo kinh nghiệm, mới được tập huấn ngắn hạn, không được đào tạo cơ bản và ít được cập nhật những kiến thức mới. Đội ngũ cán bộ quản lý trong HTX chưa có chuyên môn… khi xây dựng phương án vay vốn chưa khả thi, chưa khai thác hết thông tin thị trường để đánh giá hiệu quả dự án, nên khi các ngân hàng tiến hành thẩm định chi tiết khó thuyết phục để các ngân hàng chấp nhận phương án vay vốn để đầu tư. Hiện nay, một số HTX chưa mở đầy đủ hệ thống sổ sách theo quy định, chưa minh bạch mọi hoạt động của HTX; thiếu hệ thống báo cáo chuẩn về tình hình tài chính; sổ sách kế toán chưa đáp ứng yêu cầu của tổ chức tín dụng nên các ngân hàng khó đánh giá hiệu quả hoạt động của HTX trong những năm liền kề khi thẩm định và quyết định việc cho vay; trong trường hợp đã cho vay rồi thì khó kiểm tra được tình hình sử dụng vốn vay, hiệu quả của việc sử dụng vốn vay của HTX. Quan trọng nhất là các HTX thường không có tài sản đảm bảo khi vay vốn, một số ít được thành viên dùng tài sản riêng thế chấp để đảm bảo cho khoản vay, tuy nhiên, giá trị tài sản đảm bảo không nhiều. Mặt khác, chưa có những quỹ hoặc tổ chức để thực hiện bảo lãnh tín dụng cho các HTX khi vay vốn; các thành viên góp vốn vào HTX bằng tài sản, nhưng chưa chuyển đổi quyền sở hữu cho HTX mà vẫn mang tên của thành viên nên không thể sử dụng tài sản để thế chấp vay vốn. Hình thức liên kết trong sản xuất của các HTX còn hạn chế, chủ yếu quy mô nhỏ, chưa hình thành các chuỗi liên kết sản xuất từ đầu vào - sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nên còn nhiều rủi ro về thị trường, giá cả. Hiện nay, các chính sách tín dụng quy định hỗ trợ về cơ chế, chính sách nhưng các tổ chức tín dụng cho vay phải tự chịu trách nhiệm khi rủi ro xảy ra, trong khi các HTX chủ yếu vay với hình thức không có tài sản đảm bảo nên các ngân hàng vẫn e dè khi cho HTX vay, chủ yếu cho các thành viên HTX vay.

Phát triển kinh tế HTX là một trong những tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới hiện nay, việc hỗ trợ tín dụng cho các HTX phát triển là rất cần thiết. Trước tiên để tiếp cận với nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng, tổ chức tín dụng đầu tư cho các HTX thì bản thân các HTX phải nỗ lực vươn lên, xây dựng được phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp, có tính khả thi cao, giải quyết tốt đầu ra cho sản phẩm. Cùng với đó, các HTX cũng phải tập trung củng cố kiện toàn lại bộ máy điều hành, chuẩn bị tốt nhân sự, đảm bảo quản lý điều hành các hoạt động của đơn vị đúng quy định, nhất là công tác tài chính kế toán, bảo đảm minh bạch mọi hoạt động tài chính bằng hóa đơn, chứng từ và thông qua hệ thống các ngân hàng, Kho bạc Nhà nước. Về phía NHNN Chi nhánh tỉnh tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng vận dụng tối đa những quy định về tín dụng ưu đãi đối với HTX, tạo điều kiện để các HTX được vay vốn không phải thế chấp bằng tài sản hoặc bảo đảm bằng tài sản hình thành từ vốn vay nhằm tháo gỡ một phần khó khăn về tài sản thế chấp của HTX. Tăng cường tiếp cận nghiên cứu các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh của HTX, nếu có hiệu quả, đảm bảo khả năng trả nợ thì tạo mọi điều kiện thuận lợi để cho vay; quan tâm đầu tư tín dụng cho số HTX thuộc diện khá; đơn giản hóa thủ tục và điều kiện cho vay đối với HTX./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



Công ty nào chuyên Dịch vụ chứng minh tài chính uy tín nhất

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com