Những năm gần đây, việc ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong các lĩnh vực y tế, công nghiệp, xây dựng, năng lượng và an ninh đã nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc trong các lĩnh vực này, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đi đôi với giá trị tiềm năng là yêu cầu ngày càng cao về đảm bảo an toàn bức xạ nhằm bảo vệ sức khỏe con người và môi trường.
Chụp X-quang tại Phòng khám đa khoa Hồng Hà (thành phố Nam Định). |
Theo Sở Khoa học và Công nghệ (KH và CN), hiện nay toàn tỉnh có 77 cơ sở sử dụng 153 thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế đang hoạt động và đã được Sở KH và CN cấp phép. Nhằm bảo đảm an toàn khi ứng dụng bức xạ, Sở KH và CN đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, tổ chức đăng ký, thẩm định hồ sơ cấp giấy phép hoạt động của các cơ sở bức xạ. Đến ngày 15/12/2024, Sở KH và CN đã tiếp nhận và thực hiện 75 thủ tục hành chính về lĩnh vực an toàn bức xạ trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến tỉnh Nam Định. Các cơ sở hoạt động bức xạ đều thực hiện tốt công tác khai báo và đề nghị cấp phép tiến hành công việc bức xạ trước khi hoạt động; bảo đảm các điều kiện về nhân lực và an toàn bức xạ; định kỳ thực hiện kiểm định thiết bị, kiểm xạ môi trường làm việc bảo đảm an toàn cho nhân viên bức xạ và người dân. Bên cạnh đó, Sở KH và CN tổ chức thường xuyên các lớp tập huấn về an toàn bức xạ, cập nhật kiến thức pháp luật và kỹ năng kiểm soát chiếu xạ nghề nghiệp, giúp nhân viên bức xạ tại các cơ sở vận hành thiết bị đúng chuẩn, an toàn.
Ngoài lĩnh vực y tế, tỉnh có 14 cơ sở công nghiệp có sử dụng thiết bị bức xạ. Các cơ sở này được Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cấp phép tiến hành công việc bức xạ (sử dụng thiết bị bức xạ gắn nguồn phóng xạ hoặc thiết bị phát tia X) và cấp phép lưu giữ nguồn phóng xạ. Nhằm đảm bảo an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ, Sở KH và CN đã cập nhật thông tin về cơ sở bức xạ và nguồn phóng xạ, thống kê đầy đủ, chi tiết, rõ ràng. Đồng thời, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật, cập nhật kiến thức bảo đảm an toàn bức xạ cho các cán bộ, nhân viên của cơ sở bức xạ thường xuyên; kiểm tra sau cấp phép được tổ chức định kỳ hàng năm nhằm xem xét, tuân thủ, chấp hành pháp luật của đơn vị quản lý, sử dụng; phê duyệt kế hoạch ứng phó với sự cố bức xạ tại các đơn vị. Qua đó, giúp các tổ chức, cá nhân đang sử dụng thiết bị bức xạ hiểu rõ và có ý thức trách nhiệm chấp hành nghiêm quy định về việc bảo đảm an toàn bức xạ trong quá trình sử dụng cũng như phối hợp nâng cao nhận thức cho cộng đồng, tăng cường công tác đảm bảo an toàn bức xạ và hạt nhân trên địa bàn.
Bên cạnh tổ chức tập huấn, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về an toàn bức xạ, Sở KH và CN đặc biệt quan tâm đến công tác thanh tra, kiểm tra an toàn và kiểm soát bức xạ tại các cơ sở sử dụng thiết bị nhằm kịp thời chỉ đạo, xử lý những nguy cơ mất an toàn. Thực hiện kế hoạch thanh tra chuyên đề về việc chấp hành Luật Năng lượng nguyên tử, Luật Đo lường, trong tháng 7 và 8/2024, Sở đã thành lập Đoàn thanh tra tại 13/14 đơn vị sử dụng thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ (điều chỉnh không thanh tra 1 đơn vị đã dừng hoạt động, đang làm thủ tục giải thể doanh nghiệp). Qua thanh tra cho thấy, các đơn vị đã thực hiện việc khai báo, cấp phép tiến hành công việc bức xạ. Người đứng đầu các cơ sở sử dụng thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ và người phụ trách an toàn bức xạ có ý thức hơn trong việc chấp hành các quy định của Luật Năng lượng nguyên tử trong quá trình hoạt động, đặc biệt là việc chấp hành các quy định về an toàn bức xạ đối với thiết bị, nhân viên làm công việc bức xạ và công chúng. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số cơ sở vi phạm các quy định như: giấy phép hết hạn, không kiểm định thiết bị định kỳ, không xin cấp giấy phép sử dụng khi thay mới thiết bị, việc theo dõi liều xạ cho nhân viên trực tiếp làm công tác bức xạ theo đúng quy định, hồ sơ về công tác an toàn bức xạ chưa được lưu giữ đầy đủ. Đoàn thanh tra của Sở KH và CN đã yêu cầu các cơ sở y tế thực hiện ngay các biện pháp khắc phục nhằm thực hiện theo đúng quy định của pháp luật đối với việc sử dụng thiết bị bức xạ tia X-quang. Đồng thời xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử đối với 3 đơn vị được thanh tra với số tiền phạt 42 triệu đồng.
Năm 2024, Sở KH và CN đã phê duyệt và triển khai thực hiện Kế hoạch Khảo sát, đo đạc và xây dựng bản đồ phông phóng xạ môi trường trên địa bàn tỉnh Nam Định giai đoạn 2018-2024. Để đảm bảo môi trường an toàn, Sở KH và CN đã phối hợp với Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân (Bộ KH và CN) tổ chức khảo sát, đo suất gamma môi trường với 732 điểm đo; thu góp và phân tích 38 mẫu đất, 20 mẫu nước mặt để phân tích tổng hoạt độ alpha; 20 mẫu nước mặt để phân tích tổng hoạt độ beta; xây dựng bản đồ phông phóng xạ theo từng tiêu chí (suất liều, nồng độ hoạt độ của các mẫu đã được thu thập và phân tích…) chạy trên phần mềm QGIS. Theo đánh giá kết quả sơ bộ, không thấy các số liệu bất thường về suất liều gamma trong không khí, các kết quả nằm trong mức phông phóng xạ môi trường, có sự tương đồng với các kết quả quan trắc đo đạc tại một số địa phương khác trong khu vực đồng bằng Bắc Bộ như: Hưng Yên, Hà Nội, Hải Phòng. Kết quả hàm lượng phóng xạ trong đất không có sự bất thường và tương đồng với các địa phương khác; tổng hoạt độ phóng xạ alpha, beta trong mẫu nước được quan trắc đều nằm trong giới hạn cho phép về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt của Bộ Y tế quy định: giới hạn mức nhiễm xạ tổng hoạt độ alpha là 0,1 (Bq/L) và tổng hoạt độ beta là 1,0 (Bq/L) theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN 01-1:2018/BYT).
Những kết quả đạt được trong công tác quản lý an toàn bức xạ tại Nam Định không chỉ giúp đảm bảo an toàn cho nhân viên và cộng đồng mà còn nâng cao nhận thức doanh nghiệp, người dân về trách nhiệm bảo vệ môi trường. Thời gian tới, Sở KH và CN sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh thanh tra, tuyên truyền và ứng dụng công nghệ để quản lý bức xạ hiệu quả hơn, góp phần xây dựng môi trường sống an toàn, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin