Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 30/10, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận tại tổ về: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đấu thầu và dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự. Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định tham gia thảo luận tại Tổ số 19 cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh: Phú Thọ và Bình Dương. Dự phiên thảo luận có đồng chí Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Nam Định.
Đồng chí Mai Thị Phương Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định phát biểu thảo luận. |
Thảo luận tại tổ về dự án Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự, các đại biểu trong Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định đồng tình với việc ban hành dự thảo Nghị quyết; nhất trí việc Quốc hội ban hành Nghị quyết theo thủ tục rút gọn, thông qua tại một kỳ họp để các cơ quan tiến hành tố tụng có thể thực hiện luôn trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các đại biểu trong Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định cho rằng thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự hiện nay cho thấy vẫn còn tình trạng nhiều vật chứng, tài sản chưa được xử lý triệt để, trong đó nhiều vật chứng, tài sản trong các giai đoạn tố tụng khác nhau thời gian dài không xử lý được, gây thất thoát, hư hỏng, tốn kém trong bảo quản. Luật Tố tụng hình sự hiện hành chưa có quy định về việc xử lý vật chứng, tài sản là tiền, bất động sản, tài sản gắn liền với đất, giấy tờ có giá…; chưa có quy định trực tiếp về việc áp dụng biện pháp "tạm ngừng giao dịch; tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản" để bảo đảm áp dụng các biện pháp xử lý nên dẫn đến việc xử lý vật chứng, tài sản trong thực tế còn gặp nhiều khó khăn.
Cho ý kiến cụ thể về các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản, các đại biểu trong Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định đề nghị các cơ quan: Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an khi ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết cần lưu ý các trường hợp: Sau khi tiến hành các biện pháp xử lý tài sản, vật chứng ở giai đoạn điều tra, truy tố và trước xét xử nhưng sau ngày bản án có hiệu lực của Tòa án tuyên lại không thống nhất với những quyết định trước đó thì sẽ xử lý như thế nào. Trong trường hợp nếu có gây thiệt hại thì sẽ được giải quyết theo luật bồi thường Nhà nước hoặc pháp luật có liên quan. Tuy nhiên hiện nay Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước không quy định trường hợp nào Nhà nước bồi thường những trường hợp quy định trong nghị quyết thí điểm này. Vì vậy Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định đề nghị khoản 8, điều 3, dự thảo Nghị quyết quy định về trách nhiệm bồi thường Nhà nước sửa lại là, nếu trường hợp gây thiệt hại thì Nhà nước sẽ phải bồi thường và thủ tục trình tự áp dụng theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Ngoài ra, Ban soạn thảo cần làm rõ vụ án về phạm vi áp dụng thí điểm, vì dự thảo Nghị quyết nêu áp dụng đối với một số vụ việc, vụ án do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo...
Tin: Văn Trọng
Ảnh: PV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin